Tại hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các FTA?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng tổ chức phi chính phủ ActionAid tổ chức tại TP.HCM hôm 1/6, một số diễn giả cho rằng công cụ thuế và các chính sách trợ cấp để hỗ trợ sản xuất nội địa đã không được sử dụng hiệu quả.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI) cho rằng, đến nay, Việt Nam đã có nhiều cam kết khi tham gia WTO, thực hiện 8 FTA và vừa ký 2 FTA ( với Hàn Quốc và liên minh kinh tế Á-ÂU). Các cam kết WTO và FTA này tập trung vào bốn lĩnh vực là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, và sở hữu trí tuệ (IP), do đó không gian chính sách trong bốn lĩnh vực này để hỗ trợ sản xuất trong nước đã bị hạn chế.
Đang tồn tại nhiều nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam |
Bà Trang dẫn ví dụ, về thương mại hàng hóa, công cụ thuế quan vẫn còn trong WTO vì Việt Nam chỉ cam kết giảm thuế chứ không xóa bỏ thuế, nhưng hầu như công cụ thuế quan không còn trong các FTA vì trong các FTA Việt Nam đều cam kết đưa hầu hết thuế về 0%. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán FTA với gần 50 nước, và thuế là công cụ bảo hộ sản xuất trong nước khó có thể sử dụng được trong tương lai.
Tương tự, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng trích lời ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia nghiên cứu của Dự án NDS – ActionAid, hiện không gian chính sách mà Việt Nam có thể dùng đến để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, như ngành điện tử, không còn nhiều, do thuế suất đã được cắt giảm nhiều. Trong khi đó, không gian chính sách để Chính phủ hỗ trợ ngành như chế biến thực phẩm hiện có rộng hơn so với ngành điện tử, nhưng thuế nhập khẩu các mặt hàng này đang được Việt Nam cắt giảm rất nhanh, thậm chí nhanh hơn cả lộ trình cam kết của Việt Nam (trong WTO và các FTA).
Như vậy, dù không còn nhiều công cụ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa nhưng có vẻ như Việt Nam cũng chưa tận dụng hiệu quả các công cụ này.
Đây chỉ là một trong nhiều nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam. Trước đó, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam đang làm nghĩa vụ quốc tế giữ an ninh lương thực cho thế giới bởi những chính sách trợ cấp giúp doanh nghiệp mua rẻ bán rẻ.
Từng trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp đã chỉ ra hàng loạt chính sách Nhà nước hỗ trợ cho người trồng lúa mà các ngành nông nghiệp khác không có.Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ người trồng lúa nước 500.000 đồng/ha/năm, chính sách miễn giảm thủy lợi phí, giảm thuế đất, hỗ trợ người sản xuất lúa hằng năm, hỗ trợ khai hoang cải tạo đất trồng lúa... Chưa kể những chính sách vĩ mô về thị trường cũng tập trung ưu đãi cho ngành trồng lúa như hỗ trợ mua tạm trữ lúa trong điều kiện khó tiêu thụ và giá lúa xuống thấp, chính sách đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30%...
Tuy nhiên, ông Khải cho rằng, thực tế, người nông dân không được hưởng lợi gì từ những chính sách này. Ông dẫn chứng bằng chính sách tài trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo:
"Tài trợ lãi suất làm cho giá thành sản xuất lúa thấp một cách giả tạo, doanh nghiệp kinh doanh mua bán gạo ép được nông dân bán giá thấp để rồi họ lại xuất khẩu với giá rẻ, nghĩa là Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giữ an ninh lương thực cho thế giới, nói cách khác, Việt Nam làm từ thiện cho nước ngoài trong khi nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt lúa xuất khẩu thì bị lỗ, thiệt thòi và khốn khổ trăm bề.
Với chính sách này, Việt Nam đang trợ giá cho tất cả các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia, châu Phi..., đặc biệt là Trung Quốc, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây", ông Vũ Trọng Khải phân tích.
An Nhiên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment