Ông Nguyễn Trọng - Ảnh: Q.Định |
Có lẽ các nhà kinh doanh viễn thông được hưởng lợi lâu dài hơn cả, dù để đổi hệ thống số họ cũng phải thêm nhiều chi phí để thay đổi các dịch vụ liên quan. Do vậy, nhóm lợi ích này cần phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp như thế nào đó để bù đắp những tổn thất, thiệt hại cho xã hội |
Ông Nguyễn Trọng |
Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, nói:
- Qua báo chí tôi được biết trong quy hoạch kho số mới này, thay đổi lớn chủ yếu là đổi mã vùng điện thoại của 59/63 tỉnh, thành phố, đồng thời tới đây thuê bao di động mang 11 số sẽ còn 10 số.
Về phương diện kỹ thuật, kho số viễn thông không thể bất di bất dịch, có thể phải thay đổi theo thời gian theo nghĩa sản phẩm ra càng nhiều, khách hàng càng nhiều thì kho số phải nở ra, phải lớn lên. Về mặt kỹ thuật, kho số là hệ thống mã số sản phẩm - khách hàng.
Sản phẩm phát triển, khách hàng phát triển thì bộ mã sẽ cần thay đổi cho phù hợp. Về mặt Nhà nước, kho số là tài sản quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chia ra từng phần để khai thác phục vụ xã hội thông qua kinh doanh hoặc sử dụng công ích.
Nghe có vẻ đơn giản
* Năm 2008 từng thay đổi số điện thoại (thêm đầu mã mạng có ba chữ số), nay lại tiếp tục có thay đổi lớn, liệu sự thay đổi lần này đã dừng lại chưa?
- Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi đó. Như trên tôi đã nói, khả năng sẽ còn phải thay đổi nữa trong tương lai khi bộ mã trở nên hẹp, không còn đủ không gian phục vụ thì sẽ phải thay đổi.
Trong quản lý, đôi khi còn xảy ra những thay đổi bộ mã số sản phẩm do bộ mã được xây dựng có khiếm khuyết nào đó chứ không chỉ do giới hạn không gian mã.
Với các số điện thoại hiện nay có vấn đề đó không thì cơ quan quản lý nên thông tin cho người dùng và nếu có thì nhất thiết không thể để xảy ra tình trạng này trong tương lai.
Khi bộ mã đã được sử dụng rộng rãi, việc cần thay đổi một con số nghe có vẻ đơn giản nhưng kéo theo đó là biết bao mối quan hệ phải thay đổi theo, cùng với việc phải mất thời gian và chi phí để thích ứng với sự thay đổi này.
* Quy hoạch kho số viễn thông mới là một thay đổi về chính sách, theo ông, cái giá phải trả cho sự thay đổi chính sách lần này ra sao?
- Khi chấp nhận thay đổi chính sách như thế nhất định sẽ có những tổn thất và có thể là một tổn thất không nhỏ, nên rất cần lường trước và chọn cách làm để sự tổn thất này cho xã hội là ít nhất.
Để làm như thế các cơ quan quản lý cần phân tích, khảo sát rất kỹ thị trường, nhu cầu thực tế phình ra của kho số và thông báo lộ trình thực hiện đủ dài, trước thời điểm thay đổi đến hàng năm, để những người phải chịu ảnh hưởng của sự thay đổi này có đủ thời gian chuẩn bị nhằm tối thiểu hóa các thiệt hại, tổn thất.
Tôi nghĩ làm điều này không có gì khó khăn, chỉ có điều đôi khi các cơ quan quản lý nhà nước còn chủ quan, chưa lường trước hết những thực tế, hệ quả có thể có..., nên chưa quan tâm đúng mức các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng, khiến xã hội, người dân phản ứng, bị “sốc”, thậm chí là không đồng thuận và ủng hộ chính sách mới.
Không nên ấn định thời gian phải tuân theo
* Những tổn thất đó ở mức độ nào còn tùy thuộc rất lớn vào cách làm, việc triển khai chính sách mới?
- Cuối cùng mọi tổn thất đều quy về thời gian và tiền bạc để người dân, doanh nghiệp chấp nhận quy hoạch kho số viễn thông mới, thích ứng được với sự thay đổi một chính sách có ảnh hưởng trên một diện rất rộng - tất cả người sử dụng điện thoại tại Việt Nam và gọi đến Việt Nam.
Nếu chọn cách làm tức thì, buộc phải chuyển đổi ngay hoặc chỉ một thời gian ngắn sau khi quy định có hiệu lực thì chi phí thời gian thực hiện sẽ là ít nhất, tức là nhiều người sẽ bị một cú đau rất đau và có thể trong vòng vài tháng sẽ qua đi.
Tuy nhiên tổn thất về tâm lý, chi phí tiền bạc cho sự thay đổi chính sách sẽ là không nhỏ.
Tôi cho rằng với những loại thay đổi chính sách kiểu này, thay đổi hệ thống số điện thoại trên diện rất rộng, không phải là việc phải giải quyết tức thì mà cần thông báo sớm và rộng rãi cho nhân dân biết chính xác có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị, tránh mọi thiệt hại có thể tránh.
Tôi nghĩ rằng các nhà quản lý trước hết cần nghĩ đến những tổn thất của xã hội, nghĩ đến tâm lý của người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ viễn thông.
Có lẽ sự vô cảm khi ban hành một chính sách không nhiều, nhưng thực tế có tình trạng chưa nghĩ thấu đáo đến những tác động, hệ quả, tính khả thi của chính sách được ban hành.
Bởi thế nên đã có không ít chính sách, quy định khi ban hành thì rất dễ thấy là bất khả thi, thậm chí có khía cạnh hơi khôi hài dù đụng chạm đến cả xã hội, nhiều nhóm dân cư phải gánh chịu.
Có thể có suy nghĩ chỉ là thay đổi vài con số, tỉ lệ điện thoại cố định ngày càng giảm... thì thiệt hại cũng chỉ là rất nhỏ. Tôi không dám khẳng định mức độ thiệt hại nhưng các cơ quan quản lý thì đủ số liệu để định lượng những chi phí của xã hội do thay đổi lần này.
Do vậy nếu như chưa quá bức bách, có thể giãn thời gian thực hiện, công bố lộ trình rõ ràng, giải thích cho người dân hiểu rõ vì sao phải thay đổi, mang lại những lợi ích gì, nhóm nào phải gánh chịu những thiệt hại, đến mức nào và những phiền toái nào có thể gặp phải khi thay đổi chính sách...
Khi có được những thông tin một cách minh bạch như vậy, xã hội, người dân sẽ dễ chấp nhận, chia sẻ. Chúng ta không nên làm theo cách chỉ đưa ra một thông báo chính sách mới, ấn định thời gian, mọi người phải tuân theo.
* Khi quy hoạch kho số viễn thông mới, nhất định sẽ có bộ phận được hưởng lợi, ngược lại sẽ có những cá nhân, tổ chức gánh chịu những tổn thất như ông đánh giá. Vậy theo ông, cơ chế bù đắp nhằm đảm bảo sự công bằng trong chia sẻ lợi ích nên như thế nào?
- Tôi ủng hộ quan điểm này. Các nhà quản lý hiểu rõ ai sẽ hưởng lợi từ việc quy hoạch kho số viễn thông mới, ai sẽ bị phiền phức và thậm chí thiệt hại và mức độ thiệt hại.
Có lẽ các nhà kinh doanh viễn thông được hưởng lợi lâu dài hơn cả, dù để đổi hệ thống số họ cũng phải thêm nhiều chi phí để thay đổi các dịch vụ liên quan.
Đại khái với họ, ta hình dung là trước đây Nhà nước giao cho anh 10ha đất, nay nhờ quy hoạch mới, anh có được 20ha đất. Do vậy, nhóm lợi ích này cần phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp như thế nào đó để bù đắp những tổn thất, thiệt hại cho xã hội.
Quy hoạch kho số viễn thông mới có nghĩa là mở thêm môi trường kinh doanh cho các nhà mạng, khi đó các nhà mạng được kinh doanh thoải mái hơn, “đất đai” sẽ rộng hơn.
Ví dụ như có thể bù đắp bằng hình thức giảm cước hoặc miễn cước trong một thời gian nhất định sau khi bắt đầu áp dụng những quy định về thay đổi hệ thống số điện thoại.
Kể cả phải phục vụ song song hai hệ thống cũ và mới để liên lạc của các thuê bao điện thoại không bị gián đoạn khi những chủ thuê bao này chưa đủ thời gian thông báo đến tất cả mối liên hệ của mình...
Tôi cho rằng trước hết đây là sự chia sẻ cần thiết về lợi ích khi có sự thay đổi của chính sách.
QUỐC THANH
No comments:
Post a Comment