Tuesday, June 9, 2015

Thủ tướng chưa hài lòng về tăng trưởng kinh tế

Báo VnExpress, ngày 09/06/2015,      http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-tuong-chua-hai-long-ve-tang-truong-kinh-te-3231232.html,        Người đứng đầu Chính phủ nhận định tăng trưởng hiện tại chưa thực sự bền vững và Việt Nam cần quyết liệt hơn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ sáng nay (9/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm đã phát triển tốt hơn so với năm 2014. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ vẫn chưa thực sự hài lòng với kết quả này. "Những điều đạt được chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa, vững chắc hơn nữa", ông nhấn mạnh.
Khẳng định Việt Nam không hề thỏa mãn với những kết quả đạt được, Thủ tướng khẳng định thời gian tới sẽ quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém do chủ quan. Chính phủ đảm bảo lạm phát không quá 5%, lãi suất, tỷ giá ổn định theo tín hiệu thị trường, dự trữ ngoại hối tối thiểu 12 tuần nhập khẩu, bội chi ngân sách năm 2015 ở mức 5% GDP và sẽ thấp dần trong 5 năm tới, nợ công trong giới hạn an toàn, xuất khẩu tăng trưởng 10-15% mỗi năm...
thu-tuong-7534-1433831730.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh. "Dự báo đến năm 2018 Việt Nam có thể thiếu điện nếu các dự án triển khai chậm, nhưng những vấn đề đó đã được xử lý, điện không thiếu mà sẽ có những dự phòng, để đảm bảo phát triển kinh tế ở mức 6,5-7%", ông nói.
Ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 từ 6,2% trở lên và 6,5-7% trong giai đoạn 2016 - 2020 là những cam kết của nhà điều hành Việt Nam trước các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, bao gồm tập trung cổ phần hóa theo đúng lộ trình đã phê duyệt, tái cơ cấu ngân hàng để đến năm 2016 sẽ không còn ngân hàng yếu kém; chủ động hội nhập, cải cách thể chế theo định hướng kinh tế thị trường...
Tại diễn đàn năm nay, một vấn đề cũng được đặt trọng tâm là những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh hai bộ luật Đầu tư, Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới và các cam kết hội nhập sắp được thực thi.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ rà soát để xem xét gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư, đồng thời xóa bỏ các giấy phép con nằm ngoài danh mục.
Những cản trở làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng cần được giải quyết. Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại dẫn một khảo sát quốc tế mới nhất cho thấy môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thuận lợi. Chẳng hạn, năm 2015, khảo sát môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 78 trên 189 nước, giảm 6 bậc so với năm 2014. So với thứ hạng về GDP của Việt Nam (thứ 52), rõ ràng Việt Nam đang bị tụt lại về môi trường kinh doanh.
Cũng theo khảo sát này, vấn đề lớn nhất hiện nay về môi trường kinh doanh là thuế, trong đó Việt Nam đứng thứ 173 trên tổng số 189 nước, giảm 2 bậc so với năm 2014. Về tiêu chí thuế (quản lý nộp thuế, kiểm tra thuế), Việt Nam có thứ hạng thấp hơn tất cả các nước khác ở châu Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết Việt Nam đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện hai luật mới trên tinh thần đảm bảo minh bạch, thông thoáng cho nhà đầu tư.
Trước khi Luật Đầu tư sửa đổi ra đời, Việt Nam có 51 ngành nghề cấm kinh doanh và 386 ngành kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, sau khi rà soát, cơ quan quản lý đã loại bỏ chỉ còn 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề có điều kiện.
"Việc rút từ 386 xuống còn 267 ngành nghề có điều kiện là cố gắng cao. Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát lại, lĩnh vực nào nên loại bỏ thì tiếp tục rút khỏi danh mục", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định việc xây dựng một hệ thống ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là cực kỳ khó, việc quy định nhiều hay ít phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, miễn là không gây khó khăn cho doanh nghiệp. "Một xã hội càng phát triển thì càng có nhiều điều kiện kinh doanh. Ví dụ như phục vụ ăn uống thì phải có điều kiện về sức khỏe, an toàn thực phẩm. Việc quy định điều kiện nhằm làm cho xã hội tốt lên, con người tốt hơn chứ không phải gây khó khăn", ông cho biết.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết ngành Tài chính đã có nhiều biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh như giảm giờ khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Trong thời gian tới, cơ quan này đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện hơn nữa để môi trường kinh doanh nằm trong top cao của khu vực.
Kết thúc diễn đàn, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ làm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ khu vực trong nước và còn cả nước ngoài, trên tất cả lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, 6 tháng đầu năm, Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế 6,12% và sẽ có cơ hội tăng cao hơn nếu có những giải pháp khắc phục trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Phương Linh

No comments:

Post a Comment