Người dân Trung Quốc lo âu theo dõi diễn biến của TTCK Thượng Hải. Ảnh Reuters
Ở ngôi trường danh tiếng này, nơi đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, cổ phiếu bỗng nhiên chen chân vào hàng ngũ những chủ đề giáo dục lòng yêu nước quen thuộc như đoàn kết và sức mạnh quốc gia, ý thức hệ chủ nghĩa xã hội, truyền thống cách mạng vinh quang. Chuyện cổ phiếu bước vào nhóm các ưu tiên của quốc gia khắc họa khía cạnh ít được nhắc đến trong những bàn luận về cú rơi tự do của các thị trường (TTCK) Trung Quốc trong tháng qua: cuộc gồng tay giữa bàn tay hữu hình của nhà nước và bàn tay vô hình của thị trường.
Khi mới lên cầm quyền, Tập Cận Bình hô hào khôi phục giấc mơ Trung Hoa. Lời vàng của lãnh tụ về việc khôi phục, chấn hưng dân tộc được diễn dịch và áp dụng nhiều cách. Đôi khi rất thực dụng đời thường như một hãng môi giới chứng khoán hàng đầu tuyên bố rằng mua cổ phiếu là mua giấc mơ Trung Hoa.
Trước khi tụt dốc thê thảm trong tháng 6, các TTCK có đà tăng tiến chóng mặt. Chỉ trong vòng một năm, chỉ số Thượng Hải tăng 155%, và chỉ số Thâm Quyến tăng 192%. Nhiều nhà đầu tư chắc mẩm chính phủ hoàn toàn kiểm soát được thị trường, giá cổ phiếu chỉ có nước tăng mà thôi. Có người gọi đó là “thị trường gia tăng của bác Tập”, như thể đó là món quà của Chủ tịch Tập Cận Bình. Báo chí nhà nước đua nhau tán thưởng cơn mê sảng chơi cổ phiếu này. Hồi tháng 5, trước khi bong bóng vỡ, Nhân Dân Nhật Báo chạy xã luận tiên đoán rằng thời tươi đẹp của TTCK chỉ mới bắt đầu.
Ngành tài chính, và phần lớn mức tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong 36 năm qua, đã dựa trên nền tảng kiềm chế lãi suất tiết kiệm. Lãi suất tiền gởi được giữ ở mức thấp giả tạo, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Các điều khoản phát hành trái phiếu công ty cũng bảo đảm chi phí huy động vốn thấp.
Kể từ khi thành lập vào đầu thập niên 1990, TTCK Trung Quốc có cấu trúc khác hẳn với ở phương tây. Lãi đầu tư, yêu cầu minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền của cổ đông, cổ tức, kiểm toán chặt chẽ và kiểm soát giao dịch nội gián... chỉ chiếm vị trí thứ yếu bên cạnh vai trò của thị trường là kênh chuyển tiền nhàn rỗi trong dân vào các công ty quốc doanh với chi phí càng rẻ càng tốt.
“Ở Trung Quốc, các thị trường do nhà nước vận hành, do nhà nước quản lý điều tiết bằng luật lệ, và huy động vốn phục vụ cho nhà nước bằng cách bán cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.” Carl Walter và Fraser Howie viết như vậy trong cuốn Tư hữu hóa Trung Quốc về việc Bắc Kinh bóp méo thị trường để buộc cổ phiếu phục vụ chủ nghĩa xã hội.
Trong thập niên qua, người tìm chỗ đầu tư lãi cao đã đua nhau bỏ tiền vào đủ kiểu tài sản từ địa ốc tới tem, đậu xanh, tỏi và trà. Do các kênh đầu tư khác không mấy hấp dẫn, TTCK trở thành nơi lý tưởng cho tiền nhàn rỗi (và cả không nhàn rỗi), nhất là khi có sự hô hào của nhà nước. Bắc Kinh không chỉ dàn dựng chiến dịch tuyên truyền hàng tháng trời góp phần đẩy giá cổ phiếu lên, mà còn nới lỏng quy định vay margin (thế chấp cổ phiếu để vay tiền mua cổ phiếu) để thu hút hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ vay tiền chơi chứng khoán, chung tay bơm căng bong bóng cổ phiếu. (Lúc cao điểm, lượng vay margin bằng khoảng 12% giá trị cổ phần có thể giao dịch và 3,5% GDP Trung Quốc.)
