Báo VietNamPlus, ngày 18/04/2015, http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-viet-nam-sau-40-nam-tai-thiet-duoi-goc-nhin-quoc-te/318325.vnp, Trên chặng đường dài kể từ khi thống nhất đất nước với không ít chông gai và thử thách, cả dân tộc Việt Nam đã chung tay tái thiết, phát triển nền kinh tế.
Dưới góc nhìn của quốc tế, Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển, với những thành tựu to lớn đã đạt được trong thời gian qua và với tiềm năng để trở thành một “con hổ” châu Á trong tương lai.
Liên hợp quốc: Việt Nam đã trải qua một thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng
Bài "Vài nét về Việt Nam" trên website của Liên hợp quốc đã tổng kết lại những thành công của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã chuyển sang tập trung tái thiết và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do sự tàn phá khốc liệt của nhiều năm chiến tranh, do những yếu kém về chính sách và môi trường quốc tế có nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài trong những năm 1970 và 1980.
Để vượt qua những khó khăn đó, quá trình Đổi mới đã được khởi xướng năm 1986, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung dựa trên sở hữu nhà nước sang một nền kinh tế nhiều thành phần dựa trên thị trường, dân chủ hoá đời sống xã hội thông qua việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, và tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác trên thế giới.
Theo Liên hợp quốc, nhờ thực hiện những cải cách nêu trên, Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Kể từ năm 1990, GDP của Việt Nam tăng gần gấp ba lần, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ước đạt 7,5% và liên tục tăng lên cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phần trăm dân số sống dưới chuẩn nghèo đã giảm từ con số ước tính 58% năm 1993 xuống dưới 12% năm 2009. Các nguồn lực phát triển trong nước đã tăng lên, thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng mạnh mẽ.
Liên hợp quốc cho rằng các Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội trong hai giai đoạn 1991-2000 và 2001-2010 đã giúp Việt Nam vươn mình từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một nền kinh tế dựa trên thị trường và phát triển nhanh chóng, ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng khu vực và toàn cầu.
Và Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn mới 2011-2020 hướng tới thiết lập một nền tảng cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2020.
Liên hợp quốc ghi nhận, những chiến lược và nỗ lực của Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng.
Nhìn chung, những tiến bộ đạt được của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách kinh tế được duy trì liên tục, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới và một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
WB: Việt Nam là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển
Trong "Tổng quan về Việt Nam" trên website của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá công cuộc Đổi mới kinh tế và chính trị bắt đầu triển khai từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 25 năm với thu nhập đầu người lên tới 1.960 USD năm 2013.
Việt Nam đã hoàn thành bốn trong 10 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và dự kiến sẽ hoàn thành thêm ba mục tiêu nữa trong năm 2015. Trong một vài thập niên vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận về giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ người nghèo đã giảm xuống dưới 10% từ mức 60% trong thập niên 1990.
Theo WB, trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,4%/năm. Tuy tăng trưởng kinh tế còn thấp và nằm dưới mức tiềm năng nhưng Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát giảm từ mức đỉnh 23% vào thời điểm tháng 8/2011 xuống còn 4,2% tháng 8/2014. Xuất khẩu vẫn là cỗ máy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
WB lưu ý đến việc Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam tập trung vào cải cách cấu trúc, bền vững môi trường, bình đẳng xã hội cũng như các vấn đề mới nổi trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tổng quát với Việt nam là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
WB đề cập đến Nghị quyết của Chính phủ ban hành sau phiên họp thường kỳ tháng 8/2014, trong đó một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng sáng tạo, cải cách hành chính và chống tham nhũng.
ADB: Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất kể từ năm 1990
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990 và đạt thu nhập trung bình vào năm 2010. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã suy giảm từ mức trung bình 7,3% trong những năm 2000-2007 xuống 5,7% trong 2008-2013, do những cải cách cơ cấu diễn ra chậm và tình trạng thiếu ổn định trên toàn cầu. ADB khuyến khích chính phủ nhắm tới mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt 7-8% trở lại trong những năm tới.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói rằng để củng cố những thành tựu đạt được và phục hồi tăng trưởng kinh tế cao và toàn diện, các cải cách cơ cấu, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng, cần được đẩy mạnh, trong khi chính phủ cũng cần quản lý nợ công bằng cách tăng nguồn thu thuế và hợp lý hóa các khoản chi tiêu công.
Ông Nakao đã chỉ ra rằng khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập trung bình. Theo ông, Việt Nam cần khai thác tối đa những lợi ích từ việc hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng Kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các thỏa thuận thương mại tự do.
Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2015 mới công bố của ADB nhấn mạnh, trong ngắn hạn Việt Nam cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng, vạch chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề nợ xấu, tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này.
Báo cáo nhận định, khu vực tư nhân là động lực chính giải phóng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để khai thác tối đa tiềm năng cho tăng trưởng.
Bloomberg: Việt Nam có tiềm năng để trở thành “con hổ” châu Á
Theo hãng tin Bloomberg, công cuộc Đổi mới bắt đầu vào những năm 1980 đã đ ưa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt mức 7%. Sau những năm gần đây tăng trưởng giảm sút khi các doanh nghiệp nhà nước đứng trước khối nợ xấu, tiền đầu tư từ các tập đoàn như Samsung Electronics Co. and Intel Corp. đang tạo ra những thế mạnh để kinh tế Việt Nam một lần nữa cất cánh, trở thành “con hổ” của châu Á.
Hãng tin trên dẫn báo cáo “Thế giới năm 2050” của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP (PwC), trong đó cho rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2014-2050.
Theo báo cáo của PwC, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt nhịp độ 5,3% trong giai đoạn 2014-2050, trong khi mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4%.
PwC cho rằng không chỉ là quốc gia Đông Nam Á có lợi thế về chi phí sản xuất rẻ hơn thay thế nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam còn là điểm đến ổn định về chính trị cho những doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn mở rộng đầu tư trong khu vực trong bối cảnh xảy ra những bất đồng Trung-Nhật.
Bloomberg đã chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu của sự bứt phá: Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về xuất khẩu sang Mỹ.
Theo số liệu của Cơ quan Đầu tư nước ngoài, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng mạnh trong 14 năm qua, đạt 12,35 tỷ USD vào năm 2014, tăng 7,4% so với năm 2013 và so với 2,4 tỷ USD vào năm 2000.
Bloomberg cũng đề cập đến việc các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những vấn đề gai góc nhất của nền kinh tế như nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với kế hoạch mà một quan chức Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nói đến trong một cuộc phỏng vấn mới đây là sẽ bán một lượng cổ phiếu kỷ lục trong doanh nghiệp nhà nước trong năm nay./.
Lê Minh
No comments:
Post a Comment