Wednesday, October 12, 2016

Kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế

Báo Đất Việt, ngày 11/10/2016,              http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-cua-nen-kinh-te-3320562/,             Kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt trong các thành phần kinh tế và đóng góp quan trọng vào thu hút đầu tư xã hội vào nền kinh tế.
Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường…; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…”.
Việc xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực phát triển của nền kinh tế được đánh giá là sự lựa chọn đúng và trúng của Đảng. KTTN từ chỗ không được thừa nhận trước đổi mới, được chính thức thừa nhận sự tồn tại, có sự phục hồi và phát triển nhất định trong 30 năm đổi mới, và nay có vị thế mới, vị thế cao hơn, quan trọng hơn trong nền kinh tế.
Kinh te tu nhan la dong luc cua nen kinh te
Kinh tế tư nhân đóng góp vai trò thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế.
Đến nay có nhiều khái niệm, quan niệm khác nhau về KTTN. Tuy nhiên, có 3 cách hiểu phổ biến nhất là:
Thứ nhất, không phân chia nền kinh tế theo các thành phần kinh tế (TPKT) mà phân theo khu vực kinh tế, chủ yếu nhằm mục đích thống kê. Cách này thường được sử dụng ở các nước đã có kinh tế thị trường lâu năm. Theo cách phân chia này thì một nền kinh tế thường có 2 khu vực là khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) và khu vực KTTN. Khu vực KTTN lại được phân thành khu vực KTTN trong nước và khu vực có vốn đầu tư ngước ngoài (khu vực FDI). Như vậy, khu vực KTTN trong nước là khu vực kinh tế nằm ngoài khu vực kinh tế nhà nước, nó bao gồm tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN trong nước sử dụng nguồn vốn của chính mình và có quyền được hưởng thành quả lao động mà họ làm ra. Có thể hiểu KTTN theo quan niệm này là KTTN theo nghĩa rộng.
Thứ hai, phân chia nền kinh tế thành các TPKT. Cách phân chia này được thực hiện ở một số nước, trong đó có Việt Nam. Theo phân loại của Tổng cục Thống kê, các đơn vị/tổ chức kinh tế ở Việt Nam được phân chia theo năm loại hình sở hữu để thu thập thông tin, bao gồm: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể; kinh tế tư nhân; và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế ngoài nhà nước bao gồm kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân. Như vậy KTTN chỉ là một bộ phận nhỏ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, chủ yếu là các DNTN. Có thể tạm gọi KTTN theo quan niệm này là “KTTN chay”.
Thứ ba, vẫn theo cách phân chia nền kinh tế thành các TPKT, nhưng KTTN bao gồm kinh tế cá thể, tiêu chủ và doanh nghiệp tư nhân (tư bản tư nhân). Đây là cách hiểu được thể hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng. Theo cách hiểu này thì khu vực KTTN trong nước là khu vực kinh tế ngoài khu vực KTNN (khu vực kinh tế ngoài quốc doanh) nhưng không bao gồm kinh tế tập thể.
Trong bài viết này, KTTN được hiểu là KTTN trong nước, nghĩa là không bao gồm khu vực FDI. Mặt khác, do điều kiện số liệu thống kê của Việt Nam, nên có chỗ KTTN được hiểu là khu vực kinh tế ngoài khu vực KTNN (trong thực tế thì kinh tế tập thể cũng không chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế ngoài KTNN), những chỗ khác KTTN được hiểu theo cách hiểu thứ ba nêu bên trên, nghĩa là bao gồm kinh tế cá thể và DNTN.
Phát triển kinh tế là gì?
Phát triển kinh tế có thể được hiểu là quá trình lớn lên, tăng tiến mọi mặt của nền kinh tế. Nó bao gồm sự tăng trưởng kinh tế (gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng tăng trưởng), đồng thời có sự hoàn thiện về mặt cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Như vậy, điều kiện đầu tiên để có phát triển là phải có tăng trưởng kinh tế, nghĩa là phải có sự gia tăng về quy mô sản lượng của nền kinh tế và sự gia tăng này có được chủ yếu nhờ tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sự gia tăng này phải diễn ra tương đối ổn định trong một thời gian tương đối dài (càng dài càng tốt).

