Tuesday, July 28, 2015

Đừng để người học "từ thua tới thua"

Báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 28/07/2015,      http://www.thesaigontimes.vn/133567/Dung-de-nguoi-hoc-tu-thua-toi-thua.htmlL,      Kết quả kỳ thi Quốc gia Trung học phổ thông (THPT) lần đầu, 2015, nếu nhìn vào tỉ lệ đậu tốt nghiệp (91,58%), có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yên tâm rằng, đó là một kết quả đẹp. Nhưng…

Phổ điểm môn Anh văn kỳ thi Quốc gia THPT năm 2015. Ảnh: Tư liệu.

Những ngày qua, câu chuyện điểm thi được bàn luận nhiều trên các mặt báo. Đó là khi người ta đi vào chi tiết tỉ lệ điểm số các môn thi, có thể nói, cái “con số đẹp” chung chưa thuyết phục được rằng đây là kỳ thi thành công, phản ánh những chuyển động tích cực trong giáo dục nhà trường THPT.
Cụ thể, xét theo từng môn thi, thì có thể nhìn ra sự bất cập rõ ràng nhất. Báo Tuổi Trẻ giật tít “Môn toán mưa điểm liệt” với con số: gần 1/3 số thí sinh có điểm môn toán dưới trung bình (240.000/ 670.000 bài), và đây cũng là môn thi có số bài điểm 0 cao nhất, lên đến 2.670 bài. Riêng môn sử, có hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh. Môn tiếng Anh có đến 400.000 bài thi dưới điểm số trung bình trong tổng 551.904 bài thi, phản ánh nhiều bất cập trong phương thức giảng dạy bộ môn này ở trường phổ thông. Trong khi đó, ở bộ môn văn, cũng vẫn như mọi năm, năm nay tình trạng bài văn viết ngô nghê, sáo rỗng, rập khuôn, thiếu sáng tạo, thiếu tư duy độc lập vẫn ở trong tình trạng đáng báo động…
Năm nay, sau kỳ thi Quốc gia THPT, điều thú vị nhất có thể nhìn thấy đó là kèm theo bảng kết quả, là biểu đồ thống kê điểm, phổ điểm tổng quát và theo từng môn học. Độ đẹp, xấu về hình thái của những biểu đồ này có thể tùy vào từng người để có thể lạc quan hay bi quan.
Nhưng cũng cần nhớ một điều, tỉ lệ rớt tốt nghiệp năm nay cao nhất trong bốn năm trở lại đây. Nếu thực sự khuynh hướng ra đề mở, “thoát ly” dần với nội dung giáo khoa để kích hoạt khả năng vận dụng tri thức người học, đòi hỏi thể hiện tư duy sáng tạo vào bài thi (như cách hô hào của Bộ GD&ĐT vài năm trở lại đây), thì kết quả những trận “mưa điểm liệt” với môn toán, thiếu hứng thú với môn lịch sử, thiếu sáng tạo trong bài thi môn văn hay bối rối trước đề thi môn Anh văn đang phản ánh một sự bất cập lớn trong chương trình và phương pháp giảng dạy. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo chưa ăn khớp với những đòi hỏi mà chính Bộ GD&ĐT đặt ra cho sản phẩm giáo dục của mình.
Trong viễn cảnh bất cập đó, đừng vội hài lòng với những cải cách hình thức cho ra những con số lẫn biểu đồ đẹp, mà nên nhận ra nỗi khổ nơi những sản phẩm của quá trình giáo dục để chấn chỉnh có trách nhiệm hơn. Nếu không, chính người học sẽ lãnh đủ; từ thua tới thua.
Huệ Nghi

No comments:

Post a Comment