Vì dự thảo đề án này có phạm vi khá rộng, đề cập đến nhiều vấn đề về nền kinh tế Việt Nam nên trong bài này, người viết tập trung phân tích và góp ý vào phần đề cập đến các ngành kinh tế ưu tiên.
Không nên tự trói mình bằng những con số vô hồn
Dự thảo Đề án đề ra mục tiêu cụ thể về tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên đến năm 2020: (1) Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (và/hoặc giá trị xuất khẩu) và việc làm của các ngành trọng điểm tăng nhanh hơn ít nhất 30% so với tốc độ tăng tương ứng giai đoạn 2011-2015; (2) Xác định và hỗ trợ thực hiện trên thực tế ít nhất 400 dự án đầu tư ưu tiên của các doanh nghiệp tại các ngành ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Vì Việt Nam có lợi thế khác nhau với mỗi ngành kinh tế và đầu ra của mỗi ngành này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, biến động khôn lường, không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài, nên dù có được ưu tiên thì cũng không có gì có thể đảm bảo rằng những ngành này sẽ phát triển mạnh (với các chỉ tiêu cụ thể trong mục tiêu thứ nhất), bất chấp ý chí chủ quan của những người trong cuộc.
Tương tự như vậy, con số mục tiêu 400 dự án đầu tư ưu tiên được hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 rõ ràng cũng chỉ là một con số “từ trên trời rơi xuống”. Không thể cộng số học toàn bộ các dự án ưu tiên ở các ngành ưu tiên để báo cáo thành tích.
Giả sử có một số ngành ưu tiên nào đó trong số các ngành kinh tế được ưu tiên có nhiều dự án hơn các ngành còn lại, đóng góp chủ yếu vào con số 400 hoặc hơn con số 400 này, trong khi các ngành ưu tiên còn lại đóng góp rất ít hoặc hầu như không có dự án nào, lúc đó chẳng lẽ vẫn báo cáo rằng mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đã hoàn thành (vượt mức kế hoạch)?
Ngược lại, giả sử tổng cộng các dự án ưu tiên được xác định và hỗ trợ đạt được thấp hơn con số mục tiêu 400 nhưng là những dự án quy mô lớn, chất lượng tốt, có tác động lan tỏa lớn và có nhiều ý nghĩa xã hội tích cực. Vì đã trót đặt ra mục tiêu nên Chính phủ và các bộ, ngành dễ bị dư luận nhìn nhận là đã không hoàn thành nhiệm vụ, mà trên thực tế thì không hoàn toàn đúng như vậy.
Vì vậy, thay vì đặt ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể như nói trên, dự thảo nên dùng những chỉ tiêu định tính như tăng trưởng nhanh hơn và hỗ trợ nhiều dự án ưu tiên hơn trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn năm năm trước đó (trong từng ngành kinh tế ưu tiên). Suy cho cùng, chất lượng chứ không phải số lượng mới là điều quan trọng đối với các chiến lược hay quy hoạch.
Không nên liệt kê cụ thể các sản phẩm được ưu tiên
Trong dự thảo đề án, các ngành, sản phẩm được ưu tiên bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có lợi thế cạnh tranh cao, như cà phê, chè, cao su, ca cao, hạt tiêu, hạt điều, cá da trơn, lợn, tôm, lúa gạo v.v... (lưu ý đến “v.v...”).
Việc liệt kê các loại sản phẩm được ưu tiên như trên là điều không nên. Lý do là, một mặt, dự thảo muốn nhấn mạnh đến những sản phẩm cụ thể xứng đáng được ưu tiên, nhưng mặt khác, việc liệt kê như vậy vô tình bỏ sót những sản phẩm khác hiện tại và sau này đang và sẽ là thế mạnh có tính cạnh tranh cao của Việt Nam. Cũng có thể cơ quan soạn thảo biết được hạn chế của cách làm này (liệt kê sản phẩm cụ thể) nên dự thảo để ngỏ cơ hội liệt kê thêm các sản phẩm khác bằng cách sử dụng từ “v.v...”. Nhưng việc để ngỏ như vậy lại làm khó cho người thực hiện khi không biết sản phẩm nào nên, không nên được ưu tiên, ngoài những sản phẩm đã liệt kê ở đây.
Bên cạnh đó, phát triển những ngành ưu tiên không nên chỉ xuất phát từ lợi thế cạnh tranh cao (của Việt Nam so với các nước khác, trên thị trường xuất khẩu?). Có những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu nội địa, chỉ mang tính địa phương và phục vụ thị trường trong nước như một số loại cây, con đặc sản được thị trường trong nước ưa chuộng (không nhất thiết dễ xuất khẩu và xuất khẩu được giá) thì vẫn nên được ưu tiên phát triển, chí ít thì chúng mang lại thu nhập cao và cơ hội công ăn việc làm cho địa phương và các doanh nghiệp liên quan.