Để có phát triển cũng cần có sự thay đổi hợp lý trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế thể hiện ở tỷ trọng các vùng, miền, ngành, thành phần kinh tế... sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển; trong đó tỷ trọng của khu vực nông thôn giảm tương đối so với tỷ trọng khu vực thành thị, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp tăng, đặc biệt là các ngành dịch vụ cao cấp, các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Sự phát triển cũng được đo bằng cuộc sống của đại bộ phận dân cư trong xã hội. Một nền kinh tế được xem là có phát triển phải là nền kinh tế đủ khả năng đảm bảo cho cuộc sống của đại bộ phận người dân trở lên tốt đẹp hơn, không chỉ về vật chất mà cả về đời sống tinh thân và môi trường sống.
Để có phát triển thì đổi mới tư duy phát triển, đổi mới thể chế nói chung, thể chế kinh tế nói riêng phù hợp với từng giai đoạn phát triển là điều bắt buộc phải có ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
KTTN Việt Nam chỉ có thể trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam nếu nó góp phần xứng đáng vào sự phát triển đất nước nói chung, phát triển nền kinh tế nói riêng với những nội dung chủ yếu như vừa nêu trên.
Biểu hiện động lực phát triển của KTTN ở Việt Nam
Với cách hiểu động lực phát triển như nêu bên trên thì có thể thấy có rất nhiều biểu hiện cụ thể thể hiện KTTN là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Thứ nhất, KTTN có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
 
Theo chuyên gia Bùi Trinh (số liệu ở Bảng 1): nếu tính khu vực KTTN là khu vực kinh tế ngoài KTNN thì khu vực này chiếm 47,2% GDP vào năm 2005 và đã tăng lên đến 49,3% vào năm 2012; nếu tính khu vực KTTN gồm KTTN và kinh tế cá thể thì con số của 2 năm 2005 và 2012 lần lượt là 40,6% và 44,3%; còn nếu khu vực KTTN chỉ được coi gồm kinh tế tư bản tư nhân (doanh nghiệp tư nhân) thì TPKT này cũng đóng góp phần không quá nhỏ, cụ thể là 8,5% vào năm 2005 và 11,1% vào năm 2012 (trong 2 năm này kinh tế tập thể chỉ chiếm 6,6% và 5,0%, nghĩa là có tỷ trọng nhỏ hơn “KTTN chay” và trong xu thế giảm).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, theo cách tính mới (giá cơ bản năm 2010) thì năm 2014, khu vực KTTN theo nghĩa rộng chiếm 43,33% GDP; nếu trừ kinh tế tập thể, con số này vấn cón rất lớn là 39, 29% GDP; còn nếu chỉ tính “KTTN chay”, con số này vẫn là 7,79% GDP.
Xét về tốc độ tăng trưởng, khu vực KTTN, dù tính theo cách hiểu nào cũng có Chỉ số phát triển rất ấn tượng. Năm 2005, khu vực KTNN tăng trưởng 7,37% và con số này giảm xuống 4,05% vào năm 2014 (một phần do điều chỉnh giá tính theo giá năm 2010); trong khi các con số của khu vực kinh tế trong nước ngoài KTNN lần lượt là 6,03% và 5,85%; nếu chỉ tính “KTTN chay”, thì các con số này rất ấn tượng, cụ thể là 14,01% và 6,75%.
Chú ý: Bắt đầu từ năm 2010 giá trị tăng thêm của các khu vực kinh tế được tính theo giá cơ bản.
Thứ hai, KTTN góp phần quan trọng thu hút vốn đầu tư của xã hội vào phát triển kinh tế
Thực tế ở Việt Nam từ khi có Luật doanh nghiệp cho thấy, việc thành lập DN thuộc khu vực KTTN không đòi hỏi quá nhiều vốn. Chính điều này tạo cơ hội cho đông đảo người dân có thể tham gia đầu tư. Trong quá trình hoạt động DNTN có thể dễ dàng huy động vốn dựa trên quan hệ họ hàng, bạn bè... Vì vậy, đẩy mạnh phát triển DNTN là cách làm có hiệu quả trong việc huy động vốn, sử dụng các khoản tiền nhàn rỗi trong dân, biến các khoản tiền phân tán thành các khoản vốn đầu tư lớn. Các DN thuộc khu vực KTTN thường có quy mô nhỏ và vừa, lại phân tán ở hầu hết các địa phương, nên ngoài khả năng huy động vốn, các DN này cũng có khả năng sử dụng các tiềm năng khác tại các địa phương như nguyên vật liệu, lao động và kinh nghiệm sản xuất ở các ngành nghề truyền thống…
Với mô hình tăng trưởng như hiện nay của Việt Nam thì việc huy động được nhiều vốn cho đầu tư phát triển là điều rất quan trọng (dĩ nhiên chúng ta cần tích cực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chứ không thể duy trì mãi mô hình tăng trưởng như hiện tại). Trong những năm qua, KTTN đã góp phần không nhỏ vào việc này.
Từ năm 1995- 2014, vốn đầu tư phát triển của khu vực KTNN đã giảm từ 42% xuống 39,9%, trong khi vốn đầu tư phát triển của khu vực KTTN theo nghĩa rộng đã tăng từ 27,6% lên 38,4%. Việc giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực KTNN và tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực KTTN, một mặt là hợp với xu thế phát triển hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, mặt khác cũng nói lên tầm quan trọng của khu vực KTTN đối với sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, KTTN thu hút một bộ phận lớn lực lượng lao động và góp phần đào tạo nguồn nhân lực mới cho thị trường lao động
Khu vực KTNN hiện nay chỉ giải quyết được việc làm cho khoảng trên 3 triệu lao động (theo Nguyễn Đình Luận), trong khi ở nước ta hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm…Rõ ràng khu vực KTTN có ưu thế hơn hẳn về khả năng thu hút lao động và tạo việc làm mới. Số liệu của Bảng 5 dưới đây càng minh chứng rõ hơn cho nhận định này. Năm 2000, khu vực kinh tế ngoài nhà nước thu hút tới 87,3% lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, có giảm đi chút ít vào năm 2014, nhưng vẫn chiếm tới 85,7%.
 
DNTN giải quyết lượng lao động lớn.
Ngoài tạo việc làm, do luôn phải nâng cao năng lực cạnh để có thể tồn tại và phát triển, các DNTN phải luôn tìm biện pháp tổ chức lao động, quản lý doanh nghiệp sao cho có hiệu quả nhất, do vậy kỷ luật lao động, kỹ năng tay nghề… được thực hiện khá nghiêm ngặt. Điều này đã góp phần tạo nên đội ngũ lao động có kỹ năng và tác phong công nghiệp. Khu vực KTTN cũng là nơi đào tạo, rèn luyện các chủ doanh nghiệp lớn trong tương lai và là cơ sở kinh tế ban đầu để phát triển các doanh nghiệp lớn.
Thứ tư, KTTN có vai trò quan trọng trong phát triển khu vực dịch vụ
Trong một số năm gần đây, khu vực dịch vụ luôn chiếm gần 40% GDP. Nếu xét theo các thành phần kinh tế thì khu vực KTTN theo nghĩa rộng thường chiếm một tỷ trọng không nhỏ, nhất là trong thương mại, đặc biệt là thương mại bán lẻ.
Theo Tổng cục Thống kê (Bảng 6), tuy mới được chính thức thừa nhận và phát triển, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế của khu vực KTTN theo nghĩa rộng đã chiếm tới 69,6% vào năm 1990 và đã tăng lên đến 85,5% vào năm 2014, trong khi các con số này của khu vực KTNN đã giảm từ 30,4% vào năm 1990 xuống chỉ còn 10,6% vào năm 2014.
Thứ năm, KTTN góp phần thúc đẩy đổi mới thể chế kinh tế
Khu vực KTTN phát triển làm cho các quan hệ sở hữu trong nền kinh tế Việt Nam trở nên đa dạng hơn, linh hoạt hơn, phù hợp hơn với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vốn còn thấp và phát triển không đều giữa các địa phương, các ngành trong cả nước; nhờ vậy đã khơi dậy và phát huy được tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất của các tầng lớp dân cư.
KTTN phát triển cũng kéo theo sự đổi mới trong quan hệ quản lý và phân phối. Các chủ thể sản xuất kinh doanh thuộc khu vực KTTN suất hiện ngày càng nhiều trong hầu hết các lĩnh vực kinh đã dần đẩy lùi tình trạng độc quyền của một số DNNN, làm gia tăng mức độ cạnh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế…
Thông qua phát triển KTTN, quyền làm chủ của nhân dân, trước hết là quyền làm chủ về kinh tế được phát huy. Đây chính là cơ sở để mở rộng quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực khác. KTTN phát triển cũng đặt ra những yêu cầu khách quan cho việc đổi mới thể chế kinh tế nói chung, cải cách nền hành chính quốc gia nói riêng, trong đó có việc phải thay đổi tư duy quản lý theo hướng tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân được tự do kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đây là một nhân tố quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh.
Cần phát huy hơn nữa vai trò động lực phát triển của KTTN
Từ khi tiến hành đổi mới, khu vực KTTN đã có những bước phát triển nhất định và đã chứng tỏ được vai trò của mình trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy vậy, khu vực KTTN phát triển vấn còn chậm và còn có nhiều hạn chế, yếu kém. Những hạn chế, yếu kém của khu vực KTTN đã được đề cập đến từ lâu trong nhiều tài liệu và tại nhiều diễn đàn; tựu chung lại gồm một số nội dung chính sau đây:
- Số lượng DNTT tuy nhiều, nhưng quy mô nhỏ bé;
- Trình độ quản lý chưa hiện đại;
- Máy móc, thiết bị nhìn chung lạc hậu;
- Năng suất lao động thấp; năng lực cạnh tranh thấp v.v…
Để KTTN phát huy tốt hơn nữa vai trò động lực của minh trong phát triển đất nước, điều quan trọng là phải làm cho khu vực kinh tế này ngày càng phát triển.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể về phát triển khu vực KTTN, mà gần đây nhất là vào ngày 29/4/ 2016, tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, các Bộ, Ngành đã đề xuất thực hiện nhiều giải pháp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã trình bày 10 giải pháp của Chính phủ để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN.
 