Thị trường bùng nổ do sự tham gia ồ ạt của giới đầu tư nhỏ lẻ. Theo Bloomberg, chỉ riêng trong tháng 3 có khoảng 4 triệu tài khoản mới. Phần lớn ít học thức và thiếu kinh nghiệm; theo một khảo sát của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam của Trung Quốc, hơn 2/3 nhà đầu tư mới chưa hề học hay tốt nghiệp trung học. Thậm chí nhiều nông dân bỏ làm ruộng để chơi chứng khoán.
Để chặn đà tụt dốc, chính phủ đã có nhiều biện pháp can thiệp mạnh tay: giảm lãi suất cơ bản và tỉ lệ dự trữ bắt buộc của một số ngân hàng; ngưng các vụ IPO mới; hạn chế bán khống; thay đổi quy định để cho phép các quỹ hưu bổng và quỹ bảo hiểm xã hội được đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu; cấm công ty quốc doanh, và cổ đông lớn, ban giám đốc và ủy viên hội đồng quản trị không được bán cổ phần trong sáu tháng; thay đổi quy định để lần đầu tiên nhà đầu tư có thể dùng nhà làm tài sản thế chấp để vay tiền mua cổ phiếu; cho phép hơn 90% cổ phiếu niêm yết tạm ngừng giao dịch; và quan trọng nhất là cho 21 hãng môi giới chứng khoán vay tương đương 42 tỉ dollar để mua cổ phiếu blue-chip. Nhìn chung vẫn là những phương cách quá đà, ít tác dụng, trong khi nên xem đó cú tự điều chỉnh của thị trường sau thời gian giá bị bơm cao hơn giá trị thực.
Thị trường giảm mạnh dễ dẫn đến suy đoán đây là điềm báo sự sụp đổ kinh tế toàn diện của Trung Quốc. Nhưng TTCK không phải là thành tố quan trọng của kinh tế Trung Quốc. Giá trị cổ phiếu có thể giao dịch chỉ bằng khoảng 1/3 GDP, so với mức hơn 100% ở các nền kinh tế đã phát triển. Hơn 50% người Mỹ có đầu tư ít nhiều vào cổ phiếu, còn ở Trung Quốc chỉ khoảng 5%. Chưa tới 15% tài sản tài chính của hộ gia đình được đầu tư vào TTCK.
Cú tụt dốc không phanh hiện nay đang đe dọa phá vỡ cấu trúc thị trường. Mức sụt giảm gần 30% của hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến bắt nguồn từ việc mất lòng tin về việc nhà nước có thể tiếp tục thao túng được thị trường. Do vậy, liều thuốc mạnh trong cơn hoảng loạn của chính phủ Trung Quốc có lý do chính trị hơn là kinh tế, vì muốn cứu vãn uy tín của đảng hơn là giải cứu những nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ.
Nhìn chung, mô hình “kinh tế thị trường với đặc thù Trung Quốc” đã được áp dụng khá tốt. Nhưng riêng với thị trường tài chính, vẫn còn là một chặng đường dài và gian nan. Hình bìa tạp chí The Economist tuần rồi ghép ảnh Tập Cận Bình giơ tay chống đỡ đồ thị chứng khoán lao dốc. Nếu Trung Quốc không tiếp tục mạnh dạn cải cách, và để thị trường quyết định, hình ảnh thiểu não đó chắc còn đọng lại lâu dài. Bàn tay hữu hình càng gắng bơm căng và giữ không cho xẹp, bàn tay vô hình chỉ cần búng nhẹ là bong bóng vỡ tung.
No comments:
Post a Comment