Trong vụ án Huyền Như, một số cán bộ, giao dịch viên của Vietinbank bị truy tố và xét xử tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh TL SGT
Bên cạnh bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như còn có các bị cáo Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi (cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) bị truy tố, đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, với bản án sơ thẩm từ bốn đến bảy năm tù.
Các bị cáo này bị phạt vì hành vi mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt của khách hàng để ký chữ ký mẫu, từ đó tạo điều kiện để Huyền Như làm hồ sơ giả với chữ ký giả chiếm đoạt 50 tỉ đồng của khách hàng.
Nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo này, trên cơ sở đó xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, bài viết này phân tích vấn đề mấu chốt trong vụ án, liên quan đến tiền gửi thanh toán.
Để có thể thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 50 tỉ đồng của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm, các bị cáo phải hội đủ hai điều kiện. Điều kiện cần là trong tài khoản của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm có 50 tỉ đồng và có lệnh chi giả do Huyền Như làm. Điều kiện đủ: Có sai sót nghiệp vụ trong việc thực hiện lệnh chi tiền.
Chúng ta cần xác định ai chỉ đạo, ai thực hiện lệnh chi, chuyển 50 tỉ đồng từ tài khoản Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm sang tài khoản Trần Thị Tố Quyên để từ đó Quyên và Huyền Như chiếm đoạt.
Tiền chuyển từ Tố Quyên đi cho các cá nhân, tổ chức có nguồn gốc bất hợp pháp cần phải được thu hồi.
Bắt đầu từ giải đáp tài khoản thanh toán là gì?
Tài khoản thanh toán là tài khoản do cá nhân hoặc tổ chức mở tại ngân hàng để thực hiện giao dịch thanh toán, những chủ thể này được gọi là Chủ tài khoản thanh toán. Chủ tài khoản thanh toán có thể là cá nhân, tổ chức hoặc đồng chủ tài khoản.
Chỉ có chủ tài khoản thanh toán hoặc người được chủ tài khoản thanh toán uỷ quyền mới được quyền sử dụng tài khoản thanh toán của mình (trừ trường hợp ngoại lệ ngân hàng chủ động trích tài khoản thanh toán để thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, các khoản lãi, chi phí hợp lệ khác phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán). Người được uỷ quyền có quyền hạn và nghĩa vụ như chủ tài khoản thanh toán trong phạm vi được uỷ quyền và không được ủy quyền lại cho người thứ ba.
Mục đích để mở tài khoản thanh toán là để giữ tiền hoặc giao dịch thanh toán (quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN về việc “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi”). Giao dịch thanh toán qua ngân hàng đó là việc thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền hoặc trả tiền. Chủ tài khoản thanh toán thực hiện hoạt động này thông qua hình thức lệnh thanh toán (hay còn gọi là uỷ nhiệm chi, lệnh chi). Lệnh thanh toán là lệnh của chủ tài khoản thanh toán đối với ngân hàng dưới hình thức chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử (thông qua internet banking, ATM) để yêu cầu ngân hàng thực hiện giao dịch thanh toán.
Hồ sơ mở tài khoản thanh toán (Cash Account) tuỳ theo khách hàng cá nhân hay tổ chức.
Đối với cá nhân: Chủ yếu yêu cầu chứng minh nhân dân (CMND) bản copy (ngân hàng sẽ đối chiếu với bản chính), giấy đề nghị mở tài khoản, quan trọng là có hai chữ ký mẫu, thường ký trước giao dịch viên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là việc mở tài khoản cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị có số lượng người lớn. Trong trường hợp này, ngân hàng thường gửi mẫu giấy đề nghị mở tài khoản, nhân viên đơn vị tự điền và tự ký chữ ký mẫu trên đơn và nộp giấy CMND bản sao y. Sau khi hoàn tất xong các hồ sơ chủ yếu nêu trên, khách hàng gửi đến ngân hàng. Cách làm này không vi phạm pháp luật tại thời điểm đó.
Đối với tổ chức: hồ sơ yêu cầu gồm giấy đề nghị mở tài khoản trong đó quan trọng nhất là mẫu chữ ký của chủ tài khoản sẽ sử dụng trên các chứng từ giao dịch với ngân hàng và mẫu dấu; giấy tờ chứng minh tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật; giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của chủ tài khoản (thường là giám đốc và/hoặc kế toán trưởng). Có lẽ tất cả các hồ sơ mở tài khoản của tổ chức đều được ký và đóng dấu tại công ty và được nhân viên công ty (qua giấy giới thiệu) đến nộp cho ngân hàng.
