Bản chất mối quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng là mối quan hệ hợp đồng, hơn nữa, đó là một loại hợp đồng vay tài sản “đặc biệt” với đối tượng vay là tiền. Ảnh minh họa: UYÊN VIỄN
Nhóm các giao dịch gửi tiền vào Vietinbank
Một cách khái quát, trong vụ án Huyền Như, có các giao dịch dân sự sau đây: (1) ACB ủy thác cho nhân viên của mình, (2) các nhân viên của ACB (được ủy thác) gửi tiền vào Vietinbank, (3) Navibank cho nhân viên của mình vay, (4) nhân viên của Navibank (được vay tiền) gửi tiền vào Vietinbank, và (5) nhóm năm công ty nói trên gửi tiền vào Vietinbank.
Đối với giao dịch (5), VKS đánh giá rằng đây là giao dịch hợp pháp, hợp lệ vì nhóm 5 công ty này được phép gửi tiền vào ngân hàng; việc mở tài khoản, ký kết hợp đồng tiền gửi đều thoả mãn tính hợp pháp, hợp lệ. VKS khẳng định tiền của khách hàng gửi vào tài khoản thanh toán là tiền huy động vốn của Vietinbank và gọi quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng trong trường hợp này là “quan hệ gửi - giữ”. Huyền Như chiếm đoạt tiền của họ diễn ra “bên trong” VietinBank, chính VietinBank để mất tiền của khách hàng; do đó theo VKS, ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường.
Người viết bài này ủng hộ hầu hết lập luận nêu trên của VSK, trừ nhận định quan hệ tiền gửi là “quan hệ gửi - giữ tài sản”. Thực chất, đây phải là “quan hệ vay tài sản”. Hệ quả của nó là tiền gửi thuộc quyền sở hữu của ngân hàng và ngân hàng phải chịu rủi ro với tư cách chủ sở hữu.
Đối với giao dịch (1) và (3), rõ ràng việc ủy thác của ACB vi phạm pháp luật; Navibank cho vay cá nhân để họ gửi vào ngân hàng khác cũng vi phạm Quy chế cho vay 1627. Do đó, hai giao dịch này đều vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật (điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 - BLDS 2005).
Vấn đề ở đây là giao dịch (1) và (3) vô hiệu có làm cho giao dịch (2) và (4) lần lượt diễn ra sau đó vô hiệu không? Nếu câu trả lời là “không” - nghĩa là giao dịch (2) và (4) vẫn có giá trị pháp lý - thì về mặt logic, VKS cũng phải có kết luận tương tự như trong trường hợp giao dịch (5). Cụ thể, trong tình huống đó, VKS sẽ phải yêu cầu VietinBank hoàn trả tiền đã gửi cho các nhân viên ACB/Navibank vì các cá nhân này cũng đều mở tài khoản một cách hợp pháp tại VietinBank và tiền cũng đã được chuyển vào tài khoản đó. Sau đó, họ sẽ phải hoàn trả lại cho ACB/Navibank theo điều 137 BLDS 2005 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu.
Thực tế, VKS cho rằng VietinBank không có trách nhiệm đó với lý do là “hai ngân hàng này vì lợi ích cục bộ, bất chấp pháp luật, nên mới bị Huyền Như dẫn dụ, chiếm đoạt tiền”. Điều này cho thấy VKS không nhìn nhận giá trị pháp lý của giao dịch (2) và (4) vì lý do giao dịch (1) và (2) trước đó đã vô hiệu.
VKS đã tự mâu thuẫn
VietinBank có nghĩa vụ phải hoàn lại số tiền gốc mà nhân viên ACB/ Navibank đã gửi vào VietinBank, không phụ thuộc vào việc đánh giá ACB/Navibank ủy thác/cho vay đối với các nhân viên của mình có vi phạm pháp luật hay không. |
Trước hết, cần lưu ý là việc phân tích ACB/Navibank có vi phạm pháp luật hay không không làm thay đổi một sự thật là tiền của các nhân viên ACB/Navibank đã được đặt dưới sự kiểm soát của VietinBank y như trường hợp của nhóm năm công ty. Các giao dịch tiền gửi giữa VietinBank và nhân viên ACB/Navibank vẫn phải được xem là thành công cho đến thời điểm bị tuyên bố vô hiệu (nếu có). Giữa hai thời điểm đó, Huyền Như đã thực hiện hành vi lừa đảo - chiếm đoạt tiền ngay “trên tay” VietinBank. Thậm chí nếu hành vi lừa đảo diễn ra sau giai đoạn đó thì VietinBank cũng phải chịu rủi ro bởi họ phải có trách nhiệm hoàn trả cho bên kia đúng những gì đã nhận.
Nhưng lập luận của VKS đã tỏ ra thiếu thuyết phục và mâu thuẫn. Đối với nhóm năm công ty thì VKS nhìn nhận sự thật trên, gọi hành vi lừa đảo của Huyền Như diễn ra “bên trong” VietinBank; còn đối với ACB/Navibank thì VKS không thừa nhận hay bỏ qua sự thật này và gọi hành vi lừa đảo diễn ra “bên ngoài” VietinBank, làm như thể VietinBank chưa hề nhận tiền của ACB/Navibank. VKS từng nói rằng “nếu VietinBank thực hiện đúng nghiệp vụ ngân hàng thì không ai có thể lấy được tiền của khách hàng ngoài chính khách hàng”, nhưng họ lại chỉ áp dụng điều đó cho nhóm năm công ty còn ACB/Navibank thì không.
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình
Điều 138 của BLDS 2005 quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau: “Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này”.
Qua bốn giao dịch nêu trên thì có thể nhận thấy: (i) tài sản giao dịch là tiền - một loại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu; (ii) giao dịch (2) và (4) là các giao dịch làm chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho VietinBank - người thứ ba ngay tình, người mà pháp luật không buộc phải biết về nguồn gốc số tiền gửi. Như vậy theo điều luật này thì giao dịch (2) và (4) phải có hiệu lực và được bảo hộ. Kết luận này trái ngược với quan điểm của VKS như phân tích ở trên.
Nếu lập luận rằng bốn giao dịch trên (trừ giao dịch thứ 5) được tạo ra nhằm che giấu hai giao dịch “thực”- giao dịch tiền gửi có kỳ hạn giữa ACB/Navibank và VietinBank thì đến lượt mình, hai giao dịch này cũng vô hiệu “do vi phạm điều cấm của pháp luật”. Lúc đó, hậu quả pháp lý cũng tương tự như trường hợp giao dịch vô hiệu quy định chung tại điều 137 BLDS 2005. Tuy nhiên, lập luận này mâu thuẫn với điều 138 BLDS 2005 khi nó bỏ qua quyền lợi của người thứ ba ngay tình (trong trường hợp này chính là VietinBank) khi giao dịch dân sự vô hiệu. Trong tình huống mà VietinBank đang tìm cách chối bỏ trách nhiệm bồi thường thì tư cách “người ngay tình” không giúp ích gì được cho họ.
Nguyễn Thành Trân
No comments:
Post a Comment