Ngoài ra, ngay trong những sản phẩm được ưu tiên liệt kê bên trên, có những sản phẩm ở những thời điểm cụ thể không nhất thiết nên là sản phẩm ưu tiên, do điều kiện bất lợi của thị trường, hay xét trên ý nghĩa hiệu quả kinh tế (mà cụ thể là lúa gạo, trong điều kiện giá xuất khẩu thấp, sử dụng nhiều nước trong khi thời tiết khô hạn, nhiễm mặn...).
Bởi vậy, về nguyên tắc, chỉ nên xác định chung là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn là những ngành ưu tiên do tầm quan trọng của chúng trong giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, giảm nhập siêu... Còn cụ thể người dân và nhà đầu tư cần phát triển sản phẩm nào thì sẽ thực hiện theo tín hiệu của thị trường, chứ không phải theo ý chí chủ quan của những nhà làm chính sách.
Không nên bỏ qua công nghiệp năng lượng tái tạo
Trong khi tính xác đáng của việc xác định tới 13 ngành công nghiệp ưu tiên là điều cần phải xem xét thêm, thì sự thiếu vắng của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong dự thảo đề án là một điều đáng tiếc. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao và ngành điện đang phải chật vật chạy theo nhu cầu này, với nhiều dự án nhiệt điện chạy dầu và than đang và sẽ được triển khai dẫn đến tương lai có thể nhìn trước là nạn ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng trầm trọng, Việt Nam cần phải nhanh chóng đưa thêm ra các ưu đãi, ưu tiên mới để thu hút và triển khai ngay các dự án năng lượng tái tạo nhằm thay thế và giảm tải cho ngành năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch không tái tạo được này.
Không nên chỉ dành riêng các ưu tiên cho các dự án/doanh nghiệp ưu tiên
Trong dự thảo đề án có một điểm đáng chú ý và cần được đặc biệt hoan nghênh. Đó là đề xuất: “Các doanh nghiệp, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế. Tái cơ cấu nền kinh tế phải dựa trên các quyết định đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp dưới sức ép cạnh tranh của thị trường trong nước và quốc tế”.
Việc trao sứ mệnh làm nòng cốt cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân, theo tín hiệu của thị trường, thay vì là các doanh nghiệp nhà nước và bằng các quyết định duy ý chí của các cơ quan quản lý sẽ làm cho triển vọng tái cơ cấu nền kinh tế, và do đó triển vọng tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trở nên sáng sủa hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, đáng tiếc là dự thảo dường như chỉ dành những ưu tiên như hỗ trợ về cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, và giảm thiểu chi phí kinh doanh cho những dự án được ưu tiên.
Việc các dự án được ưu tiên được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay (ưu đãi) là điều ít nhiều vẫn có thể hiểu được và chấp nhận được, khi xét đến tính cần... ưu tiên cho các dự án được ưu tiên. Nhưng việc dành riêng cho các dự án được ưu tiên các ưu tiên về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh bình đẳng và giảm chi phí kinh doanh sẽ tạo ra một sự bất bình đẳng, bất hợp lý mới trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan công quyền có thể giảm bớt thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và hạ chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp, dự án ưu tiên mà lại không thể làm thế được cho các doanh nghiệp, dự án còn lại trong nền kinh tế?
Tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên
Mục tiêu chung đến năm 2020
Tập trung tái cơ cấu, ưu tiên đầu tư và hỗ trợ chính sách phát triển một số ngành trọng điểm đã được xác định tại các nghị quyết của Đảng và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (và/hoặc giá trị xuất khẩu) và việc làm của các ngành trọng điểm tăng nhanh hơn ít nhất 30% so với tốc độ tăng tương ứng giai đoạn 2011-1015;
- Xác định và hỗ trợ thực hiện trên thực tế ít nhất 400 dự án đầu tư ưu tiên của các doanh nghiệp tại các ngành ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020.
Định hướng chính sách đến năm 2020
Căn cứ quy định tại văn bản đã được ban hành, các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2016-2020, bao gồm:
- Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có lợi thế cạnh tranh cao (cà phê, chè, cao su, ca cao, hạt tiêu, hạt điều, cá da trơn, lợn, tôm, lúa gạo...).
- Sáu ngành dịch vụ ưu tiên: Dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối...); dịch vụ phát triển kinh doanh; dịch vụ du lịch; dịch vụ tài chính ngân hàng; dịch vụ giáo dục bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp.
- 13 ngành công nghiệp ưu tiên: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu; luyện kim; thép chế tạo và hóa dược.
Nguồn: Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nến kinh tế giai đoạn 2016-2020
|
Phan Minh Ngọc
No comments:
Post a Comment