Cán bộ ngân hàng sau khi nhận hồ sơ khách hàng có nhu cầu tạo mới CIF (Customer information file - là hồ sơ thông tin khách hàng được lưu giữ trên hệ thống máy vi tính) và mở tài khoản thì kiểm tra hồ sơ. Nếu hợp lệ, giao dịch viên sẽ tạo CIF và mở tài khoản cho khách hàng trên mạng vi tính ngân hàng, sau đó quét mẫu chữ ký mẫu trên giấy đề nghị mở tài khoản, cùng mẫu dấu (nếu có) vào hệ thống SVS.
Các ngân hàng đều có hệ thống SVS (Signature Verify System) là hệ thống quản lý tập trung hình ảnh chữ ký, mẫu dấu khách hàng trên mạng vi tính. Hệ thống SVS sử dụng trong ngân hàng để trợ giúp giao dịch viên nhận dạng khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch, hỗ trợ tiện ích cho khách hàng mở tài khoản tiền gửi tại một chi nhánh nhưng giao dịch được tại nhiều chi nhánh khác trong cùng hệ thống của ngân hàng. Huyền Như với chức vụ quản lý dễ dàng truy cập vào hệ thống SVS, để có thông tin chữ ký hoặc mẫu dấu của bất cứ khách hàng nào giao dịch tại ngân hàng.
Và các nghiệp vụ trên tài khoản thanh toán
Nghiệp vụ trên tài khoản thanh toán như báo có vào tài khoản, thực hiện lệnh chi, phong toả tài khoản và đóng tài khoản... Khi có nguồn chuyển đến đúng số tài khoản và tên chủ tài khoản thì ngân hàng sẽ báo có vào tài khoản thanh toán.
Để thực hiện lệnh chi phải có tiền trong tài khoản thanh toán tại ngân hàng và phải trải qua nhiều bước nghiệp vụ. Trong vụ án Huyền Như vụ việc xảy ra ở phòng giao dịch và rút tiền từ tài khoản bằng hình thức chuyển khoản (vì số tiến quá lớn nên không thể rút bằng tiền mặt), vì vậy chúng ta chỉ tập trung vào các bước nghiệp vụ này.
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu của khách hàng: Khách hàng phải nộp lệnh chi, CMND và các giấy tờ khác (nếu có) cho giao dịch viên. Nếu người nộp lệnh chi không phải là chủ tài khoản chi thì giao dịch viên lập tức liên lạc với chủ tài khoản để kiểm tra thông tin (thông qua điện thoại trên hệ thống CIF) hoặc trình báo với lãnh đạo phòng giao dịch giải quyết. Đối với khách hàng là doanh nghiệp thì phải có giấy giới thiệu hoặc nhân viên công ty thường xuyên giao dịch với ngân hàng.
Bước 2: Kiểm tra chứng từ: Giao dịch viên kiểm tra các yếu tố pháp lý của chứng từ, đối chiếu mẫu chữ ký, mẫu dấu, kiểm tra các thông tin trên giấy chi, kiểm tra nhận dạng khuôn mặt so với CMND. Nếu chữ ký không đúng thì cho ký lại ba lần, nếu tiếp tục không đúng với chữ ký mẫu, hoặc không đúng mẫu dấu thì từ chối thực hiện lệnh chi, chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết. Nếu đúng đầy đủ các thông tin mới chuyển qua bước 3.
Bước 3: Nhập giao dịch: Giao dịch viên nhập thông tin lệnh chi vào hệ thống, ký chứng từ, chuyển giao dịch sang bước 4.
Bước 4: Kiểm soát và duyệt giao dịch: Lãnh đạo phòng giao dịch kiểm tra toàn bộ chứng từ và đối chiếu với dữ liệu mà giao dịch viên nhập, đối chiếu lại chữ ký mẫu và mẫu dấu lưu trong hệ thống, trong trường hợp số tiền lớn còn phải đối chiếu khuôn mặt với CMND, nếu chấp nhận thì ký và duyệt trên hệ thống, nếu không chấp nhận thì trả lại cho giao dịch viên, từ chối duyệt giao dịch và nêu ra lý do.
Bước 5: In, trả chứng từ cho khách hàng và lưu chứng từ: Lãnh đạo phòng giao dịch và Giao dịch viên thực hiện.
