Tuesday, April 21, 2015

Tấm bản đồ quyết tâm thống nhất đất nước

Báo VnExpress, ngày 21.04/2015,         http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tam-ban-do-quyet-tam-thong-nhat-dat-nuoc-3203698.html,         Những mũi tên đỏ trên bản đồ thể hiện đường tiến công của các cánh quân để hợp điểm giữa Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Đến nay, những người làm nên tấm bản đồ hầu như đã về với đất, bản đồ cũng bị sờn rách, nhưng quyết tâm thống nhất đất nước vẫn còn in rõ.

Trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Điện Biên Phủ, Hà Nội), ngoài hai chiếc MIG số hiệu 4324 và 5121 và xe tăng 843 còn có tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh được công nhận bảo vật quốc gia. Được làm bằng giấy, bản đồ dài 185,5 cm, rộng 170 cm, can 12 mảnh đã sờn các đường gấp, rách một số chỗ, nhưng hình vẽ mũi tên màu đỏ thể hiện mũi tiến công của các cánh quân tiến về Sài Gòn thì vẫn còn khá rõ nét.
bando.jpg
Tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh được làm tại Sở chỉ huy chiến dịch đóng ở Tà Thiết, Lộc Ninh (Tây Ninh). Ảnh: Bảo tàng LSQSVN.
Trên bản đồ có chữ "Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh", phía dưới góc bên phải có chữ viết tay Làm tại Chỉ huy sở, ngày 22/4/1975, dưới có chữ ký của Tư lệnh chiến dịch là Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chính ủy Phạm Hùng. Đây là tấm bản đồ quyết tâm duy nhất có chữ ký của tư lệnh và chính ủy chiến dịch.
Tấm bản đồ được cố Đại tướng Văn Tiến Dũng rất quý, luôn mang theo trong chiếc cặp đựng tài liệu. Năm 1990, đại tướng trao cho bảo tàng 21 hiện vật, trong đó có nhiều kỷ vật gắn liền với cuộc đời chinh chiến của ông, như ống nhòm, que chỉ bản đồ, các bức điện và cả bản đồ quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhớ đến thời còn làm việc tại tổng hành dinh nhà D67, Khu A, Bộ Quốc phòng, đại tá Trần Đức Báu, nguyên thư ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng cho hay: "Đại tướng luôn dặn tôi phải giữ cẩn thận vì đây là tấm bản đồ có chữ ký của anh ấy và anh Bảy (bí danh của ông Phạm Hùng) cùng bộ chỉ huy chiến dịch. Nó có ý nghĩa lịch sử quan trọng, cần được bảo lưu lâu dài".
Từng là thư ký quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng, thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu nay đã gần 90 nhưng vẫn còn minh mẫn, cho hay ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh và thông qua phương án chiến dịch lần cuối cùng. Một ngày sau, các cán bộ tác chiến của Bộ tư lệnh chiến dịch bắt tay thực hiện tấm bản đồ này.
Đại tá Nguyễn Thới Bưng, đại tá Vũ Long và một số cán bộ theo dõi chiến trường có nhiệm vụ tổng hợp tình hình quân sự rồi thể hiện ra bằng các mũi tiến công trên nền tấm bản đồ miền Nam. "Các anh gấp rút làm ngày đêm, vừa nghiên cứu vừa thể hiện trên bản đồ. Khó khăn nhất là phải vẽ cho chuẩn xác các hướng tiến công, lực lượng tiến đánh đến đâu, qua những vị trí nào. Chỉ cần vẽ quá một ly trên bản đồ là sai lệch cả chục km ở ngoài thực tế", tướng Dũng cho hay.
IMG-5442.jpg
Các mũi tên đỏ trên bản đồ thể hiện các hướng tiến công của quân giải phóng vào trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Phương.
Bản đồ được làm ngay trong Sở chỉ huy chiến dịch, khi đó đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh (nay là tỉnh Bình Phước) từ ngày 15/4 đến 21/4/1975 dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng cùng Bộ chỉ huy chiến dịch. Phòng tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam có nhiệm vụ theo dõi diễn biến của chiến trường, tổng hợp tình hình và lên kế hoạch tác chiến. Sau khi hoàn thành, tấm bản đồ được Bộ chỉ huy duyệt đi duyệt lại nhiều lần và thông qua lần cuối vào ngày 21/4/1975.
