Wednesday, October 12, 2016

Dự án BOT công khai nhưng chưa minh bạch

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 12/10/2016,          http://www.thesaigontimes.vn/152277/Du-an-BOT-cong-khai-nhung-chua-minh-bach.html,               Vào tuần trước, trong cuộc họp báo quí 3-2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết bộ này sẽ yêu cầu tất cả chủ đầu tư dự án BOT phải công khai các thông tin như thời gian thu phí, mức thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trạm thu phí để người dân kiểm tra, giám sát.

Tại một trạm thu phí BOT. Ảnh: TL
Động thái này của Bộ GTVT phần nào đã cho thấy cơ quan này đã dần công khai các dự án BOT thay vì chỉ chủ đầu tư và cơ quan quản lý biết với nhau. Thế nhưng, nhìn nhận thực tế bản chất của vấn đề thì thông tin mà Bộ GTVT công khai chưa hoàn toàn minh bạch. Với những thông tin công khai như vậy, người dân rất khó để giám sát các dự án có thu đúng hay không.
Hãy thử đặt mình vào vai trò giám sát của một người dân hoặc doanh nghiệp. Thứ nhất, đối với mức thu phí của từng loại xe mà Bộ GTVT công khai thì mức phí này đã được Bộ Tài chính quy định cụ thể bằng văn bản đối với từng loại xe. Hơn nữa, khi xe đi qua trạm, nhân viên thu phí đều phải giao lại cuống vé hoặc biên lai thu phí cho người sử dụng, do vậy, chủ đầu tư có muốn thu cao hơn cũng không thu được. Đối với thông tin này, hầu hết chủ đầu tư đều có dán ở trạm thu phí.
Khi nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng con đường thì họ phải có lợi nhuận, song lợi nhuận này cũng phải ở mức hợp lý mà người dân và doanh nghiệp chịu đựng được.
Thứ hai là thời gian thu phí của trạm, thông tin này chỉ được coi là điều kiện cần chứ chưa đủ dữ liệu để người dân kiểm tra, giám sát. Điều kiện đủ ở đây chính là việc công khai số phí thu được hàng quí, hàng năm. Từ đó, người dân mới biết được mỗi năm trạm thu phí đó thu được bao nhiêu, có đúng với lượng xe mà chủ đầu tư báo cáo hay không.
Sở dĩ người dân yêu cầu công khai số phí thu được hàng năm vì hiện nay số lượng xe nộp phí qua trạm cao hơn nhiều so với con số mà chủ đầu tư báo cáo. Điều này đã được chứng minh sau đợt kiểm toán một số trạm thu phí BOT mới đây. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện mức phí thu được trên thực tế cao hơn rất nhiều so với con số mà chủ đầu tư báo cáo. Ví dụ, tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, số thu bình quân là 1,97 tỉ đồng/ngày, trong khi chủ đầu tư báo cáo số thu bình quân chỉ là 582 triệu đồng/ngày.
Sau đó, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ GTVT phải rút ngắn thời gian thu phí của bốn dự án ít nhất từ năm năm trở lên. Thậm chí có trạm thu phí bị đề nghị rút thời gian thu phí từ 24 năm xuống còn... 13 năm.
Mỗi lần dư luận lên tiếng về mức phí và khoảng cách đặt các trạm thu phí BOT, Bộ GTVT luôn luôn khẳng định các dự án BOT được quản lý chặt chẽ từ khâu lập dự án, thiết kế, phê duyệt về đơn giá, thi công... như các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Để rồi, mỗi lần kiểm toán hoặc thanh tra thì đều phát hiện sai sót ở các dự án BOT. Chính vì thế, người dân có quyền nghi ngờ hợp đồng giữa chủ đầu tư và cơ quan đại diện cho Nhà nước đứng ra ký hợp đồng.
Bình luận về việc công khai các thông tin của dự án BOT, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tư nhân tại TPHCM, cho rằng những thông tin quan trọng nhất như số phí thu được hàng năm, đơn giá các hạng mục xây dựng của con đường thì lại không được công bố. Việc công bố mức phí, thời gian thu là điều đương nhiên phải làm, chẳng lẽ khi thu phí lại không cho biết thu bao nhiêu năm. Ông cho rằng lẽ ra Bộ GTVT phải công khai hợp đồng BOT để người dân kiểm tra, giám sát bởi vì người dân và doanh nghiệp là những người nộp phí thì họ có quyền được biết số tiền mình nộp được sử dụng ra sao. Việc cứ lấy điều khoản bảo mật mà không công bố càng chứng tỏ có sự khuất tất giữa hai bên trong hợp đồng.
Dĩ nhiên, khi nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng con đường thì họ phải có lợi nhuận, song lợi nhuận này cũng phải ở mức hợp lý mà người dân và doanh nghiệp chịu đựng được.
Việc kiểm tra, giám sát các dự án BOT nếu chỉ có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp thì khó mang lại kết quả nếu như các lợi ích nhóm thông đồng với nhau để làm đẹp các con số thu phí hàng năm. Vì vậy, rất cần sự kiểm toán độc lập của các cơ quan giám sát. Có như vậy thì đầu tư BOT mới không bị méo mó và người dân cũng dễ dàng chấp nhận việc đóng phí để đi trên con đường BOT.

Lê Anh
 

No comments:

Post a Comment