Trao đổi với TBKTSG Online sáng nay 9-8, Viện trưởng CIEM khẳng định, về mặt pháp lý, Thông tư 20 đương nhiên hết hiệu lực từ 1-7 vừa rồi. Bên cạnh đó, thông tư này vi phạm Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cũng như vi phạm các luật khác như Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, và đặc biệt là trái với Hiến pháp.
Ông Cung nói, Thông tư 20 (yêu cầu nhà nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất) là chính sách đảm bảo sự độc quyền cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn liên quan, và đồng thời tước đoạt cơ hội của nhiều doanh nghiệp khác, và xâm phạm lợi ích chính đáng của đại đa số người tiêu dùng.
Về góc độ quản lý, theo ông Cung, Nhà nước không thể hạn chế nhập khẩu ô tô bằng biện pháp hành chính bằng Thông tư 20, mà phải bằng những hàng rào kỹ thuật khác, nếu cần.
Ông nói: “Chính phủ đang cam kết liêm chính và kiến tạo phát triển thì không nên duy trì Thông tư 20. Bỏ nó đi, Chính phủ sẽ gửi thông điệp rất tích cực cho môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tạo niềm tin và động lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước”.
Bên cạnh đó, ông khẳng định, các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, luôn thực hiện cơ chế nhập khẩu song song để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hàng hóa giá cao mà các nhà sản xuất chính hãng áp đặt.
“Theo tôi, không nên vương vấn gì với thông tư này nữa cả, xét về mặt pháp lý, thực tiễn, công cụ quản lý nhà nước”, ông nói.
Về góc độ của một nhóm nhỏ các nhà nhập khẩu ô tô hiện nay, ông phân tích, ở vị trí độc quyền, các doanh nghiệp này không có động lực để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh nhất.
Ông bổ sung: “Chúng ta đã mất 30 năm, và nay thì ngành sản xuất ô tô Việt Nam không còn cơ hội nữa. Chúng ta không thể mơ hồ để tiếp tục tin họ (các doanh nghiệp FDI) sẽ xây dựng ngành ô tô cho Việt Nam”.
Cuối cùng, về việc nhiều nhà nhập khẩu trong nước “đã chết” vì Thông tư 20, ông Cung nói rằng, ông “rất buồn” dưới góc độ là một trong những tác giả của Luật Doanh nghiệp, bộ luật đặt nền tảng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, người đại diện cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa, cho biết đến nay cả nước chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp còn hoạt động trong tổng số 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trước năm 2011, thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực.
Ông Tuấn nói: “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, các gara, thuê nhân viên… nhưng nay thì nhiều showroom bị dỡ bỏ vì không có hàng bán, hàng nghìn nhân viên mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phá sản. Tổn thất là vô cùng lớn”.
Được biết, cả ông Tuấn và VAMA đã gửi những kiến nghị riêng rẽ lên Chính phủ. Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã gửi đề án lên Chính phủ, nhưng chi tiết của đề án này chưa được tiết lộ.
VCCI gần đây cũng có văn bản đề nghị hủy bỏ Thông tư 20.
Tư Giang
|
Wednesday, August 10, 2016
Ông Nguyễn Đình Cung: “Không thể biện minh cho Thông tư 20”
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 09/08/2016, http://www.thesaigontimes.vn/149828/Ong-Nguyen-Dinh-Cung-Khong-the-bien-minh-cho-Thong-tu-20.html, “Không một quốc gia nào trên thế giới lại ban hành chính sách có hại cho chính doanh nghiệp trong nước và người dân của mình. Vì thế, cần bãi bỏ Thông tư 20”, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung quả quyết.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment