Friday, April 17, 2015

Giới Khoa học nên phản biện chính xác về “Hải Đăng” Đà Nẵng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/01/2014, xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - tin học EEI

Gần đây công luận ồn ào về dự án “Hải Đăng” Đà Nẵng, chủ yếu là ý kiến của giới Khoa học, bình luận những khuyết điểm của dự án này.
Chúng tôi xin phép được bình luận về những lời bình luận
Một là, Nhà Khoa học nọ bảo “Tháp Hải Đăng” mọc giữa dòng sông sẽ làm cản trở dòng chảy của sông Hàn. Điều đó hoàn toàn đúng về mặt định tính, nhưng xin Quý vị hãy xác định về định lượng. Cụ thể cây tháp đó “mọc” trên bao nhiêu trụ, đường kính mỗi trụ là bao nhiêu, các trụ đó chắn mất bao nhiêu % bề rộng của sông Hàn, từ đó tính ra tốc độ dòng chảy sẽ tăng thêm bao nhiêu %, sức cản là bao nhiêu, so sánh với sự cản trở của các trụ cầu trên sông Hàn, xem bên nào cản trở nhiều hơn, xem bên nào gây xói lở cho hạ lưu lớn hơn. Chúng tôi tin rằng những người phản biện chân chính chắc chắn biết làm bài tính này và kết quả phép tính sẽ hết sức thuyết phục chứ không phải mang tính “chém gió”.
Hai là, cây Hải Đăng sẽ làm hỏng không gian kiến trúc của thành phố, làm mất tính thơ mộng của dòng sông Hàn. Xin nói rằng, đó là những lời “phán” hết sức võ đoán. Hãy chứng minh bằng lý luận và thực tiễn, thì mới có sức thuyết phục. Thật tình chúng tôi không thể hình dung được cái tháp tương lai sẽ ảnh hưởng thế nào đến không gian chung quanh. Nhưng xét theo kinh nghiệm lịch sử, thì thử hỏi tại sao người Ai Cập thời xưa đã xây tháp Alexandria, đã trở thành một trong 7 kỳ quan của thế giới, mà không ai bảo là làm hỏng cảnh quan kiến trúc, trong khi ngày nay, khi mô phỏng theo tháp cổ Alexandria lại bị coi là làm hỏng cảnh quan?. Người Trung Quốc xưa xây lầu Hoàng Hạc, ngôi tháp lịch sử, được cất bên bờ sông Dương Tử, thuộc thành phố Vũ Hán, được xem là một trong bốn tứ đại danh tháp của Trung Quốc và là ngôi lầu nổi tiếng được các thi nhân ca tụng. Lầu Hoàng Hạc đầu tiên được xây dựng vào thời Tam Quốc (223 Tây Lịch). Đến nay suốt 1792 năm đã 12 lần bị thiêu hủy, 12 lần xây cất lại, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn. Tại sao người ta không nói Lầu Hoàng Hạc làm hỏng cảnh quan, tại sao người ta phải 12 lần xây dựng lại, sau mỗi lần bị phá hủy hoặc đổ nát.
Thứ ba, nhiều Vị đòi hỏi đặt tên theo đúng công năng tòa tháp, chứ không được đặt tên “Hải Đăng”, chúng tôi nghĩ đòi hỏi này hết sức vô lý. Chẳng hạn, ở Hà Nội có tháp Rùa, đó chỉ là tên của tháp, chứ đâu phải tháp đó để nuôi Rùa!, tòa tháp tài chính Bitexco có độ cao 262m gồm 68 tầng cao nhất Đông Dương, cao thứ 110 thế giới, đâu phải là để riêng cho Tập đoàn Bitexco làm tài chính, tòa nhà “Sai Gon Times Square” chẳng lẽ là để chứa cái “quãng trường thời gian” của Sài Gòn?

Thứ tư, có những Vị lo tòa tháp Hải Đăng sẽ làm ô nhiễm dòng sông vì chất thải của khách sạn, hoặc khách sạn sẽ gây tắc nghẽn giao thông khu vực xung quanh. Thực ra với trình độ xây dựng khách sạn ngày nay, những vấn đề đó sẽ được giải quyết một cách dễ dàng, không phải là một lý do để phủ nhận việc xây khách sạn.

No comments:

Post a Comment