Căng mình đối phó
Truyền thông Mỹ vài ngày gần đây liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sau khi Bắc Kinh bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) hơn 4,6% bắt đầu từ ngày 11/8.
Theo đó, quyết định phá giá đồng NDT của Trung Quốc không chỉ là một cú sốc đối với các nước còn lại ở châu Á mà còn ảnh hưởng tới Mỹ. Mỹ hiện tại là một đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Sau cú phá giá, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ có sức cạnh tranh cao hơn tại thị trường Mỹ, nhất là khi đồng USD vẫn đang có chiều hướng đi lên sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sắp tăng lãi suất.
Trước đó, giới nghị sỹ Mỹ đã tăng từng nhiều năm cáo buộc Trung Quốc duy trì một đồng NDT yếu để giành ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của mình.
Vài năm gần đây, Trung Quốc để đồng NDT mạnh lên. Nó đã khiến dư luận Mỹ dịu đi. Tuy nhiên, việc Ngân hàng TW Trung Quốc (PBOC) hạ giá NDT sẽ buộc nhiều quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và đẩy đồng nội tệ của họ giảm xuống. Một cuộc chạy đua phá giá tiền tệ có thể sẽ xảy ra và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu cũng như sản xuất tại Mỹ.
Sự cứng rắn của Tổng thống Nga khiến Mỹ đau đầu, trong khi sự bất định của Trung Quốc cùng với trục trặc trong nội tại của nền kinh tế nước này khiến Tổng thống Obama chóng mặt.
|
Ngay sau quyết định của PBOC, giá cổ phiếu Apple của Mỹ ngày 12/8 đã giảm tới 5,2% do giới đầu tư lo ngại các sản phẩm của hãng công nghệ này sẽ chứng kiến doanh thu sụt giảm ở Trung Quốc. Hàng loạt các cổ phiếu của Mỹ khác cũng chịu số phận tương tự.
Cú phá giá đồng NDT của TQ góp phần khiến giá dầu thô trượt xuống dưới mốc 42 USD/thùng, thấp nhất trong 6 năm rưỡi. Trước đó, mặt hàng này đã bốc hơi 60-70% trong vòng một năm do cuộc đối đầu giữa Mỹ với Nga và cuộc chiến dầu khí với OPEC.
Đồng rúp mất giá đã khiến Nga chìm sâu vào suy thoái. Kinh tế Nga đã giảm 4,6% trong quý II/2015 trong bối cảnh đồng rúp rớt hơn 20% trong 3 tháng qua so với USD và lạm phát đạt gần 16%.
Đòn cấm vận của phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và EU đã khiến Nga lao đao. Tuy nhiên, giá dầu giảm đang ảnh hưởng không nhỏ tới công nghiệp khai thác dầu khí đá phiến non trẻ của Mỹ gặp nhiều khó khăn. Đồng minh EU và Nhật của Mỹ chật vật vì sự trả đũa của Nga cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Kinh tế Nhật suy giảm 1,6% trong quý II. Trong khi nền kinh tế EU thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Nông nghiệp EU bế tắc trong khủng hoảng.
Chính sách của siêu cường
Trong gần một năm qua, nền kinh tế Saudi Arabia đối mặt với một tình trạng hiếm thấy - thu không đủ chi. Ngân sách của quốc gia dầu mỏ Trung Đông này mỗi tháng hao hụt cả chục tỷ USD do dầu giảm giá.
Mỹ có lẽ đang thực sự gặp khó khi cùng một lúc đối phó với nhiều đối tượng có thể de dọa tới vị trí siêu cường của Mỹ.
|
Sự thịnh vượng của Saudi Arabia cũng như một số nước OPEC khác đang bị đe dọa do dầu có thể còn giảm xuống tới 30 USD, thậm chí 10 USD/thùng như một số dự báo gần đây. Cuộc chiến dầu khí đang đẩy các nước có tiềm lực rất mạnh như Saudi Arabia vào một vòng xoáy chưa tìm ra lối thoát.
Trong khi Nga quyết đấu với Phương Tây thì Saudi Arabia cũng chiến đấu tới cùng với thị phần dầu mỏ. Nước này chấp nhận giá dầu tụt giảm, ngân sách thâm thủng để đẩy công nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ vào phá sản.
Tuy nhiên, trong các cuộc chiến này, dường như OPEC và Nga đang chịu nhiều thiệt hại hơn. Cùng một lúc tham gia vào nhiều mặt trận khác nhau, Mỹ đang cho thấy sự quan tâm của họ ở mọi phương diện, từ kinh tế cho tới chính trị…
Trong vài thập kỷ trước, Mỹ khá thoải mái với vị trí siêu cường số 1 thì vài năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã trỗi dậy rất mạnh. Trong dự báo báo của Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2026 và tới năm 2050 Ấn Độ sẽ leo lên vị trí thứ 3. Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng khoảng cách với các nước xếp sau.
Sự bất định trong nhiều chính sách của Trung Quốc, gần đây nhất là phá giá đồng NDT, đang khiến Mỹ chóng mặt. Trong khi đó, Nga dưới nhiệm kỳ thứ 3 của ông Putin đang trở nên cứng rắn ra mặt với phương Tây cũng khiến Mỹ thực sự đau đầu.
Chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ có lẽ không gì khác ngoài mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Mỹ bắt tay với CuBa, rút khỏi Trung Đông và đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có lẽ cũng vì mục tiêu này.
Tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi nhiều. Mỹ có lẽ đang thực sự gặp khó khi cùng một lúc đối phó với nhiều đối tượng có thể de dọa tới vị trí siêu cường của Mỹ.
Mặc dù vậy, những diễn biến gần đây cho thấy, hầu hết các “mối đe dọa” đối với Mỹ đều đang gặp khó khăn. OPEC và Nga rơi vào khủng hoảng do giá dầu giảm quá thấp. Trung Quốc trong khi đó đối mặt với sự bất ổn về tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong khi đó, kinh tế của Mỹ hồi phục khá vững chắc. Nền công nghiệp dầu khí đá phiến của nước này có những bước đột phá khá lớn trong việc giảm giá thành…
Trong khi đó, mối quan hệ đối tác “chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga dường như không bền vững. Hợp tác dầu khí 400 tỷ USD giữa 2 bên có thể không phải là hợp tác win-win. Trung Quốc ép mua dầu khí giá rẻ từ Nga, trong khi không góp tiền xây dựng hệ thống đường ống xuyên Siberia tới Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai hệ thống giao thông sang châu Âu nhưng không qua lãnh thổ Nga.
Trong một thế trận giữa các ông lớn, theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều nước nhỏ trong khu vực châu Á có thể được hưởng lợi. Tuy nhiên, cuộc chiến cũng có thể gây ra những xáo trộn lớn khi mà nền kinh tế thế giới có quan hệ ngày càng chặt chẽ với nhau.
V. Minh
No comments:
Post a Comment