Nếu quản lý chặt sẽ không có đội vốn, chậm tiến độ
PGS.TS Nguyễn Đình Thám trao đổi với Đất Việt, ngày 21/4, trước kết luận của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) về chất lượng cũng như tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, mới được công bố.
Cụ thể, cho đến nay, dự án đang bị chậm tiến độ phê duyệt cuối cùng 2 tháng, đội” vốn lên 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định: "Đây là lỗi do Ban quản lý (BQL) chứ không phải lỗi của nhà thầu, bởi vì, nhà thầu chỉ liên quan đến vấn đề chất lượng công trình, thi công chậm tiến độ. Riêng việc đội vốn, tăng vốn, không giải phóng được mặt bằng là lỗi do chủ đầu tư, BQL".
Theo lý giải của ông Thám thì khi tiến hành chọn nhà thầu, trong hồ sơ mời thầu đều phải ghi rõ điều kiện tham gia, bên cạnh đó là các điều khoản quy định rõ, nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm ra sao. Nên ở đây, chúng ta cần nhìn nhận trách nhiệm của cả 2 bên, bởi vì, trong hồ sơ mời thầu rất cần quy định rõ ràng.
Hoàn toàn không đồng ý với lý lẽ, đây là dự án ODA sử dụng vốn vay Trung Quốc, ngay từ khi ký hợp đồng và triển khai đến nay trong thiết kế, thi công, thiết bị, quy trình, công nghệ chủ yếu của Trung Quốc nên khó khăn trong thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, làm chủ công nghệ. Ông Thám cho rằng: "Ngay từ đầu, khi quyết định chọn nhà thầu thì chúng ta cũng đã phải chấp nhận công nghệ của TQ, quan trọng là vẫn phải có trách nhiệm thẩm tra công nghệ, nghĩa là phải có sự chấp nhận công nghệ của chúng ta, thì TQ mới được đưa vào".
Vì vậy, làm gì thì cũng phải căn cứ vào các điều kiện đã có trong hợp đồng, nếu quản lý thật chặt thì chắc chắn không thể vi phạm.
Về việc lãnh đạo Bộ GTVT cũng đang phải làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Eximbank Trung Quốc để vay vốn bổ sung, nhưng phải chờ, ông Thám khẳng định: "Vốn ODA là nguồn tiền được cấp theo dự án chúng ta nêu ra, đề xuất bao nhiêu sẽ được cho vay đủ như vậy. Bây giờ thi công thiếu thì phải xin thêm đó là lỗi của chúng ta không thể trách TQ. Tất nhiên, họ chi cho vay tiền, còn dùng tiền chi cho việc gì thì do chúng ta quyết định, BQL phải chọn công nghệ, nhà thiết kế, thẩm tra, lập dự toán, thẩm định, vì vậy, nếu thiếu vốn đầu tư hoàn toàn là do BQL".
Tất cả là do khâu quản lý kém
Đưa ra nhận định, theo ông Thám tất cả đều là do khâu quản lý của chúng ta cực kỳ kém. Nói cách khác là sai 1 ly đi 1 dặm, sai ngay từ khi làm hợp đồng, nên cứ phải đi theo vết xe chứa sự sai lầm đó.
Để giải quyết được vấn đề này, ông Thám nhận định: "Bây giờ phải cho thẩm tra lại toàn bộ dự án, sau đó quyết toán, xem từ trước đến nay làm có đúng không, rồi tiến hành đàm phán lại làm từ đầu. Bởi vì, bây giờ chúng ta đang bị thụ động trong khi đáng lẽ phải chủ động ngay từ đầu".
Theo quan điểm của ông Thám, mặc dù khi tổng vốn đầu tư phát sinh, sau quá trình thương thảo chắc chắn bên cho vay vốn có thể đồng ý nhưng chúng ta lại phải mang tiếng đi xin, đi vay.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang được thi công
|
Trước thông tin, để thực hiện trọn gói thầu mua sắm đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông cần có trên 1.300 tỷ đồng (63 triệu USD), ông Thám cho hay: "Vấn đề hiện nay sẽ phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ KH&ĐT phải tính toán lại, trong dự án bán đầu có dự toán mua đoàn tàu hay không. Tôi tin chắc rằng là không có, nhưng bây giờ thiếu phải bổ sung".
Mặt khác, đưa ra ý kiến cụ thể, ông Thám nhận định thêm: "Chúng ta quen theo kiểu làm tùy tiện không theo quy mô nên mới gặp tình trạng này. Khiến bây giờ chúng ta tự nhiên rơi vào thực trạng cái gì cũng phải xin và xin lần đầu bao giờ cũng dễ hơn xin lần sau".
Trong khi đó, theo Luật Xây dựng quy định nhà thầu chỉ được điều chỉnh vốn đầu tư dự án tăng tối đa 10% tổng mức đầu tư. Nếu vượt quá 10% là phải thực hiện thẩm định dự án lại từ đầu và trên cơ sở đội vốn công trình phải có lợi cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, con số nhà thầu Trung Quốc đưa ra đã bị đội vốn gần 100%, điều này theo luật là không được phép.
Trên thực tế nhiều nhà thầu bắt tay các nhà quản lý áp dụng thủ thuật đưa giá thầu rẻ rồi chờ thời cơ đẩy vốn đầu tư lên. Nếu không quản lý nghiêm khắc, dễ dẫn tới việc công trình đội giá vô tội vạ.
"Bây giờ phải rà soát lại toàn bộ, đánh giá toàn bộ, đưa ra phương án cuối cùng, thấy vướng chỗ nào thì gỡ chỗ đó chắc chắn sẽ không hiệu quả", ông Thám nói.
Phải quy trách nhiệm
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cũng đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này, cụ thể: "Phải dựa vào điều kiện đấu thầu để kiểm tra, kiểm soát, thêm bộ phận kiểm định, từ quá trình thi công xem có đảm bảo chất lượng hay không, quá trình thi công bảo dưỡng ra sao?".
Bên cạnh đó, chuyện đội vốn là lý do nào, phải chỉ rõ, để thấy ngay từ khi ký hợp đồng chúng ta đã làm không chặt, dẫn đến việc há miệng mắc quai.
Vậy do chúng ta làm không tốt hay trình độ không đủ để đối phó với TQ?
"Tôi chắc chắn khi ký hợp đồng phải có cơ sở pháp lý, cơ sở biện luận, chủ đầu tư thì phải có phương án chắc chắn, ai làm thanh toán thì làm theo tiến độ của mình, đảm bảo thực hiện hợp đồng", ông Hùng lý giải.
Đặc biệt, theo quan điểm của ông Hùng, nếu khó thì chúng ta nên mượn chuyên gia, cố vấn, tư vấn nước ngoài. Đáng sợ nhất là chất lượng công trình sau này sẽ do ai chịu trách nhiệm, thiết nghĩ đừng đổ lỗi cho ODA, nếu khai thác không hiệu quả, tiền đâu để trả nợ, người dân cũng phải còng lưng trả nợ.
Ông Hùng khẳng định: "Phải cách chức, quy trách nhiệm của những người quản lý, vì đóng vai trò rất quan trọng".
- Sơn Ca
No comments:
Post a Comment