Tuesday, May 12, 2015

“Cánh tay dài” của Trung Quốc

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 10/05/2015,      http://www.thesaigontimes.vn/129932/Canh-tay-dai-cua-Trung-Quoc.html,        Sự xuất hiện và hoạt động đầu tư mạnh của Trung Quốc ở Nam Cực đang khiến nhiều nước e ngại về động cơ thực sự của nước này ở vùng lục địa băng giá.

Một đoàn nhà khoa học Trung Quốc trở về sau chuyến làm việc tại Nam Cực.Ảnh: GETTY IMAGE
Đi sau, đến trước
Mùa thu năm ngoái, ông Tập Cận Bình có mặt tại thành phố Hobart vùng ven biển phía Nam nước Úc. Sự xuất hiện của ông sẽ đặt dấu mốc cho sự hiện diện của Trung Quốc ở một địa điểm xa xôi cách đó tới 2.000 dặm: Nam Cực.
Không ai ngạc nhiên khi thấy ông Tập đến Hobart. Ông đã tới thăm nhiều nơi, từ thủ đô các nước châu Âu, đến những địa điểm khắc nghiệt ở Thái Bình Dương và Caribbean, nhằm theo đuổi lợi ích chiến lược của quốc gia.
Đứng trên boong một con tàu phá băng chở các nhà khoa học Trung Quốc chuẩn bị tới Nam Cực, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục vươn tới những địa điểm hiếm hoi trên trái đất, nơi chưa được con người khai phá.
Ông Tập đã ký một hiệp ước năm năm với Chính phủ Úc cho phép tàu của Trung Quốc, và trong tương lai là máy bay, được tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm trước khi hướng tới Nam Cực.
Hiệp định này sẽ đảm bảo cho Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với một khu vực được cho là có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản lớn; với số lượng dồi dào các sinh vật biển có hàm lượng protein cao; và một hàm lượng lớn nước ngọt trong các núi băng trôi, nguồn tài nguyên có thể cần thiết trong tương lai.
Mãi tới năm 1985, khoảng 70 năm sau khi Robert Scott và Roald Amundsen thám hiểm Nam Cực, một nhóm nhà khoa học của Bắc Kinh mới treo cờ Trung Quốc lên trạm nghiên cứu đầu tiên của nước này ở Nam Cực.
Nhưng đến nay, Trung Quốc có vẻ quyết tâm bắt kịp những người đi trước. Họ tăng mạnh chi tiêu dành cho nghiên cứu Nam Cực, trong bối cảnh những nước đi trước như Mỹ và Úc đang gặp khó khăn về ngân sách.
Các hoạt động của Trung Quốc ở “lục địa giá băng” đã phát triển nhanh nhất trong số 52 nước ký tên vào Hiệp ước Nam Cực. Trung Quốc đã mở trạm nghiên cứu thứ 4 vào năm ngoái và đã chọn được địa điểm để mở trạm thứ 5. Họ cũng đã đầu tư những khoản tiền lớn cho các phương tiện như tàu phá băng, máy bay và trực thăng thám không.
Hiệp ước Nam Cực là một thỏa thuận đạt được năm 1959, trong đó cấm các hoạt động quân sự ở châu lục này, nhằm bảo vệ Nam Cực như một vùng hoang dã cuối cùng của thế giới. Hiệp ước này cũng nghiêm cấm khai thác thương mại tại đây.
Nhưng chuyến thăm của ông Tập là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tự đặt mình vào vị trí riêng để tận dụng lợi thế khi hiệp ước trên hết hạn vào năm 2048, hay trong trường hợp nó bị vi phạm trước.
“Cho đến nay, nghiên cứu của chúng tôi dựa trên khoa học tự nhiên, nhưng chúng ta biết ngày càng có nhiều mối quan tâm về an ninh tài nguyên”, ông Yang Huigen, Tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu Địa cực của Trung Quốc, người đã tháp tùng ông Tập hồi cuối tháng 11 tới Hobart, nói. Ông Yang khi đó đã cùng đứng với chủ tịch của mình trên boong tàu phá băng Xue Long (Rồng Tuyết) của Trung Quốc.
Ông cho biết, với nhận thức đó, gần đây viện của ông đã thành lập một bộ phận mới dành cho việc nghiên cứu các nguồn lực, luật pháp, địa chính trị và quản trị ở cả Nam Cực và Bắc Cực.
Ý đồ che giấu
Úc, đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, nước có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, đang dõi theo những động thái của Bắc Kinh ở Nam Cực với một thái độ dè dặt. Úc vui mừng vì sự hiện diện của Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho các chương trình khoa học Nam Cực của mình khi đang thiếu tiền mặt. Nhưng họ cũng rất cảnh giác với động cơ của Trung Quốc.
“Chúng ta không nên ảo tưởng về những chương trình nghị sự sâu sắc hơn”, ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói. Ông đồng thời cũng là cựu quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Úc.
