Tuesday, May 12, 2015

Hội nghị Trung ương 11: Không thông qua chủ trương đầu tư, và yêu cầu làm lại Báo cáo tiền khả thi Cảng trung chuyển hàng không Quốc tế Long Thành.

Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI, xin giới thiệu bài viết "Hội nghị Trung ương 11: Không thông qua chủ trương đầu tư, và yêu cầu làm lại Báo cáo tiền khả thi Cảng trung chuyển hàng không Quốc tế Long Thành", của GS Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, và TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI

HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 11:
KHÔNG THÔNG QUA CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ, VÀ YÊU CẦU LÀM LẠI BÁO CÁO TIỀN KHẢ THI Cảng trung chuyển hàng không Quốc tế Long Thành.

GS Nguyễn Lang
Ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế
Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam

TS Nguyễn Bách Phúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON
Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI

            Xây dựng mới Cảng trung chuyển hàng không Quốc tế Long Thành là vấn đề lớn, được nhiều người quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, Hội nghị Trung ương thứ 11, khóa XI đã bàn và có quyết định thích hợp, được thể hiện trong Thông báo Hội nghị 11 và trong phát biểu bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Để hiểu rõ thêm vấn đề này, cần lược qua một số sự kiện chủ yếu sau đây.

1-      Năm 2005, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT lập “Báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành”. Lưu ý rằng “Báo cáo” sẽ phải được Chính phủ trình Quốc hội, Quốc hội xem xét nội dung Báo cáo, đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, nếu “Báo cáo” này đạt yêu cầu thì Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua “chủ trương đầu tư”.

2-     Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XI, ngày 16 tháng 01 năm 2012, trong phần “Định hướng phát triển hạ tầng giao thông” đã ghi nhận “Huy động nguồn vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư xây dựng mới Cảng trung chuyển hàng không Quốc tế Long Thành.” (văn kiện Hôị nghị trung ương 4, khóa XI, tr.65).
Qua Nghị quyết, có thể hiểu ba nội dung chính:
            -  Đây chỉ là “Định hướng phát triển hạ tầng giao thông”, chứ chưa phải là “chủ trương đầu tư”,
            -  Chức năng chủ yếu của Cảng hàng không Long Thành là cảng trung chuyển Quốc tế,
            -  Phải tìm nguồn vốn cần thiết để đầu tư xây dựng cảng hàng không này.

3-     Tại kỳ họp cuối năm 2014 của Quốc hội XIII, Chính phủ đã trình “Báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành” để xin “chủ trương đầu tư” của Quốc hội. Thế nhưng vì vốn đầu tư quá lớn và một số nội dung cụ thể chưa rõ, nên Quốc hội chưa thông qua mà để đến kỳ họp sắp tới sẽ tiếp tục xem xét.

4-     Sau kỳ họp đó, Bộ GTVT có rà soát lại, và điều chỉnh lại việc phân chia 3 giai đoạn. Với giai đoạn 1, Bộ đã rà soát và điều chỉnh mức vốn đầu tư theo hướng giảm được hơn 1 tỷ $, và chuyển phần đầu tư này sang giai đoạn sau.

           5-  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Ban cán sự Đảng Bộ GTVT thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, để Bộ Chính trị xem xét quyết định việc đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Vì vậy, “chủ trương đầu tư” lại được đưa ra Hội nghị Trung ương thứ 11, khóa XI xem xét.

6-  Thông báo kết quả Hội nghị Trung ương thứ 11, về phần sân bay Long Thành có bốn ý:

Ý thứ nhất, “Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12-2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”

Ý thứ hai, “Ban chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền để để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Tính toán kỹ hiệu qủa đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; vấn đề sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành; hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả đầu tư của dự án; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vấn đề huy động các nguồn vốn đầu tư của xã hội, khả năng hoàn vốn; biện pháp khắc phục tình trạng lâu nay các dự án đầu tư thường vượt quá cao so với dự toán ban đầu …”

            Ý thứ ba: “Nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng và giải trình rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan đến Dự án. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống Chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội.”