Tấm bản đồ dễ quan sát, dễ hiểu, thể hiện toàn bộ kế hoạch tác chiến của chiến dịch ở 3 vấn đề: lực lượng, hướng đánh, mục tiêu. Những mũi tên màu đỏ thể hiện hướng tiến công của các quân, binh chủng, đơn vị vào Sài Gòn theo 5 hướng:
Hướng Bắc: Lực lượng hướng này đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, tiêu diệt Sư đoàn 5 quân lực Việt Nam Cộng hòa, tiếp đó đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu.
Hướng Đông Nam: Do Quân đoàn 2 đảm nhận, đánh chiếm Bà Rịa, căn cứ Nước Trong, Long Bình, chặn đường rút chạy của quân Việt Nam Cộng hòa trên sông Lòng Tàu, sau đó phát triển vào nội thành cùng quân đoàn 4 đánh chiếm Dinh Độc lập.
Hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3 đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu.
Hướng Đông: Quân đoàn 4 tiêu diệt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 và sư đoàn 18 quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào nội thành, chiếm Dinh Độc Lập.
Hướng Tây Nam: Đoàn 232 có nhiệm vụ tiêu diệt Sư đoàn 25, cắt đường số 4 rồi đánh thọc sau chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát.
Ở vùng ven thành phố, các đơn vị đặc công và lực lượng vũ trang tại chỗ có nhiệm vụ đánh và giữ các cầu quan trọng, dẫn đường cho các binh chủng chủ lực đánh chiếm những mục tiêu ở nội thành, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở.
Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn nhất của các đơn vị bộ đội trong suốt 21 năm kháng chiến. Cách đánh được xác định là đánh sao cho thành phố ít bị tàn phá nhất, người dân ít bị thiệt hại về tính mạng, tài sản và cuộc sống thành phố phải mau trở lại bình thường.
IMG-5438.jpg
Dưới góc tấm bản đồ có chữ ký của tư lệnh và chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Phương.
Sau khi tấm bản đồ hoàn thành, các đơn vị lần lượt đến sở chỉ huy nhận nhiệm vụ tiến công theo từng hướng. Ngày 29/4/1975, bộ đội trên 5 hướng nổ súng tiến công vào nội thành Sài Gòn, theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Những mũi tên đỏ như được tô đậm thêm, kéo dài thêm, tiến dần về hướng nội đô, bao vây lấy Sài Gòn.
Theo kế hoạch đã định, 5h30 sáng 30/4/1975, các mũi tên đỏ đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng cánh quân phía Đông của tướng Lê Trọng Tấn được nổ súng từ 18h ngày 29/4, sớm hơn "giờ G" gần 12 tiếng. Cánh quân này cách vùng ven dưới 20 km, phải vừa đánh vừa tiến quân, vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp các cánh quân khác. Như vậy, trên thực tế trận tiến công Sài Gòn – Gia Định bắt đầu từ 18h ngày 29/4/1975.
Trưa 30/4/1975, 5 cánh quân hợp điểm giữa Sài Gòn. Quân đoàn 2 chiếm dinh Độc Lập; Quân đoàn 4 chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh; Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu và khu vực các bộ tư lệnh các binh chủng; Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh như tấm bản đồ quyết tâm đã thể hiện hoàn thành thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện chúc mừng Tư lệnh Văn Tiến Dũng và bộ chỉ huy chiến dịch. "Hình ảnh các anh lãnh đạo, chỉ huy bộ đội ở chiến trường lúc này hiện về rõ nét. Chắc các anh đã nhiều đêm không ngủ. Chắc các anh cũng hân hoan, xúc động như chúng tôi ở ngoài này. Câu hátĐồng bào ơi ta đã về đây vang lên như ngày nào bộ đội ta tiến từ 5 cửa ô vào Hà Nội", hồi ký của đại tướng ghi rõ.
40 năm trôi qua, những người làm nên tấm bản đồ ngày ấy hầu như đã về với đất. Bản đồ cũng bị sờn rách vài nơi nhưng quyết tâm thống nhất đất nước vẫn còn in rõ. "Tấm bản đồ cũng là nơi thống nhất ý chí, quyết tâm của một dân tộc hết sức mong muốn hòa bình, không còn chiến tranh, không còn chia cắt, chỉ mong ước một ngày thống nhất. Đó là nguyện vọng thiết tha không phải của riêng ai", tướng Hoàng Dũng nói.
Hoàng Phương
 

No comments:

Post a Comment