Ông Vũ Tiến Lộc.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016, ngày 11/10.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có nhiều những doanh nghiệp lớn, quy mô lớn trên thế giới.
“Các đại gia của chúng ta hiện nay chủ yếu đến từ lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Trong khi cuộc cách mạng thứ 4 về công nghệ đang ập đến. Các lợi thế về lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên và thậm chí là vị trí địa lý cũng sẽ không còn là lợi thế nữa”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, không ít những doanh nhân thời gian qua lăn lộn thương trường, thành công nhờ quan hệ mà ko cần phải học hành gì.
“Nhưng bây giờ phải học thôi. Chiến lược kinh doanh phải rõ ràng tập trung vào cốt lõi chứ ko thể lan man. Doanh nghiệp nhỏ mà có chuẩn mực toàn cầu thì vẫn trụ vững còn nếu doanh nghiệp lớn lan man thì cũng ko tồn tại lâu được”.
Ông Lộc mong muốn doanh nghiệp đi vào làm quản trị một cách chuyên nghiệp. Đừng cố gắng đầu tư vào quan hệ nữa. Một môi trường bình đẳng sẽ không còn đất cho quan hệ. Phải vì trách nhiệm xã hội, hãy là doanh nhân chứ không là trọc phú, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc chia sẻ mới đây, một vị chủ tịch tỉnh gần đây có nói với ông rằng bây giờ mà nói tới trái tim của người làm kinh doanh thì có quá xa xỉ hay không?
“Tôi nói là không, bởi nếu kinh doanh không bằng trái tim thì không thể nào bền vững. Những doanh nhân lớn luôn nghĩ về xã hội, nghĩ về dân tộc, nghĩ về con người. Mục tiêu phải là phụng sự con người. Nó không phải là sự sáo mòn mà là chân lý thành công của doanh nhân”, ông Lộc nói.
Theo Chủ tịch VCCI, cuộc cách mạng trước đây đã đưa dầu lửa thành nguồn nguyên liệu cơ bản của kinh tế, còn cuộc cách mạng thứ 4 mang tên tài nguyên số sẽ là tài nguyên cốt lõi. Chỉ những ai biết nắm lấy cơ hội từ công nghệ sáng tạo, công nghệ số mới trỗi dậy mạnh mẽ.
Doanh nghiệp Việt đã chứng tỏ sức chịu đựng và thích nghi rất linh hoạt sau một thời gian dài chịu sự bó buộc trong môi trường kinh doanh dựa trên cơ chế “quan hệ” và “xin – cho”. Vì thế, với những chính sách mới của Bộ máy Chính phủ mới, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ bứt phá.
“Chính phủ đã quyết nâng bậc Việt Nam trong khối ASEAN về môi trường kinh doanh, còn doanh nghiệp phải nâng tầm. Không cơ chế xin cho, doanh nhân không phải quan hệ nữa và trí tuệ phải là cốt lõi.
Có như vậy, Việt Nam mới có thể có được những doanh nghiệp lớn mang tầm vóc của khu vực, chứ không chỉ dừng lại là những "đại gia" ngân hàng, bất động sản với quy mô và chất lượng còn hạn chế như hiện tại”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Mạnh Nguyên
No comments:
Post a Comment