Monday, October 17, 2016

Doanh nghiệp phải giữ vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 16/10/2016,     http://www.thesaigontimes.vn/152704/Doanh-nghiep-phai-giu-vai-tro-nong-cot-trong-phat-trien-nong-nghiep.html,            Theo các nhà khoa học, để giải quyết những vấn đề nội tại, nền nông nghiệp cần phải thay đổi toàn diện, không thể mãi là nền nông nghiệp lúa nước mà phải đi bằng đôi chân mới: khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Đã qua rồi thời "nhất nước, nhì phân..."
Tại Diễn đàn nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề “Nông dân toàn cầu: Từ tư duy đến hành động” diễn ra ngày 16-10 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trong 30 năm nay dù trải qua những thời điểm khó khăn nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ khá cao.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều vấn đề cấp bách cần phải tìm giải pháp tháo gỡ. Theo Phó thủ tướng, có 2 mâu thuẫn nội tại phổ biến cần sớm tìm ra giải pháp giải quyết, đó là: năng suất thấp, rủi ro cao và sản xuất nhỏ, thị trường lớn.
Ngoài ra, nông nghiệp cũng đang gặp phải "điểm nghẽn" chưa giải quyết được trên diện rộng, đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp và không đều. Chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa làm ra ở nhiều nơi vẫn chưa làm yên lòng thị trường, ngay cả với những người tiêu dùng trong nước.
Trong thời gian tới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức gay gắt cho nền kinh tế nước ta nói chung và nông nghiệp nói riêng. Thách thức lớn nhất và trực tiếp nhất là sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Dự báo các sản phẩm chăn nuôi, bắp (ngô), mía đường, thức ăn gia súc sẽ gặp bất lợi ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân.
Cũng tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng cần phải nhìn nhận nền nông nghiệp nước ta là một nền nông nghiệp lạc hậu, do suốt trong một thời kỳ dài chúng ta chỉ lo đảm bảo an ninh lương thực.
Thực tế là việc tổ chức lại sản xuất hiện nay vẫn chỉ lo cho các đối tượng là hợp tác xã, tổ hợp tác mà thiếu chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện mới chỉ có khoảng 1,4% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 6% doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp. Trong khi bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải là lực lượng chủ chốt giúp sức cho nông nghiệp phát triển, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, do lực lượng này có đủ tiềm lực về vốn, nhân lực, trình độ…
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hiện vẫn chưa thoát khỏi tư duy nền nông nghiệp lúa nước, vẫn “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”; trong khi nhiều nền nông nghiệp phát triển đã coi yếu tố quan trọng nhất là giống, còn ở nước ta đang đầu tư tới 70-75% cho thủy lợi, tức vẫn coi trọng yếu tố nước.
Nông nghiệp cần đi bằng “hai chân”
Theo ông Hồ Xuân Hùng, để có một nền nông nghiệp phát triển đúng hướng, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cấp bách, đó là tập trung triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần triển khai đúng hướng, cần xác định rõ lợi thế sản phẩm của từng vùng, gắn với thị trường trong và ngoài nước.
Trong quá trình tái cơ cấu, cần xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển thành công thì phải đi bằng 2 chân: một là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó chú trọng công nghệ hiệu quả cao; hai là tổ chức lại sản xuất. Khâu tổ chức lại sản xuất hiện nay đang nặng về tổ chức lại hợp tác xã, trong khi đúng ra phải là tổ chức lại nguồn lực lao động, tổ chức lại việc tích tụ đất đai, tổ chức lại các loại hình dịch vụ trong các hợp tác xã; tổ chức lại các hình thức sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng và trình độ nông dân từng khu vực.
Ông Hùng lấy ví dụ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành các liên kết hộ, liên kết chủ trang trại – nông dân – doanh nghiệp… Các loại hình đó phải phù hợp với xu thế hội nhập cạnh tranh toàn cầu hiện nay, nghĩa là phải coi lực lượng doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt chứ không phải là người nông dân như 30-40 năm trước. Chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản xuất, tạo điều kiện cho người nông dân có thể nâng cao trình độ sản xuất, khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các hội và tổ chức hội nghề nghiệp hoạt động tốt hơn vì lợi ích của lực lượng nông dân. Các tổ chức hội sẽ đứng ra làm cầu nối với doanh nghiệp, tổ chức khác, cũng như tạo nguồn lực nhất định để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Ngoài ra, cần tái cơ cấu đầu tư nguồn lực và dành nguồn lực thỏa đáng hơn, hiệu quả hơn cho ngành nông nghiệp, ít nhất cũng phải tương đương với mức đóng góp của ngành này đối với nền kinh tế.
Điều đặc biệt quan trọng, theo ông Hùng, cần sớm giải quyết những vướng mắc trong việc tích tụ đất đai nhằm phục vụ sản xuất lớn. Chính sách thu hút doanh nghiệp phải cụ thể hơn nữa để thu hút không chỉ doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp mà cả doanh nghiệp ở các ngành khác. Làm được điều này, nông dân sẽ có cơ hội có thêm việc làm, giúp họ ly nông mà không phải ly hương, tiến tới đạt mục tiêu năm 2030 sẽ chỉ còn 20% lao động làm trong ngành nông nghiệp.

Trúc Diễm

No comments:

Post a Comment