Bên cạnh đánh giá đại hội đã thành công rất tốt đẹp, cũng còn những trăn trở. Thiết tưởng đó cũng là hiện tượng bình thường, do vị trí nhìn, tầm nhìn, cách nhìn không giống nhau, trong một thế giới và khu vực đang “biến động khó lường” hiện nay. Đại hội 12 sẽ có vai trò và vị trí nào trong đời sống chính trị của đất nước, và xa hơn trong lịch sử dân tộc, là điều sẽ được thực tiễn kiểm nghiệm và trả lời.
Các uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá mới ra mắt Đại hội 12. Ảnh: TTXVN
|
Nhìn gương mặt trầm tư của nhiều người dự đại hội và được bầu vào ban chấp hành mới, có thể nhận ra rằng, những lo toan về công việc sắp tới là điều đang quán xuyến trong suy nghĩ của họ - những người lãnh đạo các cấp. Nếu điều đó là đúng, họ sẽ nhận được nhiều hơn mối thiện cảm, và chia sẻ từ phía người dân. Một thái độ khác, tỉ như những biểu hiện vui buồn hời hợt do trúng cử hay không trúng cử, do “lên” hay “xuống” qua đại hội, chắc chắn không thể được ai đồng cảm, thậm chí bị sẽ bị chê cười.
Đất nước trong những năm qua đã có nhiều thay đổi. Có những thành tựu không ai có thể phủ nhận. Nhưng cũng thừa nhân rằng, giấc mơ thành rồng thành hổ đã chưa thành sự thật. Cũng chưa thành cả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 được nêu lên trong mấy đại hội liên tiếp gần đây. Hơn thế nữa, những ai có lương tri đều chưa thể yên lòng với hiện tình đất nước.
Hãy tạm gác qua một bên những con số thống kê, những lời khen của một số cá nhân, tổ chức quốc tế với những động cơ khác nhau, hãy tỉnh táo và nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật đang hàng ngày diễn ra, để nhận biết tình hình đúng hơn và hiểu đúng mình hơn.
Các văn kiện chính thống và nhiều người lãnh đạo có trách nhiệm đã nhiều lần nói về sự phát triển không bền vững và tụt hậu xa hơn về kinh tế, về nợ công và nợ nước ngoài tăng cao, về năng suất lao động thấp kém, về nạn thất nghiệp gia tăng, về sự xuống cấp về nhiều mặt trong đời sống tinh thần xã hội, về sự suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng lãnh đạo và nhà nước…
Dù cách diễn đạt khác nhau, nhưng ai cũng thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tệ nạn tham nhũng đang hoành hành trên đất nước ta, chẳng những chưa bị đẩy lùi, mà còn diễn biến phức tạp hơn, trở thành lực cản lớn nhất trong việc hoạch định và thực hiện các quyết sách, làm suy yếu nguồn lực vật chất và tinh thần của đất nước.
Những gì mà nhiều năm trước còn gọi là nguy cơ, được cảnh báo nhiều lần trong những nghị quyết cao nhất của Đảng, thì nay đã trở thành thực tế hiển nhiên trong đời sống.
Sự an nguy của đất nước - những giá trị thiêng liêng nhất của người Việt, mà trực tiếp hiện nay là chủ quyền biển đảo - những lợi ích to lớn, thiết thân, chính đáng của cả dân tộc, mà vì nó bao thế hệ đã không tiếc xương máu để giữ gìn, đang bị thách thức gay gắt trở thành mối lo nóng bỏng trong tâm khảm của mọi người dân và bè bạn quốc tế, do những hành động ngang ngược, nham hiểm theo đuổi đến cùng mưu đồ độc chiếm Biển Đông của người láng giềng phương Bắc.
Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị duy nhất, có công trong những thành tựu thì đương nhiên cũng chịu trách nhiệm chủ yếu về những yếu kém. Sự suy giảm lòng tin của nhân dân bắt nguồn từ những yếu kém đó là chính, chứ không kẻ nào có thể ngụy tạo ra. Sự suy giảm lòng tin đến lượt nó lại trở thành một trong những nhân tố chủ yếu làm suy giảm sức mạnh tổng hợp, sức đề kháng và khả năng đối phó của đất nước trước những thách thức và hiểm họa ngày càng gia tăng.
Không ai nghĩ rằng những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt có thể giải quyết xong chỉ trong một sớm một chiều. Cũng đã có nhiều hứa hẹn, khẩu hiệu, nghị quyết được đưa ra nhưng đã không được thực hiện có hiệu quả. Người dân có thể thông cảm với những thử nghiệm, vấp váp, nhầm lẫn, có thể kiên nhẫn chờ đợi đến một mức độ nào đó, nhưng nhất thiết đòi hỏi những chuyển biến cụ thể, cơ bản theo chiều hướng tích cực.
Nhưng thực tế thì luôn khắc nghiệt, không nương nhẹ với bất cứ ai.
Đất nước đang đứng trước một tình huống gay gắt không thể vượt qua được với cách tiếp cận cũ và chính sách cũ. Thực tế khách quan đòi hỏi một cách tiếp cận mới, và cùng với nó là khả năng khơi dậy, huy động các động lực và xử lý có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Đó là điều nhân dân chờ đợi ở đại hội 12.
Đó cũng là trách nhiệm đặt lên vai đại hội và sau đại hội là ban lãnh đạo được bầu ra. Đại hội và ban lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu đó như thế nào vẫn còn đang là một câu hỏi mở, một thách thức đối với đảng cầm quyền. Làm tròn được trách nhiệm cầm quyền trong tình hình đó là lời khẳng định mạnh mẽ nhất đối với tính chính danh và sức sống của Đảng, làm cho Đảng mạnh lên và không thế lực nào có thể chia rẽ Đảng, chia rẽ nhân dân với Đảng. Nếu không vượt qua được thách thức đó, thì dân tộc ta không thể vươn lên được, và đảng cầm quyền có trách nhiệm trước hết.
Đại hội đã kết thúc. Nghị quyết đã được thông qua. Ban lãnh đạo toàn quốc của Đảng đã được bầu ra. Có những điều trong văn kiện, trong phát ngôn của những người lãnh đạo, trong công tác nhân sự còn có những ý kiến khác nhau…
Nhưng bây giờ là lúc tập trung vào hành động.
Nếu tập thể và từng người trong ban lãnh đạo mới thực sự có ý thức trách nhiệm cao, biết gạt bỏ lợi ích riêng, đặt lợi sự phát triển và an nguy của đất nước thành những giá trị cao nhất, thì nhất định sẽ có hành động hiệu quả, sớm nhận biết và điều chỉnh những điều không phù hợp, để thực hiện được điều đã hứa hẹn và cam kết với nhân dân.
Tôi có nhiều người từng quen biết trong ban lãnh đạo mới được bầu. Nhưng tôi đã không gửi lời chúc mừng đến bất cứ ai. Mừng họ lên chức thì tầm thường quá trước lý tưởng mà họ cam kết theo đuổi.
Nhưng cũng như nhân dân, chắc chắn tôi sẽ thực sự vui mừng và thật lòng tôn vinh những ai làm được những điều đúng đắn, thiết thân, phục vụ cho nhân dân và đất nước, một đất nước đã kiên cường và gan góc chiến đấu chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” hàng thế kỷ mà vẫn chưa giành được thắng lợi cuối cùng.
Đại hội đã xong, nhưng mọi điều còn ở phía trước.
No comments:
Post a Comment