Friday, January 9, 2015

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc V-KIST sẽ như thế nào?

TS NGUYỄN BÁCH PHÚC  Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON  Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI,             Cuối tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng cơ chế đặc biệt cho Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc V-KIST do Bộ KH & CN đề xuất. Ngân sách dự kiến cho V-KIST khoảng 70 triệu USD, VN và Hàn Quốc cùng góp vốn với tỷ lệ 50-50. Viện sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017. 
Có lẽ còn quá sớm để bàn bạc về việc này.

Nhưng cũng không quá sớm nếu thử “lạm bàn” về những “nghịch lý” đầy rẫy hàng ngày ở đất nước ta, và cũng xin chỉ hạn chế trong phạm vi “thành lập Viện Khoa học”
Thứ nhất, thử xem lại chúng ta đã có bao nhiêu Viện Khoa học, và chúng đang “sống” như thế nào. Năm 2005 Chính phủ ra Nghị định về hoạt động của các Viện nghiên cứu Khoa học của VN, trong đó đánh giá hàng trăm Viện của nhà nước hoạt động không có hiệu quả, không tự nuôi nổi mình, kết quả nghiên cứu khoa học không mang lại lợi ích cho đất nước. Nghị định này quy định, đến cuối năm 2009 các Viện phải tự nuôi mình, nếu không thì buộc phải giải tán. Thế nhưng cho đến nay, thời hạn đó đã quá hơn 5 năm, nhưng các Viện Nhà nước vẫn ngửa cổ uống bầu sữa của Nhà nước, và không một Viện nào bị giải tán cả.
Còn các Viện dân lập, với số lượng ít ỏi, tự lầm than bươn chải, ngày càng teo tóp, và đa số đã “từ trần”, số còn lại đang ngắc ngoải.
Thứ hai, mấy năm gần đây, chúng ta lại có những sáng kiến nâng cấp Viện cũ và lập thêm Viện mới, ví dụ: Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia VN được nâng lên thành Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ VN, thành lập Viện Toán học cao cấp VN do GS.Ngô Bảo Châu làm Viện trưởng, song song với Viện Toán học VN (không cao cấp), thành lập Viện Khoa học tính toán TP.HCM, mời một nhà Khoa học Việt kiều về làm Đồng Viện trưởng, song song với một Đồng Viện trưởng trong nước. Những Viện đó khi mới thành lập được dư luận ồn ào với những  dự đoán tương lai tốt đẹp và đóng góp lớn lao cho đất nước. Nhưng đã vài năm trôi qua, chưa thấy dư luận ồn ào về những hiệu ích nào, đương nhiên chúng ta cũng không biết những Viện đó đã tiêu hết bao nhiêu tiền công quỹ, tức là tiền thuế của dân.
Thứ ba, tại sao các Viện của VN làm việc không có hiệu quả, thậm chí không tự nuôi nổi bản thân nó. Đó là một câu hỏi đáng lẽ phải được trả lời rành rọt từ lâu, không phải chờ đến khi có nghị định năm 2005. Rất tiếc cho đến nay, mặc dù nhiều nhà khoa học đã có những lí giải, tuy rời rạc và phiến diện, nhưng chưa bao giờ có những kết luận nghiêm túc và chặt chẽ của cá cơ quan công quyền, của những người cầm cân đẩy mực của đất nước.
Thứ tư, thành lập Viện V-KIST với việc Hàn Quốc  đầu tư một nửa vốn (35 triệu USD) ODA không hoàn lại, là một điều rất đáng mừng. Nhưng V-KIST sẽ hoạt động theo cơ chế nào, sẽ làm gì, chính là điều đáng suy nghĩ và phải sớm xác định, nếu không nó cũng sẽ chẳng khác gì các Viện đã có ở VN hiện nay.
Chẳng hạn, theo tin các báo, V-KIST sẽ viện nghiên cứu ứng dụng đa ngành, định hướng công nghệ công nghiệp hoạt động theo cơ chế đặt hàng”, xin hỏi: Ai sẽ là người đặt hàng?, khách hàng trong nước liệu có đủ tiền mua dịch vụ của V-KITS?, khách hàng nước ngoài liệu có cần đến trình độ KHCN của V-KIST? “V-KIST sẽ có cơ sở vật chất hiện đại”, xin hỏi: với 70 triệu USD, thì cơ sở vật chất hiện đại đến mức độ nào? “V-KIST sẽ có đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư đẳng cấp quốc tế 120 người”, xin hỏi: đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư đẳng cấp quốc tế lấy đâu ra? “Mức lương của một cán bộ nghiên cứu tại V-KIST dự kiến khoảng 1.000 USD (21 triệu VND)/tháng”, xin hỏi: nhà khoa học đẳng cấp quốc tế nào sẽ về VN nhận mức lương này? “Ngoài lương, các nhà khoa học tại V-KIST sẽ được tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất cũng như các ưu đãi khác như: bố trí phương tiện đi lại, nhà công vụ, ưu tiên mua nhà, miễn thuế khi mua phương tiện đi lại, hỗ trợ 30% kinh phí khi cho con đi học trường quốc tế, vợ/chồng được hưởng trợ cấp và hỗ trợ tìm công việc phù hợp…”, xin hỏi: Những hỗ trợ này, cùng với tiền lương thì thu nhập của những nhà khoa học đẳng cấp quốc tế sẽ được bao nhiêu % so với mức lương bình quân của họ nếu họ làm việc ở nước ngoài? “V-KIST sẽ được Nhà nước cho phép áp dụng cơ chế tài chính đặc thù bao gồm tự chủ về chi tiêu tài chính cũng như quản lý tài sản để đảm bảo tự chủ Viện”, xin hỏi: cho V-KIST “áp dụng cơ chế tài chính đặc thù”, “tự chủ về chi tiêu tài chính”, thì V-KIST có thể giải đáp được những câu hỏi nói trên không? và kết quả cuối cùng sẽ là thế nào?
Có thể hình dung như vầy: hàng xóm của tôi có vườn cây xum xuê cành lá, trĩu quả, ngát hương hoa, còn vườn nhà tôi cây tàn cỏ úa, tôi không tự hỏi vườn minh chất đất, phân bón, giống cây, tưới nước , trừ sâu … ra sao, mà chỉ sang hàng xóm xin hoặc mua một cây, về trồng vườn nhà, trồng xong rung đùi hy vọng vườn mình sẽ có một cây xum xuê cành lá, trĩu quả, ngát hương hoa! 

No comments:

Post a Comment