Ý thứ tư: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị này để hoàn chỉnh Dự án và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.”

            7- Từ nguyên văn đó, có thể thấy rõ một số vấn đề chủ yếu sau đây:

            -   “Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành”, chứ không khẳng định sự đúng đắn của “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo đầu tư)”, Báo cáo mà Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét.

            -  Ban chấp hành Trung ương vẫn chưa an tâm về sự bảo đảm tính khả thi của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo đầu tư), nên không kết luận là “thông qua chủ trương đầu tư” như yêu cầu của Đảng Đoàn Chính phủ. Thực chất là Ban chấp hành Trung ương không thông qua “chủ trương đầu tư”.

-  Không những thế Ban chấp hành Trung ương còn đòi hỏi phải hoàn thiện Báo cáo, làm rõ một loạt vấn đề mà Thông báo đã nêu ra. Thực chất là Ban chấp hành Trung ương yêu cầu Chính phủ phải làm lại “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo đầu tư)”.
Lưu ý rằng loạt vấn đề mà Ban chấp hành Trung ương đòi hỏi phải hoàn thiện, đều nằm trong phần “Tóm tắt những điểm bất cập của Báo cáo đầu tư” của “Kiến nghị của Hội Tư vấn HASCON trình Bộ Chính trị và Quốc hội” về công trình này.

            -  Ban chấp hành Trung ương yêu cầu “Nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng và giải trình rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau”.
Ai cũng hiểu đây là yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương đối với Bộ GTVT. Thế nhưng Bộ GTVT có “Nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng” hay không?, có công khai, minh bạch “giải trình rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau” hay không? Bộ GTVT có tổ chức việc “lắng nghe” và “giải trình” này theo kênh đối thoại trực tiếp với các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan hay không? Phương thức “lắng nghe” và “giải trình” của Bộ GTVT sẽ như thế nào?

            -  Ban chấp hành Trung ương yêu cầu “Bảo đảm tính công khai, minh bạch; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống Chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội”.
Bộ GTVT sẽ “Bảo đảm tính công khai, minh bạch” bằng cách nào? Sẽ làm gì để “tạo sự thống nhất cao trong hệ thống Chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội”? Trong trường hợp chưa đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội thì việc triển khai thực hiện mục tiêu đầu tư sân bay trung chuyển hàng không quốc tế này sẽ tiếp tục như thế nào?

- “Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị này để hoàn chỉnh Dự án và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII”. Điều này có nghĩa là “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi” sau khi được làm lại, sẽ không phải trình lại Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lần nữa, mà sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 6 năm 2015.

            8-  Tiếp tục câu chuyện này, xin được đặt thêm mấy câu hỏi:

Câu hỏi 1: “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo đầu tư)” sau khi làm lại theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương 11, sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp nào?
 NGHỊ QUYẾT của Quốc hội, số 49/2010/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2010, về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, tại Điều 6 đã khẳng định: “Hồ sơ của Chính phủ về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải được cơ quan có liên quan của Quốc hội thẩm tra. Thủ tục và nội dung thẩm tra được quy định: Chậm nhất là 60 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra;”.
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII còn khoảng 1 tháng nữa sẽ khai mạc, còn “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo đầu tư)” nếu hôm nay đã làm lại xong, thì chắc chắn cũng không thể kịp trình cơ quan thẩm tra của Quốc hội 60 ngày trước ngày khai mạc. Phải chăng cần đến kỳ họp sau?

Câu hỏi 2: Để đạt mục tiêu của Bộ Chính trị và của Hội nghị Trung ương, thường phải đưa ra nhiều phương án để lựa chọn, để xác định phương án hiệu quả nhất. Vậy ngoài phương án hiện nay của Bộ GTVT, với rất nhiều khiếm khuyết và bất cập, nên chăng Đảng và Nhà nước thuê Tư vấn thiết lập một phương án mới, với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Báo cáo đầu tư) chính xác, khoa học, trung thực, đạt được đồng thuận Chính trị Xã hội?

            8/5/2015.


No comments:

Post a Comment