Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp ý xây dựng Nội quy kỳ họp để tránh tình trạng nhiều phiên họp của Quốc hội có tỉ lệ ghế trống cao. Theo đó có ý kiến cho rằng nên điểm danh và cần phải báo cáo rõ lý do nghỉ lên trưởng đoàn, thậm chí là Chủ tịch Quốc hội.
Đừng để đến mức phải điểm danh
Bày tỏ quan điểm trước các ý kiến này, ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng khóa XIII cho rằng: Người đại biểu khi đã ra ứng cử thì phải có trách nhiệm với lời hứa trước cử tri, đồng bào. Còn đã đến mức phải điểm danh thì khác gì học sinh?
"Điều đó là không nên mà cần có quy định thể hiện trách nhiệm của người đại biểu rõ hơn. Kể cả việc đi họp thì phải chuẩn bị ý kiến và phát biểu chứ không phải đến đó ngồi làm vì, cho có.
Tôi từng nói rất nhiều về tình trạng đại biểu để ghế trống, đến họp thì không phát biểu thì vai trò của người đại biểu ở đâu?. Nếu xét thấy quá bận rộn thì hãy cân nhân việc ứng cử làm đại biểu Quốc hội. Tự thân đại biểu phải thấy được vai trò và trách nhiệm của mình, tham gia đầy đủ thì hãy làm đại biểu", ông Nghĩa thẳng thắn.
Cho rằng điều đương nhiên trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm về đoàn mình nhưng ông Nghĩa cho rằng trưởng đoàn không phải là ông bếp trưởng. Trưởng đoàn Quốc hội chỉ chỉ đạo chung ông việc của đoàn chứ không phải đi ra soát, điểm danh..
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng: ĐBQH được cử tri bầu ra thì phải có trách nhiệm và thái độ tham dự kỳ họp cho nghiêm túc. Kể cả việc thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường. Trong trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng và phải được Chủ tịch Quốc họ đồng ý.
Tuy nhiên ông Tuân cũng thông cảm, do ĐBQH cơ cấu các lãnh đạo các tỉnh và bộ ngành nhiều nên rất khó cho bản thân các đại biểu. Thêm nữa các kỳ họp của Quốc hội thường quá dài nên lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành phải tranh thủ giải quyết công việc chuyên môn, chắc chắn ảnh hưởng tới thời gian của Quốc hội.
Để hội trường trống ghế tại các phiên họp Quốc hội là rất phản cảm |
Hạn chế nghỉ vì...
Nhìn nhận về vấn đề này, ĐBQH Huỳnh Nghĩa khắt khe hơn. Ông cho rằng không thể có chuyện lấy lý do vì việc công mà nghỉ.
"Trong Quy chế đã nêu rõ trong khi họp Quốc hội người đại biểu phải sắp xếp thời gian đi họp. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói trong thời gian này cũng không được đi nước ngoài, trừ một số ĐBQH là đại biểu cấp cao. ĐBQH phải làm tròn vai.
Vì thế, nếu quá bận việc công thì hãy cân nhắc trước khi cơ cấu và QH. Người dân khó có thể hài lòng với lý do bận việc công mà vắng mặt trong vai trò là người đại diện cho họ", ông Nghĩa nói thẳng.
Theo đó, ĐBQH Huỳnh Nghĩa cho rằng nếu đã đến kỳ họp thì không có lý do gì trừ khi báo cáo chủ tịch Quốc hội đồng ý.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cũng đồng tình với ĐB Huỳnh Nghĩa về quan điểm này. Theo đó, khi các tỉnh giới thiệu đồng chí lãnh đạo của mình nên có sắp xếp phân công công việc hợp lý để tránh tình trạng chạy ra, chạy vào ảnh hưởng tới các đoàn.
Ông Tuân cho rằng, với những trường hợp vì việc riêng, kể cả bố trí đi nước ngoài vào thời điểm đang họp Quốc hội vẫn rất phản cảm.
"Cần phải phê bình, kiểm điểm. ĐBQH phải có toàn tâm, toàn trí với kỳ họp. Để đánh giá hàng năm nên có nhận xét đại biểu, bớt cơ cấu", ông Tuân nói.