Vấn đề pháp lý đặt ra
Các bị cáo Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi phải hầu toà vì việc mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt của khách hàng để ký chữ ký mẫu. Hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm này đã để cho bị cáo Huyền Như dùng chữ ký giả của khách hàng mở tài khoản, sau đó dùng lệnh chi giả chuyển tiền và chiếm đoạt của khách hàng 50 tỉ đồng gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. (Báo Pháp luật TPHCM – Huyền Như ‘phù phép’ lấy 50 tỉ đồng của ACB nhanh chóng, www.plo.vn). Vấn đề đặt ra ở đây là:
Thứ nhất: Hành vi mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt của khách hàng để ký chữ ký mẫu của các bị cáo có vi phạm quy định pháp luật về ngân hàng hay không? Vấn đề này chưa thể xác định được vì quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN về “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi” không có quy định về vấn đề này, cũng như đang có tranh cãi văn bản quy định nội bộ của ngân hàng có phải là quy định của pháp luật hay không.
Tuy nhiên, cần phải công nhận việc Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm ký giấy đề nghị mở tài khoản và ký xác nhận chữ ký rồi gửi cho Võ Anh Tuấn (người có chức vụ và quyền hạn, là cấp trên của các bị cáo) để mở tài khoản (nếu có) là việc ký chữ ký mẫu trước các bị cáo. Cần công nhận điều này để duy trì trật tự trong xã hội nói chung và trong hoạt động ngân hàng nói riêng.
Việc Huyền Như giả chữ ký của Nguyệt và Năm trên bộ hồ sơ mở tài khoản khác rồi đưa cho bị cáo nhập vào hệ thống SVS chỉ thuận tiện hơn cho Huyền Như trong việc làm giả lệnh chi sau này mà thôi.
Thứ hai, ngay cả khi Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm ký giấy đề nghị mở tài khoản trước mặt bị cáo Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi, thì Huyền Như vẫn giả được chữ ký của Nguyệt và Năm. Điều này thật ra rất đơn giản, với thẩm quyền của mình, Huyền Như chỉ cần vào hệ thống SVS lấy thông tin chữ ký mẫu của Nguyệt và Năm, thêm tài giả mạo chữ ký của mình cùng với ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng ngay từ đầu, Huyền Như không khó làm giả các lệnh chi.
Thứ ba, vấn đề mấu chốt gây thiệt hại 50 tỉ đồng có liên quan trực tiếp đến giao dịch viên và lãnh đạo phòng giao dịch khi thực hiện lệnh chi. Ai là người nhận lệnh chi đầu tiên? Chúng ta cần phải xác định danh tánh hai cá nhân đã thực hiện lệnh chi, chuyển 50 tỉ đồng từ tài khoản Nguyệt và Năm vào tài khoản của Trần Thị Tố Quyên để từ đó Quyên và Huyền Như chiếm đoạt. Có các trường hợp xảy ra như sau:
(i) Nếu giao dịch viên là người đầu tiên nhận tờ chi thì lỗi lớn nằm ở giao dịch viên. Giao dịch viên nhận lệnh chi không phải do chủ tài khoản (Nguyệt và Năm) đưa, mà không tiến hành kiểm tra với chủ tài khoản như gọi điện thoại..., đặc biệt trong trường hợp này số tiền chuyển rất lớn, là vi phạm nghiêm trọng quy chế hoạt động an toàn trong hệ thống ngân hàng. Cho dù Huyền Như có tài làm giả cho mấy, thì nếu giao dịch viên liên lạc với chủ tài khoản thì sẽ không có thiệt hại xảy ra. Lãnh đạo phòng giao dịch duyệt lệnh chi, trong trường hợp này cũng tắc trách trong công việc giống như giao dịch viên. Đây là nghiệp vụ rất cơ bản, không thể nào giao dịch viên không biết, chắc chắn còn có nhiều chuyện khuất tất trong sự việc này.
(ii) Lãnh đạo phòng giao dịch là người đầu tiên nhận tờ chi và yêu cầu nhân viên giao dịch thực hiện, thì lãnh đạo phòng giao dịch phải là người chịu trách nhiệm chính cho thiệt hại này, giao dịch viên chỉ là người thiếu sót trong thao tác nghiệp vụ.
(iii) Trong trường hợp cấp trên của phòng giao dịch đưa lệnh chi xuống, yêu cầu nhân viên thuộc cấp thực hiện lệnh chi, thì cấp trên phải chịu trách nhiệm chính, tiếp đến là lãnh đạo phòng giao dịch và sau cùng mới là giao dịch viên- chỉ là người thiếu sót trong thao tác nghiệp vụ.
LS. Tôn Thất Hồ Nghị
No comments:
Post a Comment