Các nước đi trước đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp hóa dầu: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính và quan trọng là sử dụng nhiều tài nguyên đất đai...N Ảnh: TRIỆU TRÙG ĐIỆP
Để phát triển ngành công nghiệp hóa dầu mà Việt Nam vốn có lợi thế về địa kinh tế (nằm trên con đường vận tải nhộn nhịp, trữ lượng dầu mỏ khá, là cửa ngõ cung cấp sản phẩm hóa dầu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) nhưng lại không có lợi thế về con người, công nghệ, kỹ thuật, Chính phủ đã chấp nhận bảo hộ cho các dự án lọc hóa dầu với hàng loạt ưu đãi về thuế.
Với dự án đầu tiên, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (nằm tại tỉnh Quảng Ngãi), đơn vị quản lý là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn được hưởng cơ chế thu điều tiết. Cụ thể, so với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng - dầu, khí hóa lỏng (LPG), Công ty Bình Sơn được giảm 7% thuế nhập khẩu đối với xăng - dầu, 5% với LPG, 3% với sản phẩm hóa dầu (xăng dầu do Dung Quốc sản xuất vẫn phải nộp thuế nhập khẩu). Mức ưu đãi này được áp dụng từ năm 2009 và sẽ kéo dài đến năm 2018 (theo Quyết định 2286/QĐ-TTg ngày 26-11-2013). Ngoài ra, Công ty Bình Sơn còn được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm (nhiều hơn 15 năm so với các doanh nghiệp khác trong khu kinh tế Dung Quất); được miễn thuế bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian chín năm tiếp theo từ năm đầu tiên Công ty Bình Sơn có thu nhập chịu thuế từ dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động và đang đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Điều này đã tạo ra một cuộc chạy đua giữa các địa phương nhằm thu hút đầu tư các dự án lọc, hóa dầu. Đến nay, cả nước đã có tám dự án lọc, hóa dầu trải dài từ Thanh Hóa đến Cần Thơ dù theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020 (ban đầu) chỉ có ba nhà máy lọc, hóa dầu tại Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài Nhà máy Dung Quất và một nhà máy có quy mô nhỏ có tên Cát Lái ở TPHCM đang hoạt động thì còn có thêm sáu dự án khác. Cụ thể, đó là dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với vốn đầu tư 9 tỉ đô la Mỹ, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự án tại Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,2 tỉ đô la Mỹ, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 8 tỉ đô la Mỹ, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Nhơn Hội (Victory, Bình Định) vốn đầu tư 22 tỉ đô la Mỹ, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỉ đô la Mỹ, công suất 2,7 triệu tấn dầu thô/năm; dự án tại Cần Thơ có vốn đầu tư 538 triệu đô la Mỹ, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm.
Vấn đề là, Dung Quất đã được hưởng ưu đãi thì các dự án sau đó cũng muốn được những quyền lợi tương tự. Và không ai khác, chính các chính quyền địa phương đã tham gia cùng các chủ đầu tư “chạy” xin ưu đãi, như một cách để thu hút dự án tỉ đô về cho địa phương mình.
Đơn cử là trường hợp dự án tổ hợp lọc, hóa dầu Nhơn Hội. Thông qua chính quyền địa phương, chủ đầu tư là tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco của Ảrập Saudi mong muốn Chính phủ áp dụng cơ chế ưu đãi cho dự án này như những dự án đang được triển khai tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những điều kiện quan trọng để chủ đầu tư quyết định có thực hiện dự án hay không.
Sau nhiều tranh cãi và phản đối của các bộ ngành, cuối cùng, vào cuối năm 2014, Thủ tướng đã phê duyệt bổ sung dự án này vào quy hoạch chung phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Cùng với đó, Thủ tướng chấp thuận một số ưu đãi đầu tư mà tỉnh Bình Định và Bộ Tài chính đề xuất. Cụ thể, dự án sẽ thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư và được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp mức 10% trong 15 năm, miễn thuế trong bốn năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo. Ngoài ra, dự án cũng được miễn tiền thuê đất và thuế nhập khẩu dầu thô cũng như các thiết bị, máy móc, vật tư mà trong nước chưa sản xuất... Riêng thuế xuất khẩu sản phẩm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn.
Ngoài ưu đãi trực tiếp, một số địa phương có dự án lọc hóa dầu còn kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng với số tiền lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn tỉ đồng/dự án. Cơ sở của đề xuất này là Quyết định 126 của Thủ tướng ban hành năm 2009, quy định với các dự án lớn, có quy mô vốn trên 20.000 tỉ đồng, ở các khu kinh tế ven biển thuộc vùng có điều kiện khó khăn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng.
Những cái mất của nền kinh tế
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổng công suất thiết kế của các dự án lọc, hóa dầu lên tới gần 65 triệu tấn/năm, vượt xa nguồn cung dầu thô khai thác trong nước. Lượng khai thác dầu thô trong nước tối đa chỉ đạt khoảng 15 triệu tấn/năm. Như vậy để vận hành, Việt Nam phải nhập tới 45-50 triệu tấn dầu để sản xuất ra thành phẩm. “Các nước đi trước chúng ta đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp hóa dầu: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính và quan trọng là sử dụng nhiều tài nguyên đất đai... Do đó, việc phát triển công nghiệp khai khoáng, lọc hóa dầu cần ở mức độ vừa phải”, ông Mại nói.
Ở thời điểm hiện tại, trong các dự án lớn, chỉ mới có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Thế nhưng, những cái mất của nền kinh tế đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, cái giá phải trả cho một số kết quả đáng ghi nhận mà Dung Quất tạo ra (như đã làm chủ công nghệ lọc dầu nhiên liệu, hình thành được đội ngũ cán bộ, công nhân có nghề trong lĩnh vực này) là không hề nhỏ, bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội. Chi phí trực tiếp ở đây là các khoản ưu đãi, mà thực chất là những khoản thuế mà Nhà nước đáng lẽ được nhận nếu không có Dung Quất. Còn chi phí cơ hội đó là 3,5 tỉ đô la Mỹ nếu không đầu tư vào Dung Quất mà được đầu tư vào các dự án khác có lợi thế cạnh tranh hoặc những dự án có tính lan tỏa lớn như cơ sở hạ tầng thì có thể đã tác động thúc đẩy kinh tế tăng trưởng lớn hơn.
Tính toán theo số liệu đã được tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố thì tổng số ưu đãi từ năm 2010-2014 mà Dung Quất nhận được khoảng 26.550 tỉ đồng (riêng năm 2014, chỉ mặt hàng xăng và dầu diesel, mức ưu đãi mà Bình Sơn nhận được không nhỏ hơn 2.900 tỉ đồng). Theo Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, giả sử số ưu đãi từ nay đến năm 2018 vẫn không tăng thì trong thời kỳ 2010-2018, ưu đãi phải dành cho Dung Quất không ít hơn 2 tỉ đô la Mỹ (khoảng 43.600 tỉ đồng tính theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại). “Nếu kéo dài đến năm 2027 thì số tiền ưu đãi phải lớn gấp nhiều lần. Và nếu Dung Quất không thể cạnh tranh mà không có ưu đãi thì chi phí để có ngành lọc, hóa dầu là con số lớn không có điểm dừng”, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nhận định.
Vấn đề là, nguy cơ phải bảo hộ Dung Quất dài dài rất hiện hữu. Bởi lẽ, đã qua bảy năm nhưng Dung Quất vẫn chưa có khả năng cạnh tranh được với các dự án nước ngoài.
Theo số liệu của PVN, tính từ khi Dung Quất đi vào hoạt động (2010) đến năm 2014, doanh nghiệp này đã lỗ gần 1.050 tỉ đồng (nguồn: Tuổi Trẻ 2-7-2015). Nếu không có ưu đãi, thì con số lỗ lũy kế năm năm vừa qua xấp xỉ 27.600 tỉ đồng. Một con số quá lớn so với túi tiền quốc gia.
Các dự án tỉ đô ì ạch
Trong sáu dự án lọc dầu gồm Nghi Sơn, Vũng Rô, Nam Vân Phong, Victory, Long Sơn và Cần Thơ, chỉ có Nghi Sơn triển khai đúng tiến độ khi tính đến cuối năm 2014 đã giải ngân được khoảng 3 tỉ đô la Mỹ. Số còn lại, dự án thì động thổ từ lâu nhưng nay đang hoãn, giãn tiến độ, dự án thì đang làm thủ tục cấp phép đầu tư, có dự án lại đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép.
Chẳng hạn, dự án tổ hợp lọc, hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn “bất động” dù đã nhiều lần thay đổi vốn góp của các đối tác. Dự án Vũng Rô sau hơn 10 năm cấp phép đã động thổ cách đây 10 tháng nhưng tới nay chưa thể khởi công. Còn dự án tại Cần Thơ (cấp giấy chứng nhận đầu tư vào giữa năm 2008) đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi vĩnh viễn hoặc tạm thời trong sáu tháng để chủ đầu tư tìm đối tác mới (như đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ với Thành ủy và UBND thành phố Cần Thơ sau nhiều năm lỗi hẹn).
Trong khi đó, với“siêu dự án” Nhơn Hội, chính quyền tỉnh Bình Định mong muốn dự án được ra giấy chứng nhận đầu tư vào quí 1 năm nay nhưng đến thời điểm này, hai nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa nộp hồ sơ dự án để xem xét cấp phép. Nguyên nhân, theo chính quyền tỉnh Bình Định là do nhà đầu tư muốn có một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam tham gia vào dự án để an tâm đầu tư. Xem ra việc này còn khó và sẽ mất thời gian dài để thực hiện.
|
Minh Tâm - Quốc Hùng | |
No comments:
Post a Comment