Người dân hỏi ĐBQH đi đâu?
Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Nam Định cũng thừa nhận: các ĐBQH rất nhiều việc. Ngoài các đại biểu chuyên trách ra thì còn có đại biểu kiêm nghiệm.
"Đáng ra đến mỗi kỳ họp họ phải xem rằng đây là thời kỳ chính và bố trí thời gian ưu tiên nhất cho việc này, thế nhưng vì nhiều lý do, thực tế lại không như vậy. Nhiều năm cuối của nhiệm kỳ khi chuẩn bị tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ họ lại càng bận, cho nên vắng mặt rất nhiều trong các phiên họp, kỳ họp", ông Sơn thông tin.
Hạn chế ĐBQH vắng họp: Điểm danh khác gì... học sinh?
(Tin tức thời sự) - Cần có chế tài và các biện pháp mạnh để đại biểu Quốc hội tham gia đầy đủ các phiên họp, song quan trọng hơn vẫn là ý thức của mỗi ĐB.
Theo ông Sơn, mỗi khi vào kỳ họp nhìn hội trường vắng tanh như thế rất phản cảm, nhất là khi báo chí, truyền hình quay phim lên cử tri sẽ đặt câu hỏi ĐBQH được bầu ra thì làm cái gì, ĐB đi đâu?.
"Vì vậy nên dần chuyên nghiệp hóa, hạn chế bớt những vị trí mà họ không thể nào sắp xếp thời gian cho hoạt động Quốc hội. Đây chính là vấn đề căn nguyên, gốc rễ của vấn đề.
Ngoài ra cũng cần có biện pháp để tránh tình trạng ĐBQH vắng nhiều khiến kết quả bỏ phiếu các dự án luật không cao, chất lượng thảo luận giảm sút", ông Sơn nói.
Ông Sơn thừa nhận tình trạng, ĐBQH nghỉ họp có cả lý do cá nhân chứ không hẳn vì lý do công việc của cơ quan. Có trường hợp nghỉ rất tự do nhưng báo cáo con số của các đoàn cũng không khớp.
Vì vậy quan trọng nhất vẫn là ý thức đại biểu, những công việc của cơ quan thì có thể bố trí làm ngoài giờ hoặc cuối tuần. Việc đó có thể làm được. Ngoài ra cũng phải có biện pháp mạnh. Nếu theo đúng điểm danh bằng thẻ nhưng ĐBQH lại rất hay quên nên điểm danh không còn tác dụng.
Theo ông Sơn chỉ cần điểm danh trên màn hình. Thậm chí, theo vị này, nên dành ra một màn hình để ghi tổng số ngày nghỉ của ĐBQH A, từ đầu kỳ đến vắng bao nhiêu buổi.
"Màn hình đó sẽ chạy trong suốt kỳ họp và ghi rõ tên ĐBQH cùng số nghỉ thì hàng ngày mọi người sẽ nhìn thấy sẽ xấu hổ. Giống như hình thức bêu tên, ĐBQH sẽ xấu hổ vì vắng nhiều, nghỉ nhiều quá, khi đó họ thấy thực sự cần thiết thì mới nghỉ" - ông Sơn nêu ý kiến.
Ngoài ra, ĐBQH Nam Định cũng cho rằng, phải cân nhắc thời gian để tham gia là ĐBQH.
Thêm nữa vị này cũng cho rằng Quốc hội nên có thái độ rõ ràng, dứt khoát, mạnh dạn chứ không nên nể nang.
"Như ở nước ngoài nếu ĐBQH vắng mặt ở một phiên biểu quyết sẽ bị trừ hết tiền lương, chế độ cả những ngày trước đó. Ở Việt Nam trước đây cũng có quy định nếu nghỉ 1/3 sẽ bị trừ tiền ăn nhưng nhiều đại biểu cự lại. Nhưng theo tôi nên áp dụng biện pháp này và cũng như điểm danh và bêu tên thì sẽ hạn chế được tình trạng quá nhiều ĐBQH vắng trong một phiên họp QH", Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thẳng thắn.
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment