Đó là nội dung quan trọng được nêu trong văn bản số 1506/ QLCL- CL1 về việc “Mỹ công bố quy trình xác định sự độc lập của lô hàng cá bộ Siluriformes với lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh” do ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ký ban hành hôm nay, 21-7.
Theo văn bản nêu trên, trong thời gian chuyển tiếp 18 tháng nằm trong chương trình thanh tra cá da trơn (từ 1-3-2016 đến 31-8-2017), khi phát hiện các lô hàng cá bộ Siluriformes, trong đó có cá tra Việt Nam, nhập khẩu vào Mỹ có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu về hóa chất, kháng sinh, thì cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp kết quả phân tích chỉ tiêu hóa chất kháng sinh vi phạm được phân tích bởi phòng kiểm nghiệm độc lập đối với các lô hàng tiếp theo và giải trình sự độc lập của các lô hàng tiếp theo so với lô hàng đã bị cảnh báo hóa chất kháng sinh trước đó.
Song song đó, FSIS sẽ thông báo và yêu cầu cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu (Việt Nam) cung cấp các thông tin về hoạt động điều tra nguyên nhân và các biện pháp khắc phục được doanh nghiệp thực hiện.
FSIS sẽ sử dụng các tiêu chí đánh giá, sơ đồ xác định sự độc lập và kết quả phân tích của phòng kiểm nghiệm độc lập để đánh giá sự độc lập của các lô hàng tiếp theo so với lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh trước đó. Và, chỉ những lô hàng có kết quả kiểm tra “đạt yêu cầu” và được FSIS công nhận là “độc lập” mới được phép thông quan.
Theo đó, những chỉ tiêu được FSIS sử dụng để đánh giá sự độc lập gồm cá có nguồn gốc từ cơ sở cung cấp hoặc ao nuôi khác so với cơ sở cung cấp hoặc ao bị cảnh báo trước đó, cơ sở chế biến không trộn lẫn nguyên liệu khác nhau trong quá trình chế biến. Nhà nhập khẩu thực hiện việc điều tra và khẳng định không có các nhân tố chung với lô hàng bị cảnh báo; nếu nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo được xác định tại công đoạn nuôi, nhà nhập khẩu cần cung cấp hồ sơ cho thấy việc sử dụng thuốc thú y hoặc yếu tố môi trường tại cơ sở vi phạm sẽ không ảnh hưởng đến các lô hàng tiếp theo; nếu nguyên nhân được xác định tại công đoạn sau thu hoạch, nhà nhập khẩu cần cung cấp hồ sơ chứng minh công đoạn cụ thể dẫn đến lô hàng bị cảnh báo sẽ không ảnh hưởng đến các lô hàng tiếp theo.
“Trong trường hợp cơ quan thẩm quyền Trung ương (của) nước xuất khẩu đã gửi đủ hồ sơ chứng minh được biện pháp khắc phục đang thực hiện của cơ sở là phù hợp và cam kết về sự độc lập của các lô hàng thì không cần thực hiện các bước nêu trên”, văn bản của Nafiqad nêu rõ.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tính đến nay đã có ít nhất hai doanh nghiệp xuất khẩu cá thuộc bộ Siluriformes của Việt Nam bị Mỹ cảnh báo do nhiễm hóa chất kháng sinh cấm, gồm Công ty TNHH Tân Thành Lợi và Công ty cổ phần Nam Sông Hậu.
Trước tình hình trên, Nafiqad yêu cầu những đơn vị có lô hàng bị cảnh báo cần chủ động và phối hợp trao đổi với nhà nhập khẩu để cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết cho FSIS để chứng minh các lô hàng bị giữ tại cảng đến độc lập với các lô hàng đã bị cảnh báo.Trung Chánh
|
Friday, July 22, 2016
Cá tra nhiễm kháng sinh XK qua Mỹ: quy định về lô hàng tiếp theo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 22/07/2016, http://www.thesaigontimes.vn/149133/Ca-tra-nhiem-khang-sinh-XK-qua-My-quy-dinh-ve-lo-hang-tiep-theo.html, Các lô hàng cá da trơn thuộc bộ Siluriformes, trong đó, có cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, khi bị quốc gia này cảnh báo nhiễm hóa chất, kháng sinh, thì những lô hàng tiếp theo phải được công nhận “độc lập” với lô hàng bị cảnh báo trước đó và “đạt yêu cầu” mới được phép thông quan.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment