PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trao đổi với Đất Việt về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 300%.
PV: - Từ ngày 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ tăng lên 300% để ‘bù một phần giảm thu ngân sách’. Bộ Tài chính cam kết khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường, cơ bản vẫn giữ giá xăng dầu không có biến động tăng đột biến.
Cá nhân ông lạc quan bao phần với lời trấn an của Bộ Tài chính bởi từ trước tới nay, người dân dường như đã quen với chuyện giá tăng thì nhanh, giảm thì nhỏ giọt?
PGS.TS Trần Văn Ngãi: - Khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu làm sao mà không tăng giá được? Vấn đề ở chỗ, ai sẽ là người nộp thuế? Đó là người bán xăng dầu và khi nộp thuế chắc chắn họ sẽ cộng thêm chi phí vào, lúc ấy giá xăng dầu sẽ tăng lên.
Khi giá cả thế giới dao động, nếu thả thị trường tự do, giá xăng dầu trong nước sẽ dao động theo nhưng chắc chắn người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn so với trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường. Nghiêm trọng hơn, khi giá xăng tăng nó sẽ kéo giá của tất cả các loại hàng hoá tăng theo và lạm phát. Đây là điều không thể tránh khỏi bởi đầu vào của xăng dầu dù trực tiếp hay gián tiếp vẫn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.
Nhiều chuyên gia lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 300% có hiệu lưc từ 1/5 |
PV: - Theo ông, mục tiêu "bù một phần giảm thu ngân sách" sẽ đạt được ở mức độ nào, với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu? Đứng ở góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông, tăng nguồn thu từ người dân có phải là biện pháp tối ưu để "bù thu ngân sách" hay không và vì sao?
PGS.TS Trần Văn Ngãi: - Nếu xét phần nào mục tiêu này có thể đúng nhưng nó xa vời quá! Nếu xét ngược lại, không tăng thuế bảo vệ môi trường, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp không bị tăng cao thì hiệu quả sản xuất cũng cao hơn, khi ấy doanh nghiệp có cơ hội đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước.
Tôi cho rằng, lập luận tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để bù một phần giảm thu ngân sách không chặt chẽ. Nếu nói rằng cần thiết phải tăng thu loại thuế này để đầu tư, cải thiện môi trường, mà môi trường này bị ô nhiễm do việc sử dụng xăng dầu gây ra thì tăng thuế là hợp lý. Khi ấy, người ta sẽ hạn chế sử dụng xăng dầu đồng thời ngân sách có thêm nguồn thu để chi trở lại giải quyết vấn đề môi trường.
Đương nhiên khi tăng thuế lên, nhà nước có được một cục tiền nhưng tác động tiêu cực đối với xã hội, với nền kinh tế phải đo lường thêm vì giá xăng dầu tăng sẽ gây tác động dây chuyền và cuối cùng người dân phải gánh chịu.
Nhắc đến bội chi ngân sách có hai vấn đề là thu và chi. Phải coi lại cơ cấu thu chi đã hợp lý, hiệu quả hay chưa, rà soát kỹ lại thu từ nguồn nào, tiềm năng còn thu được những gì, giảm chi những khoản nào chưa hợp lý, khoản nào cần thiết phải giảm chi...
Đành rằng không được để bội chi ngân sách quá nhiều nhưng cũng đừng quá lo lắng, nặng nề chuyện này bởi điều quan trọng là, việc bội chi ấy là chi cho cái gì, có hiệu quả hay không. Nếu chi cho những mục hiệu quả trong ngắn hạn hoặc dài hạn thì cũng phải sẵn sàng chấp nhận. Nếu sợ bội chi ngân sách mà tăng thuế lên thì giá xăng dầu chắc chắn sẽ đội lên, gây tổn hại toàn bộ nền kinh tế.
PV: - Đành rằng người dân sẵn sàng góp sức giải quyết khó khăn cùng nhà nước. Tuy nhiên, điều khiến họ không yên tâm là sự thiếu minh bạch của Petrolimex. Petrolimex liên tục kêu lỗ, thậm chí Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 đã được kiểm toán của tập đoàn này cho thấy, Petrolimex lỗ hơn 9 tỉ đồng, không phải lãi 4,8 tỉ đồng như báo cáo chưa soát xét đã công bố trước đó.
Điều này khiến người dân không tin tiền họ đóng góp cho nhà nước sẽ đến đúng địa chỉ. Ông có chia sẻ với những băn khoăn của người dân hay không? Vì sao trong suốt thời gian dài Petrolimex lại luôn nhập nhèm lãi lỗ mà không bị chấn chỉnh?
PGS.TS Trần Văn Ngãi: - Tôi chưa được tiếp cận những thông tin về tài chính của Petrolimex nhưng nếu tập đoàn này lỗ thì phải đi sâu vào tìm hiểu tại sao họ lỗ, lỗ do cái gì?
Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu chỉ tập trung kinh doanh xăng dầu thì khó mà lỗ được. Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với một mức giá nhất định, cộng thêm các chi phí khác rồi bán ra thị trường, nghĩa là doanh nghiệp chủ động hoàn toàn, tại sao lại lỗ? Trừ trường hợp Petrolimex kinh doanh thêm mặt hàng nào đó thua lỗ, kéo vào cả tập đoàn lỗ thì đó lại là vấn đề khác.
Bởi vậy, cần có cơ quan kiểm toán nhà nước vào cuộc để phân tích chi tiết, có con số cụ thể, thông tin chắc chắn để từ đó đưa ra giải pháp.
Đối với câu hỏi tại sao trong suốt thời gian dài Petrolimex luôn nhập nhèm lãi lỗ mà không bị chấn chỉnh, tôi cũng từng đặt ra. Nếu Petrolimex luôn kêu lỗ thì phải xem lại năng lực kinh doanh của doanh nghiệp và người lãnh đạo. Để lỗ kéo dài thì không thể chấp nhận cho tồn tại được, phải cấu trúc ngay lại doanh nghiệp.
Việt Nam đang tiến theo cơ chế thị trường, nhà nước không thể bù lỗ cho doanh nghiệp mãi được, do đó doanh nghiệp bắt buộc phải đương đầu với thị trường. Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước, nếu hoạt động không hiệu quả thì nhà nước cần phải xem xét lại.
Hiện nay Việt Nam đã có hướng đi khá tích cực khi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, dần chuyển sang công ty cổ phần, thậm chí chia nhỏ ra để hoạt động hiệu quả hơn.
PV: - Còn nhớ, Thủ tướng đã có chỉ thị xem xét trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn làm ăn thua lỗ. Trong trường hợp Petrolimex "trường kỳ" kêu lỗ như trên, vấn đề này nên được xem xét và xử lý thế nào?Theo ông, nếu kiên quyết với Petrolimex, cái lợi đạt được sẽ như thế nào?
PGS.TS Trần Văn Ngãi:- Chính sách, đường lối đã có rồi, phải làm khẩn cấp ngay. Phải tính toán lại: nếu hiệu quả thì tồn tại, bằng không phải tìm phương án khác, không thể kéo dài như vậy được.
Đương nhiên, nếu kiên quyết với Petrolimex thì hiệu quả đầu tiên đạt được sẽ là doanh nghiệp tiến tới không thể lỗ được, lỗ kéo dài là xử lý luôn. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ có lợi cho đất nước bởi họ đóng thuế, sử dụng đồng vốn hiệu quả, không chỉ riêng với Petrolimex mà với tất cả doanh nghiệp khác.
- Thành Luân
No comments:
Post a Comment