Tuesday, June 9, 2015

Trung Quốc bành trướng (bài 1): Sức mạnh ảo tưởng

Báo Người Đồng Hành, ngày 08/06/2015,       http://ndh.vn/trung-quoc-banh-truong-bai-1-suc-manh-ao-tuong-2015060802361638p4c145.news,          Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự cũng như căng thẳng tại các vùng lãnh thổ tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Liệu nước này đã có thể đe dọa được đến vị thế của Mỹ trên thế giới?
Chưa phải đối thủ
Trong tình hình Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự và “dấu hiệu” bành trướng, một số học giả cũng như chuyên gia lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh đang có ý định ngăn chặn hoàn toàn hoạt động của lực lượng Mỹ tại Đông Á. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng quốc gia Châu Á này có kế hoạch thay thế Mỹ để trở thành siêu cường hàng đầu thế giới. Liệu những lo ngại này có thể trở thành hiện thực?
Hiện nay, việc xây dựng trái phép của Trung Quốc tại một số khu vực đang tạo ra thách thức an ninh đối với Mỹ và các đồng minh Châu Á. Tuy nhiên, dù đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong hơn 20 năm qua nhưng Trung Quốc vẫn không đủ khả năng triển khai sức mạnh quân sự xa bờ lâu dài. Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ được ưu thế lớn về quân sự, thậm chí tại khu vực Đông Á, so với Trung Quốc. Rõ ràng là lực lượng quân đội Trung Quốc kém xa so với Mỹ cả về chất lượng thiết bị, kinh nghiệm chiến đấu và khả năng đào tạo quân sự.
Nòng cốt của lực lượng quân sự Trung Quốc là một hệ thống lục quân với nhiệm vụ chống lại kẻ thù trong và ngoài nước, được bổ sung bằng một số loại tên lửa dùng nhiên liệu lỏng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong thập niên 90, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu phát triển khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở nước ngoài thông qua lực lượng hải quân, không quân và hệ thống tên lửa đạn đạo thường. Quốc gia này đã phát triển một số loại tên lửa nhiên liệu rắn có độ chính xác cao, có thể tấn công các mục tiêu di động trên biển.
Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình bằng cách triển khai các tên lửa di động phóng từ mặt đất cũng như các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Trong khi đó, Mỹ không quá tập trung vào việc phát triển những loại tên lửa thường bởi nước này có nhiều phương thức chiến đấu hiệu quả khác nhau cũng như có nhiều cách để bắn đầu đạn hạt nhân sang phía kẻ thù. Do đó, Trung Quốc vẫn chưa thể thu hẹp được khoảng cách về quân sự với Mỹ về công nghệ, chiến thuật và chiến lược nhằm cho phép đạt được một “chiến thắng” nếu xảy ra xung đột.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn thường tự hào về các cuộc chiến tranh mạng như là “át chủ bài” của mình. Quốc gia này đã phát triển một đội ngũ rất lớn các tin tặc và “chiến binh công nghệ thông tin” được chính phủ tài trợ. Mặc dù vậy, việc chính quyền Bắc Kinh sở hữu một lực lượng tin tặc đáng kể không có nghĩa là nước này dẫn đầu về chiến tranh mạng. Mỹ ít khi đề cập đến khả năng tấn công mạng của mình bởi điều này là tối mật, nhưng vào năm 2013, tướng Keith Alexander của Mỹ cho biết họ là lực lượng tấn công mạng “tốt nhất thế giới.”
Một trong những niềm tự hào nữa của Trung Quốc là việc triển khai tàu sân bay đầu tiên, được mua lại và nâng cấp từ một tàu chiến thời chiến tranh lạnh của Ucraina. Kể từ đó, chính quyền Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng thêm 2 tàu sân bay nữa. Động thái tăng cường sức mạnh quân sự này khá nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những quốc gia láng giềng yếu hơn Trung Quốc, nhưng hầu như không thay đổi được nhiều trong cán cân quyền lực Trung - Mỹ.
Hiện nay Mỹ có 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với các tổ hợp tàu chiến khổng lồ, được đào tạo đầy đủ để có thể đi cùng và bảo vệ. Hệ thống tàu sân bay của nước này cũng có nhiều kinh nghiệm từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 và Chiến tranh Lạnh trong việc theo dõi cũng như phát hiện sớm các tàu sân bay của đối phương. Nhiều chuyên gia quân sự hiện nay lo lắng về tính dễ tổn thương của tàu sân bay Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và ngư lôi hơn là mối đe dọa bằng máy bay từ các tàu sân bay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, lực lượng quân sự Mỹ được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn so với Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã không tham gia một cuộc xung đột quân sự quốc tế lớn nào kể từ năm 1979, trong khi quân đội Mỹ hầu như liên tục chiến đấu trên các chiến trường toàn cầu kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh vào tháng 1/1991.
Hơn nữa, một trong những lợi thế lớn nhất của Mỹ so với Trung Quốc là số lượng các đồng minh. Mạng lưới các nước đồng minh của chính quyền Washington, khoảng 60 nước, chiếm khoảng 80% chi tiêu quân sự trên toàn thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có một liên minh chính thức với Bắc Triều Tiên và có quan hệ an ninh với Pakistan. Quốc gia Châu Á này cũng có hợp tác quốc phòng và quan hệ buôn bán vũ khí với Nga, nhưng sự thiếu tin tưởng giữa 2 cựu đối thủ trong lịch sử này đã làm cho mối quan hệ khó có thể trở thành một liên minh bền vững.
Việc so sánh cán cân tổng thể sức mạnh quân sự giữa 2 nước là phù hợp trong các cuộc chiến tranh toàn diện, như chiến tranh thế giới lần thứ I và II. Nhưng hầu hết các cuộc xung đột chính trị an ninh quốc tế hiện nay liên quan đến ngoại giao nhiều hơn và có sự cam kết trong việc hạn chế áp dụng chiến tranh toàn diện. Trong tình hình đó, địa lý, chính trị, tâm lý và nhận thức có thể đóng vai trò quan trọng hơn so với sự cân bằng sức mạnh quân sự.
Thật không may, Trung Quốc không cần phải là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ để tạo ra những xung đột nghiêm trọng tại Đông Nam Á, một khu vực quan trọng với cả chính quyền Washington lẫn toàn thế giới.

Còn tiếp

No comments:

Post a Comment