Chính sách của Mỹ
Trung Quốc hiện không phải kẻ thù của Mỹ nhưng chính sách ngoại giao đối với nước này đang bị tranh cãi kịch liệt và trở nên ngày càng phức tạp hơn so với thời Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Một trong những lý do là sự không đồng thuận về hiện trạng lãnh thổ tại Đông Á. Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền trên biển với một số nước láng giềng, trong đó có 2 đồng minh chính thức của Mỹ là Nhật Bản và Philipin và một đối tác an ninh là Đài Loan.
Các nghiên cứu về tâm lý cho thấy hầu hết người dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro và trả giá lớn hơn để bảo vệ những gì họ tin là thuộc về họ một cách chính đáng. Trong khi đó, những nước muốn tăng lợi ích của mình từ những gì thuộc về nước khác lại ít mong muốn rủi ro hơn.
Hiện nay, với một cuộc chiến dễ leo thang thành chiến tranh hạt nhân, việc xung đột toàn diện tại biên giới mang tính nguy hiểm cao và hầu như sẽ được chính quyền các nước hạn chế, đặc biệt là những quốc gia ít mong muốn rủi ro.
Tại Đông Á, hiện vẫn có sự bất đồng về lãnh vực hàng hải giữa các nước. Trung Quốc và Đài Loan vẫn có sự khác biệt trong nhận thức về chủ quyền của hòn đảo này. Chính quyền Bắc Kinh và Tokyo cũng có sự bất đồng về quyền sở hữu hòn đảo Sensaku -theo Nhật Bản- hay Điếu Ngư -theo Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc, Đài Loan, Philipin, Việt Nam, Brunei và Malaysia cũng đang có sự bất đồng về quyền sở hữu tại các đảo đá và san hô tại Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng chính quyền Washington không nên coi nhẹ tính nghiêm trọng của những tranh chấp này. Nếu tất cả các nước đều cho rằng họ đang bảo vệ quyền sở hữu chính đáng chống lại sự bành trướng của quốc gia khác, nhiều khả năng sẽ dẫn đến những va chạm gây thương vong. Tại một số nước lớn, việc tranh chấp bị thúc đẩy bởi những câu chuyện lịch sử có chọn lọc và chủ nghĩa dân tộc. Họ cho rằng nhiệm vụ cốt lõi là tuyên bố “chủ quyền lãnh thổ” và khôi phục những khu vực bị “xâm lấn.”
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã tự tin hơn trên bàn đàm phán quốc tế nhưng lại có vẻ “yếu đuối” trước những vấn đề quốc nội.
Người dân Trung Quốc cảm thấy rằng vị thế đất nước trên chính trường quốc tế đã được cải thiện và ngày càng tự hào về “ưu thế” của mình. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này đang bị rung chuyển mạnh.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đau đầu với tình trạng bất bình đẳng tăng cao trong xã hội. Vì vậy, những nhà hoạch định của quốc gia này không muốn bị xem là “yếu đuối” trong lĩnh vực quốc phòng tại thời điểm hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy chính sách gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Chính quyền Bắc kinh thường làm gia tăng những căng thẳng trong khu vực. Năm 2010, Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ với việc thuyền trưởng tàu đánh cá và thủy thủ đoàn nước này bị Nhật Bản bắt giữ gần đảo Senkaku, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình.
Thậm chí vào năm 2012, khi chính quyền Tokyo tuyên bố mua lại một số đảo trong quần đảo Senkaku, hàng chục nghìn người Trung Quốc đã biểu tình, đập phá cơ sở kinh doanh của các công ty Nhật Bản, gây thiệt hại về tài sản và thương tích về người. Sau đó là hàng loạt những động thái nguy hiểm từ chính quyền Bắc Kinh, như việc đặt giàn khoan và xây đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông hay tăng cường hải quân tại vùng biển gần đảo Senkaku.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh quân sự hạn chế hiện nay của mình để đe dọa các đồng minh của Mỹ và tỏ ý rằng Mỹ sẽ phải trả giá cao nếu họ can thiệp. Khả năng xung đột với Trung Quốc rõ ràng đã ảnh hưởng đến quan điểm chính trị cũng như động thái của Mỹ trong tình hình tranh chấp hiện nay.
Mỹ có thể giảm bớt mối đe dọa từ Trung Quốc bằng cách tiến hành phá hủy hay vô hiệu hóa các mục tiêu quân sự trên đất liền của quốc gia Châu Á này, bao gồm các cứ điểm tên lửa đạn đạo, hệ thống chỉ huy và kiểm soát, cảng tàu ngầm và trụ sở chỉ huy hải quân hay lục quân. Tuy nhiên, động thái này là vô cùng nguy hiểm trước một quốc gia có sức mạnh hạt nhân. Hơn nữa, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống các tên lửa đạn đạo có khả năng di động hoặc phóng từ tàu ngầm nhằm chống lại các cuộc tấn công.
Trung Quốc luôn tôn trọng học thuyết không sử dụng vũ khí hạt nhân vào đầu cuộc chiến, nghĩa là họ sẽ không trả đũa bằng đạn hạt nhân nếu xung đột quân sự không leo thang vượt quá giới hạn chịu đựng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phương châm mà không phải quy tắc, đặc biệt trong trường hợp đối phương vượt trội về công nghệ cũng như vũ khí quân sự, như Mỹ.
Mặc dù vậy, tình hình chưa đến mức quá bi quan. Điều quan trọng đối với Mỹ hiện nay không phải là gia tăng khoảng cách về quân sự đối với Trung Quốc mà nên tập trung phân tích chiến lược với các đồng minh nhằm đạt được hiệu quả trong bối cảnh địa lý và chính trị hiện nay.
Chẳng hạn, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã thành công với chính sách an ninh tại Đài Loan bằng cách bán vũ khí cho hòn đảo này và tạo áp lực với Trung Quốc đại lục nếu họ có ý định “vượt” eo biển. Đồng thời, Washington vẫn đảm bảo với chính quyền Bắc Kinh rằng Mỹ không có ý định hỗ trợ Đài Loan giành độc lập. Thậm chí, Mỹ đã công khai phản đối một cuộc trưng cầu dân ý tại Đài Loan năm 2008 nhằm tham gia Liên hợp quốc với tên gọi riêng là Đài Loan.
Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã thành công trong việc thể hiện quan điểm của Mỹ về vấn đề đảo Senkaku.
Năm 2014, ông Obama đã nhắc lại rằng các hiệp định quốc phòng Mỹ-Nhật có bao gồm cả những quần đảo đang tranh chấp. Tuy nhiên, chính quyền Washington cũng kêu gọi Nhật Bản kiềm chế, thậm chí đã chỉ trích chính quyền Tokyo về những hành động được đánh giá là minh oan cho đế quốc Nhật trong chiến tranh thế giới thứ II.
Cả hai ví dụ trên cho thấy sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ có thể đem lại hiệu quả trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền trước tình hình Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh.
Mối quan hệ Trung-Mỹ không phải là cuộc đối đầu một mất một còn, và sẽ vô cùng nguy hiểm nếu các lãnh đạo hai nước có những động thái như thể họ đang là “kình địch.”
Hoàng Nam - Người đồng hành
No comments:
Post a Comment