Tuesday, August 18, 2015

Việt Nam trông chờ đàm phán TPP nối lại vào tháng 9

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 15/08/2015,       http://www.thesaigontimes.vn/134449/Viet-Nam-trong-cho-dam-phan-TPP-noi-lai-vao-thang-9.html,       Dù đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tạm ngưng sau kết quả không khả quan tại Hawaii hồi cuối tháng 7, Việt Nam vẫn tích cực tham gia các cuộc đàm phán song phương với các đối tác trong TPP để chờ vòng đàm phán với 12 nước dự kiến được nối lại vào tháng 9-2015.


Việc Nhật chấp nhận mở cửa rộng thị trường nông sản đổi lấy những thuận lợi
 cho xe hơi nhập khẩu vào Mỹ khiến người dân Nhật phản đối. Ảnh: Reuteurs

Bộ Công Thương trong thông tin gởi cho báo chí hôm nay, 15-8, về tiến trình chuẩn bị cho các vòng đàm phán tiếp theo đã trích lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người đồng thời là trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam về hiệp định này, cho biết: Không nước nào muốn bỏ lỡ cơ hội có được hiệp định trong năm nay. Bởi nếu không, Hoa Kỳ sẽ không kịp trình TPP ra Quốc hội nước này trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới vào năm 2016. Đây lại là một hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
Do đó, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia tham gia đàm phán TPP trông chờ cuộc đàm phán quyết định sẽ được nối lại vào tháng 9, theo Thứ trưởng Khánh, người đang có mặt tại tại Hoa Kỳ để thảo luận với Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ về các vấn đề song phương giữa hai nước có liên quan tới TPP.
Hiện có ba vấn đề được xem là vướng mắc lớn trong TPP, theo ông Khánh, bao gồm mở cửa thị trường ô tô, mở cửa thị trường sữa, và sở hữu trí tuệ.
Vẫn theo ông Khánh, tại các cuộc đàm phán song phương, Mỹ và Nhật đã đạt được thỏa thuận về việc mở cửa thị trường ô tô; theo đó Hoa Kỳ đã cho phép ô tô sản xuất tại Nhật có xuất xứ linh kiện từ hơn 30% đến 55% được phép hưởng quy tắc xuất xứ từ TPP.
Tuy nhiên, một quy tắc xuất xứ cho phép có đến 45% số linh kiện, phụ tùng sản xuất ngoài nước Nhật vào Mỹ theo mức thuế TPP lại chưa được các nước đang đàm phán TPP khác như Mexico và Canada tán đồng. Lý do là vì Mỹ là thị trường xuất khẩu xe hơi lớn của hai quốc gia trên, và nếu cho phép xe hơi Nhật với điều kiện trên vào Mỹ sẽ gây áp lực rất lớn cho hai quốc gia còn lại.
Tương tự, mặt hàng sữa rất quan trọng đối với New Zealand và Australia. Hai nước này chờ đợi việc mở cửa thị trường rộng hơn nhưng bản chào một số nước dành cho họ còn thấp nên cả hai nước đều chưa chấp nhận.
Quyền sở hữu trí tuệ cũng đang được đàm phán. Mỹ đề nghị  bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho thuốc sinh học 12 năm nhưng các nước không đồng tình mà muốn thời gian ngắn hơn.
Ngoài ra vẫn còn một số vấn đề khác liên quan đến xuất xứ từ sợi trong ngành dệt may… nhưng ba nội dung nêu trên vẫn được xem là vướng mắc lớn nhất
Ông Khánh cho rằng, các cuộc trao đổi song phương cho dù thống nhất nhưng vẫn phải trình ra cuộc gặp đa phương để thống nhất chung rồi mới đi đến quyết định.
Lan Nhi

No comments:

Post a Comment