Wednesday, July 15, 2015

Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 15/07/2015,     http://www.thesaigontimes.vn/133040/Trung-Quoc-tang-truong-vuot-du-bao.html,      Cục thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 15-7 công bố báo cáo cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 2-2015 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo tăng 6,8% của các chuyên gia kinh tế.

Tháp truyền hình tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Đồng thời, số liệu về đầu tư tài sản cố định, giá trị gia tăng công nghiệp, doanh số bán lẻ và các số liệu khác cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Các số liệu trên phản ánh một loạt biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ kể từ cuối năm ngoái đã giúp nền kinh tế ổn định - theo báo Wall Street Journal.
Tiếp tục kích thích kinh tế
Kể từ tháng 11-2014, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất 4 lần, trong đó lần gần nhất là vào ngày 27-6. Giới phân tích cho rằng việc này đến sớm hơn dự kiến, có thể do cần cứu thị trường chứng khoán. Ngày 14-7, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ “sử dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ một cách đa dạng và linh hoạt” để giữ thanh khoản cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý.
Trung Quốc được dự báo sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc nữa trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng sắp xếp chương trình hoán đổi nợ của các địa phương thành trái phiếu chính phủ có lợi suất thấp nhằm tạo ra nguồn vốn đầu tư. Theo kế hoạch, chương trình này có quy mô đến 3.000 tỉ nhân dân tệ.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục kích thích kinh tế, đặc biệt khi các số liệu liên tục gây thất vọng, cho thấy rủi ro chồng chất.
Rủi ro lớn nhất: biến động trên thị trường chứng khoán 
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2015 - mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Sáu tháng đầu năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc chuyển hướng nền kinh tế từ chú trọng đầu tư sang tiêu dùng, ngành sản xuất và xây dựng co hẹp, thị trường bất động sản đi xuống, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trung và dài hạn không thay đổi, tạo áp lực đi xuống cho nền kinh tế. Mặt khác, thị trường chứng khoán lao dốc dự kiến sẽ ảnh hưởng lĩnh vực tài chính và GDP do làm chậm tiến trình IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên) của một số công ty, thu hẹp các giao dịch.
Đầu tuần này, Trung Quốc công bố báo cáo cho biết xuất khẩu tháng 6-2015 tăng trưởng sau 3 tháng giảm liên tiếp, cho thấy tăng trưởng đang ổn định trở lại. Đồng thời, thị trường bất động sản cũng ấm lại sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc nới lỏng quy định cho vay đối với một số người mua nhà.
Hiện, biến động trên thị trường chứng khoán được coi là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc, thay vì bất động sản. Trong hơn 3 tuần, thị trường mất hơn 3.000 tỉ đô la Mỹ. Hơn 1.500 công ty niêm yết phải ngừng giao dịch để ngăn giá giảm thêm. Việc này chỉ chấm dứt vào cuối tuần trước, sau nhiều nỗ lực cứu vãn của chính phủ.
Số liệu tăng trưởng GDP quí 2-2015 là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung khi Trung Quốc vẫn là cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới - đang gặp những mối đe dọa từ Hy Lạp đến Nga và Brazil (nền kinh tế lớn nhất Mỹ La-tin đang hướng tới đợt suy thoái tồi tệ nhất trong 25 năm trở lại đây).
Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo năm tới, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng. Theo khảo sát của CNN, Trung Quốc có thể tăng trưởng 6,95% năm nay và 6,5% năm tới. Kết quả này không gây ngạc nhiên, do sau nhiều năm tăng trưởng nóng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

No comments:

Post a Comment