Doanh nghiệp tư nhân nếu nhỏ lẻ manh mún đương nhiên sẽ khó cạnh tranh.
Trong bài viết nhỏ này, người viết không nhắc lại các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được Đảng, Chính phủ và các Bộ/Ngành nêu ra nhằm phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ xin nhấn mạnh vài điểm sau đây:
Trong điều kiện của nước ta hiện nay và các năm tới, việc thu hút được nhiều vốn FDI là rất cần (tuy nhiên chất lượng FDI phải được đặt lên hàng đầu), nhưng đã đến lúc cần phải nghiêm túc trong suy nghĩ và hành động liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp của người Việt Nam. Lý do là vì Việt Nam không thể phát triển được nếu không có nhiều doanh nghiệp tốt, không có các doanh nghiệp nội địa mạnh tầm cỡ tập đoàn kinh tế như ở các nước khác; nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ đông về số lượng, nhưng quy mô quá nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu (thua ngay trên sân nhà). Do vậy, đi đôi với hỗ trợ khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DNTN thì cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các Tập đoàn kinh tế tư nhân của người Việt Nam. Cần chấm dứt ngay tâm lý hay suy nghĩ hiện vẫn đang còn tồn tại trên thực tế của không ít người không muốn khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển mạnh.
Lấy lại lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN bằng lời nói đi đôi với việc làm. Thời gian vừa qua chủ trương, chính sách, luật pháp có nhiều, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, chưa đủ rõ, có những nội dung tính khả thi thấp và đặc biệt là việc thực thi trên thực tế không được như những gì đã được đề cập đến trong chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chúng ta nói quá nhiều, nhưng hành động, việc làm chưa tương xứng với lời nói và chính việc này đã làm giảm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp.
Nếu chúng ta thực sự muốn phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân và nếu như cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thực sự có niềm tin thì đây sẽ là một động lực rất lớn thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

PGS.TS. Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương CIEM

No comments:

Post a Comment