Theo ông Jennings: “Đây là một phần trong một mô hình lớn hơn về cách tiếp cận hám lợi”. “Động cơ lớn của Trung Quốc là đảm bảo cung cấp năng lượng và lương thực lâu dài”, ông nói.
Cách tiếp cận đó trở nên rõ ràng vào tháng trước, khi một doanh nghiệp nông nghiệp lớn của Trung Quốc công bố mở rộng các hoạt động đánh cá của họ xung quanh Nam Cực. Mục tiêu của họ là bắt được nhiều loài nhuyễn thể, động vật giáp xác nhỏ giàu protein ở vùng biển Nam Cực.
“Nam Cực là một kho báu cho tất cả mọi người. Trung Quốc nên đến đó và chia sẻ” - Liu Shenli, Chủ tịch của tập đoàn Phát triển nông nghiệp quốc gia Trung Quốc, nói với tờ China Daily. Ông Liu cho biết, mục tiêu của Trung Quốc là đánh bắt 2 triệu tấn nhuyễn thể một năm, tăng đáng kể so với sản lượng hiện nay.
Do không có quy định rõ ràng về chủ quyền ở Nam Cực, các quốc gia đã tìm cách để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ với vùng đất băng giá bằng cách xây dựng các căn cứ nghiên cứu và đặt tên theo đặc điểm địa lý. Trung Quốc hiện đã có 5 trung tâm nghiên cứu, gần bằng Mỹ (6) và vượt qua Úc (3).
Những người vẽ bản đồ Trung Quốc cũng đã đặt tên tiếng Hoa cho hơn 300 địa điểm, so với hàng ngàn điểm trên lục địa này được đặt tên bằng tiếng Anh.
Trong cuộc cạnh tranh ngầm ở Nam Cực, các thành tựu khoa học cũng có thể mang lại những giá trị khẳng định ảnh hưởng. Các nhà khoa học Trung Quốc đang cố gắng trở thành người đầu tiên khoan và khôi phục một lõi băng chứa bọt khí nhỏ. Lõi băng này sẽ cung cấp bằng chứng lịch sử về sự biến đổi khí hậu kéo dài 1,5 triệu năm trở về trước. Đây là một nỗ lực rất tốn kém và phức tạp mà những nước khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu và Úc, đã thất bại.
Để hỗ trợ khát vọng chinh phục Nam Cực, Trung Quốc đang cho đóng một tàu phá băng hiện đại trị giá 300 triệu đô la, dự kiến sẽ được hoàn thành trong vài năm tới, Xia Limin, Phó giám đốc Cục Địa cực Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết. Nước này cũng đã mua một máy bay hiện đại để phục vụ công tác thám không.
Anne-Marie Brady, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Canterbury ở New Zealand, tác giả của một cuốn sách sắp được phát hành mang tựa đề: Trung Quốc - cường quốc địa cực, cho biết các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng họ có cơ hội tìm thấy tài nguyên khoáng sản và năng lượng ở khu vực mà họ đang tiến hành nghiên cứu.
“Trung Quốc đang chơi một trò chơi lâu dài ở Nam Cực khiến các nước khác phải đồn đoán về ý định và lợi ích thực sự của họ”, bà Brady nói. Bà lưu ý rằng mối quan tâm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm khoáng sản đã được trình bày “rõ ràng cho khán giả trong nước”. Theo bà, đó là lý do chính để Trung Quốc đầu tư vào Nam Cực.
Hiện tại, các hoạt động khoan thăm dò thương mại ở Nam Cực đang bị cấm. Vì vậy, số liệu ước tính về các nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản ở Nam Cực đều phải dựa trên dữ liệu viễn thám, sau đó so sánh với các môi trường địa chất tương tự như ở những nơi khác.
Ông Millard F. Coffin, Giám đốc điều hành của Viện Hàng hải và Nghiên cứu Nam Cực ở Hobart, cho biết những khó khăn trong việc khai thác ở điều kiện khắc nghiệt như vậy, cộng với những bất ổn về giá cả hàng hóa sẽ khiến cho các nước, trong đó có Trung Quốc chưa thể bất tuân lệnh cấm khai thác khoáng sản trong tương lai gần.
Tuy nhiên, du lịch Nam Cực hiện đã bắt đầu bùng nổ. Khách du lịch từ Trung Quốc hiện vẫn là một con số tương đối nhỏ so với hơn 13.000 người Mỹ đã đến đây vào năm 2013. Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ nhà khai thác tour du lịch nào của Trung Quốc được cấp phép tổ chức tour Nam Cực.
Nhưng, ông Anthony Bergin, Phó giám đốc của Viện Chính sách chiến lược Úc, khẳng định tình hình sẽ thay đổi.
“Tôi nghĩ sẽ rất sớm có du khách Trung Quốc đi trên tàu của Trung Quốc với toàn bộ thủy thủ đoàn người Trung Quốc tới Nam Cực”, ông nói.
Minh Đức (Theo NYT)

No comments:

Post a Comment