Tuesday, July 28, 2015

Hướng dẫn luật: thiếu và thừa

Báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 28/07/2015,      http://www.thesaigontimes.vn/133339/Huong-dan-luat-thieu-va-thua.html,       Văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh đang trong tình trạng “vừa thiếu vừa thừa” khiến quy định tiến bộ của nhiều văn bản luật chậm đi vào cuộc sống, có khi bị rơi vào tình trạng... chết lâm sàng.


Thiếu hướng dẫn kịp thời
Mười luật mới(*) quan trọng - ảnh hưởng đến phần lớn người dân - như Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản... đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhưng đến nay các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) vẫn chưa được ban hành khiến các quy định mới, tiến bộ của luật chưa thể đi vào cuộc sống.
Trao đổi với TBKTSG ngày 13-7-2015, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cho biết các hồ sơ đăng ký kinh doanh mới đây của khách hàng (văn phòng ông) tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và Tiền Giang đã bị trả về. “Cơ quan chức năng nói phải chờ hướng dẫn của luật mới. Quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 đã hết hiệu lực”, ông nói.
Chưa hết, ông Kính kể: “Ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực, ngày 1-7-2015, có một vài nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến chúng tôi nhờ tư vấn - tìm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng chúng tôi không thể làm họ hài lòng, vì nhiều điều khoản của hai luật mới này chưa cụ thể, thiếu văn bản hướng dẫn. Do đó, chúng tôi chỉ biết khuyên nhà đầu tư nên... chờ”.
Chờ văn bản hướng dẫn luật là điều không ai muốn nhưng đó lại là một thực tế khá phổ biến hiện nay. Theo báo cáo mới đây của Bộ Tư pháp, chỉ riêng 10 văn bản luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, các cơ quan chính phủ đã nợ 54 văn bản hướng dẫn. Đó là chưa kể con số 55 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh mà các cơ quan chính phủ nợ trước đó (trong sáu tháng đầu năm 2015).
Và, với thực trạng “nợ đọng” văn bản pháp luật như hiện nay, một cán bộ của Bộ Tư pháp nhận định, “nợ văn bản hướng dẫn luật có thể sẽ tiếp tục xảy ra với 11 văn bản luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp mới đây”.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Công ty Luật hợp danh Phúc Đức, cho rằng việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn luật, nhất là các luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... sẽ ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế, xã hội. Ông nói: “Một ngày có hàng ngàn doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư cũng như doanh nghiệp mới ra đời... mà hồ sơ không được các cơ quan chức năng giải quyết, ách tắc, thì thiệt hại cho xã hội rất lớn”.
Có lẽ nhận thấy được tổn thất khi các luật chứa đựng nhiều quy định mới, tiến bộ chậm được áp dụng, nên mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản tạm thời hướng dẫn luật (Doanh nghiệp và Đầu tư). Cùng với đó, chính quyền TPHCM cũng có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng “tiếp tục giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trong khi chờ ban hành văn bản hướng dẫn các luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2015”.
Tuy nhiên, phải thấy một thực tế là, không chỉ có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới nợ văn bản hướng dẫn luật. Và, chính quyền TPHCM cũng chỉ có thể “xem xét, giải quyết” hướng dẫn luật có mức độ. Do các điều luật quy định ngoài thẩm quyền hướng dẫn của chính quyền địa phương nên không khéo sẽ “phát sinh” những văn bản trái luật.
Thừa... hướng dẫn sai luật
Điều đáng buồn là, không chỉ có hiện tượng nhiều văn bản luật thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời; mà còn có hiện tượng nhiều văn bản hướng dẫn luật nhưng sai luật, làm khổ người dân, doanh nghiệp.
Thực tế có không ít nghị định đã “vẽ rắn thêm chân” như: Luật Thuế thu nhập cá nhân (năm 2007) chỉ quy định một điều kiện để được miễn thuế là nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất khi chuyển nhượng. Nhưng Nghị định 65 (năm 2013) đặt thêm nhiều điều kiện mới như phải có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 183 ngày (điều 4.2.b); phải chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, quyền sử dụng đất ở (điều 4.2.c)...
Hay như Bộ luật Dân sự 2005 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nhận đại diện ủy quyền chỉ là xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền. Nhưng Nghị định 65 (năm 2013) lại quy định ngược lại, khi cho rằng, người nhận ủy quyền chuyển nhượng bất động sản đương nhiên có lợi ích như người chủ sở hữu và phải chịu thêm một lần thuế thu nhập cá nhân (điều 3.5.d).
Trên đây chỉ là một, hai ví dụ trong số hàng ngàn văn bản hướng dẫn luật nhưng trái luật, vi phạm luật đã được Bộ Tư pháp phát hiện.
Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2014 của bộ này vừa công bố cho thấy có 431 văn bản quy phạm pháp luật sai về nội dung; 316 văn bản sai về thẩm quyền ban hành và nội dung; 217 văn bản sai về thẩm quyền ban hành; 2.414 văn bản sai về hiệu lực, căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày...
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong số các văn bản đã phát hiện vi phạm (6.872 văn bản), các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã xử lý xong 5.997 văn bản. Có nghĩa là hiện vẫn còn tới 875 văn bản trái pháp luật nhưng vẫn “còn hiệu lực”. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, gây bức xúc trong xã hội.
Hướng khắc phục...
Để hạn chế hiện tượng văn bản hướng dẫn luật tiếp tục trái luật, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đề xuất: các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, pháp lệnh phải ghi rõ điều, khoản (của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn) mà nó quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành để thuận lợi cho việc kiểm tra, phát hiện.
Để giải quyết được cả vấn đề nợ đọng văn bản hướng dẫn luật, theo luật sư Hồ Hoàng Đức, Đoàn luật sư TPHCM, cần phải kiện toàn các ban soạn thảo văn bản hướng dẫn luật. Ông Đức cho rằng, ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần được mở rộng cho các thành viên thuộc tổ chức đoàn thể hoạt động độc lập không thuộc cơ quan hành chính nhà nước để có ý kiến đa chiều, hạn chế nội dung chủ quan duy ý chí.
Việc minh bạch thông tin cần được chú ý, vì việc lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là công khai, nhưng việc tiếp thu ý kiến thì lại không được công bố. Thực tế qua các cuộc hội thảo góp ý văn bản quy phạm pháp luật cho thấy có nhiều ý kiến hay, được ban thư ký hội thảo ghi chép kỹ lưỡng nhưng sau đó những nội dung này lại không được vào văn bản quy phạm pháp luật chính thức ban hành.
(*) Mười luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015: 1. Luật Nhà ở; 2. Luật Kinh doanh bất động sản; 3. Luật Doanh nghiệp; 4. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; 5. Luật Đầu tư; 6. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; 7. Luật Giáo dục nghề nghiệp; 8. Luật Công an Nhân dân; 9. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 10. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Quang Chung

No comments:

Post a Comment