Tuesday, April 14, 2015

Nỗi ám ảnh 26 năm của ông Putin

Báo Đất việt, ngày 14/04/2015,     http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/noi-am-anh-26-nam-cua-ong-putin-3242780/,       15 năm qua, Tổng thống Putin luôn cứng rắn với cách mạng màu ở Nga. Điều đó xuất phát từ một nỗi ám ảnh…

Cứng rắn dập tắt bạo loạn
Kể từ khi ông Putin lên cầm quyền cuối năm 1999, phương Tây đã không ngừng thúc đẩy “Cách mạng màu” ở Nga. Tuy nhiên, chiến lược này không thể thành công bởi Tổng thống Putin không cho phép “đốm lửa nhỏ” bùng lên thành “ngọn lửa lớn”.
Nhắc lại vụ Quảng trường Bolotnaya ngày 6-5-2012. “Cuộc tuần hành triệu người” ở Moscow - hoạt động xuống đường của các phe phái đối lập Nga (có đăng ký trước) nhưng nhằm mục đích kích động bạo lực, khởi đầu trong hòa bình và kết thúc bằng những cuộc xô xát.
Kịch bản này không khác gì so với vụ chính biến ở Quảng trường Độc Lập - Ukraine, do Mỹ và phương Tây giật dây. Tuy nhiên, kết cục của chúng khác nhau. Ông Putin đã dẹp yên được âm mưu bạo loạn cả các phe phái đối lập, còn Maidan Kiev đã khiến Tổng thống Ukraine Yanukovych đã phải chạy trốn khỏi đất nước mình.
“Cuộc tuần hành triệu người" được phe đối lập lên kế hoạch trước dưới hình thức một hành động khiêu khích có chuẩn bị và tính toán kỹ, không hề là một sự kiện tự phát. Một số lượng lớn bình xịt, pháo bông, bom xăng và những thứ khác đã được chuẩn bị sẵn sàng cho bạo loạn.
Các nhà tổ chức cuộc diễu hành này còn tuyển người làm lá chắn sống, sử dụng họ nhằm tổ chức những hành động cực đoan mù quáng, để sau đó đổ lỗi cho cảnh sát về những gì đã xảy ra. Kịch bản này tương tự như cuộc bạo loạn trên quảng trường Độc Lập ở Ukraine.
Và ông Putin đã ra lệnh cho cảnh sát “hành động chính xác” để dập tắt nguy cơ bạo loạn này. Sau cuộc mít tinh với sự tham gia của từ 50.000 đến 100.000, được tổ chức ngay trước ngày Tổng thống Putin nhậm chức, đã có hơn 400 người đã bị bắt và hàng chục người bị thương.
Một số ý kiến đánh giá hành động của cảnh sát chống người biểu tình là “hung bạo” nhưng người phát ngôn của cảnh sát Moscow khẳng định rằng, cơ quan an ninh đã không vượt quá thẩm quyền và chỉ hành động với mục đích “gìn giữ trật tự mà các nhà tổ chức biểu tình tìm cách phá vỡ”.
Ông Putin không bao giờ nhân nhượng trước các cuộc biểu tình âm mưu bạo loạn
Ông Putin không bao giờ nhân nhượng trước các cuộc biểu tình âm mưu bạo loạn
Sau khi cựu Phó Thủ tướng, lãnh đạo đối lập Nga Boris Nemtsov bị ám sát ngày 27-2 vừa qua, chính quyền thủ đô Moscow đã cho phép các đảng đối lập và quần chúng nhân dân Nga tổ chức cuộc tuần hành tưởng niệm ông Nemtsov tại trung tâm thành phố vào ngày 1 tháng 3.
Trước khi cuộc tuần hành diễn ra vào lúc 15h00, với số lượng khoảng 21.000 người trên tổng số 50 ngàn người được phép tham gia, đã có nhiều ý kiến lo ngại nó sẽ biến thành một cuộc biểu tình bạo loạn bởi tâm lý kích động của phe đối lập. Tuy nhiên, cuộc tuần hành đã diễn ra “rất hòa bình”.
Trong quá trình tuần hành cũng đã có những biểu hiện đáng nghi vấn của sự kích động bạo lực khi cảnh sát đã bắt giữ khoảng vài chục người theo chủ nghĩa dân tộc bịt mặt, mang cờ phát xít tham gia cuộc tuần hành.
Trong cuộc tuần hành có những người mang theo các khẩu hiệu kêu gọi chính quyền Nga trả tự do cho nữ phi công Ukraine Nadezhda Savchenko, bị Moscow bắt giam vì cáo buộc có liên quan tới vụ giết hại các nhà báo Nga ở Donbass.
Sự việc nhìn thì đơn giản nhưng để bảo đảm an toàn tuyệt đối, vài chục nghìn cảnh sát Nga đã được huy động với những biện pháp tăng cường an ninh nghiêm ngặt nhất khiến những phần tử quá khích không thể hoành hành trong buổi lễ.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình cho việc ông Putin không dung thứ cho các cuộc biểu tình, bạo loạn. Nó không chỉ xuất phát từ nguyên nhân Nga phải phá những âm mưu “Cách mạng màu” mà còn bắt nguồn từ những ký ức đau buồn mà ông Putin đã từng chứng kiến 26 năm trước đây.
Putin và nỗi ám ảnh 26 năm qua
Ngược dòng quá khứ một đêm mùa đông giá lạnh 26 năm trước, chàng sĩ quan trẻ có vóc dáng nhỏ bé V. Putin đã một mình đối diện với đám đông giận dữ gồm khoảng 5.000 người tập trung trước cửa Bộ An ninh quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức (Stasi) tại Dresden.
Năm 1989, thế giới chứng kiến những thay đổi chấn động. “Bức tường Berlin” - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh sụp đổ vào tháng 11, phong trào xuống đường biểu tình đòi dân chủ lan khắp hang cùng ngõ hẻm ở Đông Đức. Người biểu tình bao vây mọi cơ quan công quyền, trong đó có cả những cơ quan của Liên Xô.
Cảnh sát đặc nhiệm Omon của Nga trấn áp các phần tử quá khích
Cảnh sát đặc nhiệm Omon của Nga trấn áp các phần tử quá khích
Đêm ngày 5-12-1989, những người biểu tình phẫn nộ la hét, đập phá, trèo tường đột nhập và kiểm soát trụ sở Bộ An ninh quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức tại Dresden - cách tòa nhà văn phòng KGB của Liên Xô vẻn vẹn không đầy 100m - mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào.
Sau khi chiếm trụ sở Stasi một cách dễ dàng, một nhóm vài chục người trong đám đông biểu tình lao sang đòi chiếm cả tòa nhà của KGB. Dù đêm đã khuya nhưng tòa nhà của KGB vẫn sáng đèn. Khi nhóm biểu tình tiến đến, họ nhìn thấy các nhân viên bảo vệ vội vàng chạy vào trong.
Sau đó một lúc, một người đàn ông mặc quân phục, dáng người hơi gầy, chiều cao trung bình đi cùng một người lính bước ra, tiến đến gần cánh cổng và cảnh cáo đám đông không được đột nhập vào trụ sở bởi nó đã được bảo vệ chặt chẽ.
Dù có giọng nói có đôi chút "lơ lớ" nhưng người đàn ông mặc quân phục nói tiếng Đức rất chuẩn xác, âm điệu nhỏ nhưng rất cương quyết. Người lính mang súng đứng bên cạnh không nói một lời nhưng thái độ của anh ta cho thấy, súng có thể nổ bất cứ lúc nào.
Đám đông biểu tình hết sức ngạc nhiên trước lời cảnh cáo. Họ thoáng chút ngần ngừ và sau đó bỏ đi. Cuộc đối đầu diễn ra trong vòng vẻn vẹn có 5 phút và nếu không dẹp được đám đông đó, những người biểu tình khác kéo đến, tình hình sẽ căng thẳng hơn rất nhiều.
Anh Zigfrid Danats - kỹ sư của một viện nghiên cứu khoa học nhà nước vào thời đó kể lại: “Một sĩ quan trẻ không vũ khí đã dùng lời nói của mình để bắt đám đông phải rút lui. Điều đó nói lên rằng anh ta có một quyền lực vô hình trước mọi người”.
10 năm sau, khi các phương tiện truyền thông Nga đưa tin về người kế nhiệm của Tổng thống Boris Yeltsin, Zigfrid và những người biểu tình có mặt tại trụ sở KGB đêm ngày 5-12-1989 mới biết mình đã đối đầu với Tổng thống Nga sau này - cựu sĩ quan KGB Vladimir Putin.
Chàng sĩ quan trẻ V. Putin thời hoạt động ở Đông Đức
Chàng sĩ quan trẻ V. Putin thời hoạt động ở Đông Đức
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2000,  Tổng thống Putin đã nhắc lại chuyện đó và nói rằng, đám đông đã bao vây tòa nhà của KGB, mối đe dọa rất nghiêm trọng nên các nhân viên Liên Xô bắt buộc phải sẵn sàng ngăn cản các hành động manh động.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và các cơ quan quân sự Liên Xô nhận lệnh án binh bất động, Putin cùng với các đồng nghiệp của mình nhận thấy rằng, Cộng hòa Dân chủ Đức đã đến ngày kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình và bắt đầu tiêu hủy tài liệu.
Khi những người biểu tình xuất hiện cũng là lúc các nhân viên đang hủy tài liệu nên không thể để cho họ lọt vào bên trong. Sau khi giải tán được đám đông, ông Putin đã gọi điện xin lực lượng quân đội Liên Xô đồn trú tại đây trợ giúp.
Bên quân đội trả lời ông rằng họ không thể triển khai bất cứ hoạt động gì nếu chưa có chỉ đạo từ lãnh đạo Liên Xô. Nhưng Moscow vẫn im lặng. Vào lúc đó, ông Putin linh cảm rằng kết cục xấu của Đông Đức cũng có thể sẽ đến với Liên Xô.
Ở Dresden, Putin đã chứng kiến hình ảnh một đám đông người biểu tình đầy phẫn nộ đứng lên đập phá tất cả, phế bỏ chính quyền. Kết cục bi thảm này trước đó vài năm không ai có thể nghĩ tới.
Những những sự kiện xảy ra tại Dresden đã cho vị Tổng thống tương lai của Nga thấy rằng, không nên mạo hiểm đặt vận mệnh đất nước vào tay một đám đông bị kích động mất hết lý trí.
Vì thế, mỗi lần đối diện với đám đông “mất hết lý trí”, trước mắt Putin lại hiện ra ký ức Dresden. Và điều đó giải thích tại sao ông chấp nhận các hậu quả xấu để áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với các cuộc biểu tình tại Nga và giải quyết vấn đề Ukraine.
  • Thiên Nam

No comments:

Post a Comment