Theo thống kê của BizLIVE, ngoại trừ 4 ngân hàng TPbank, OCB, NCB và LienVietPostBank không công bố chi tiết phần thuyết minh trong báo cáo tài chính quý I/2015, so với cuối năm 2014, cho vay khách hàng của 15 ngân hàng còn lại chỉ tăng 3,12% tuy nhiên tổng số nợ xấu bao gồm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã tăng tới 17,8%.
Trong đó về cơ cấu nợ, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, tăng 6.082 tỷ đồng lên 25.521 tỷ đồng, chiếm 55% tổng số nợ xấu.
Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) là ngân hàng "sở hữu" số nợ có khả năng mất vốn nhiều nhất trong số các ngân hàng đã được khảo sát với 5.546 tỷ đồng mặc dù ngân hàng này không phải là ngân hàng dẫn đầu về bơm vốn ra nền kinh tế.
ABBank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành
Đáng chú ý tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), số nợ xấu tăng 3 tỷ đồng, từ 1.170 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 1.173 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2015. Tuy nhiên do dư nợ cho vay của ngân hàng trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 23.436 tỷ đồng, giảm mạnh đến 9,75%. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng từ 4,5% cuối năm 2014 lên 5%. Đây cũng là con số vọt lên cao nhất trong số 15 ngân hàng đã công bố chi tiết báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015.
Trong khi đó phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vừa qua, ông Phạm Duy Hiếu, nguyên Tổng giám đốc ABBank cho biết năm 2015 ngân hàng không còn nợ xấu để bán cho VAMC và sẽ tất toán trước hạn trái phiếu cho VAMC.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cho biết, Techcombank đã bán khoảng 3.400 tỷ đồng cho VAMC. Nợ xấu của Techcombank hiện không còn nhiều nếu bán thì cũng chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính của ngân hàng này, tỷ lệ nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn khi 3 tháng vừa qua tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên 2,57% từ 2,38% cuối năm 2014.
HẠNH PHÚC
No comments:
Post a Comment