Hầu hết các doanh nghiệp chưa hiểu biết và chuẩn bị cho các hiệp định tự do thương mại. Ảnh TL.
Theo khảo sát “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” do trường Đại học Kinh tế, Đai học Quốc gia Hà Nội mới thực hiện tại gần 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở năm tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, thì phần lớn các doanh nghiệp chưa biết nhiều về những nội dung cơ bản của AEC.
Phần lớn các doanh nghiệp không biết chính xác về thời điểm hình thành AEC (51,1%), các trụ cột của AEC (60%); đại đa số các doanh nghiệp không biết về AEC Scorecard (80%) và việc Việt Nam là điều phối viên trong lĩnh vực logistics (87,22%). AEC Scorecard là Biểu đánh giá thực hiện AEC, được đưa ra để theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện lộ trình hội nhập của từng nước ASEAN.
Ngoài ra, có một số điểm khác đáng lưu ý về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về AEC: xét về tổng thể, các doanh nghiệp lớn có mức độ hiểu biết về AEC cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nhưng mức độ chênh lệch không đáng kể. Trong ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp lớn hiểu biết về AEC hơn các SMEs trong khi kết quả điều tra cho thấy điều ngược lại với ngành công nghiệp và xây dựng; các doanh nghiệp nông nghiệp có mức độ hiểu biết thấp hơn về AEC so với các doanh nghiệp công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, cho biết các doanh nghiệp hầu hết mới nhận thấy các cơ hội đến từ tự do hoá thương mại, đầu tư của Trụ cột 1 - tức là thị trường sản xuất chung của 10 nước ASEAN dự kiến thành lập năm 2015 - mà chưa nhận thấy các cơ hội đến từ các nội dung khác của Trụ cột 1 và các Trụ cột còn lại của AEC.
Theo ông Sơn, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam lo lắng nhất với việc cạnh tranh gay gắt với hàng hóa và dịch vụ của các nước thành viên ASEAN khác. Ngoài ra, với các vấn đề khác như tham gia vào công đoạn có giá trị cao hơn của chuỗi giá trị, các vụ kiện tranh chấp tăng lên… doanh nghiệp có biết đây là thách thức nhưng không có nhiều doanh nghiệp đánh giá đây là các thách thức cao và rất cao, đặc biệt là thách thức liên quan đến chuỗi giá trị.
Sự quan tâm của doanh nghiệp đến AEC còn thấp và chính vì thế các doanh nghiệp chưa hiểu rõ các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi Việt Nam hội nhập AEC.
Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đón đầu các cơ hội và vượt qua thách thức. Có đến gần 40% doanh nghiệp được điều tra không điều chỉnh chiến lược kinh doanh để hội nhập AEC. Xét về ngành, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ có tỷ lệ điều chỉnh chiến lược kinh doanh ít nhất. Các doanh nghiệp có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến hội nhập WTO, hội nhập TPP và hiệp định thương mại Việt Nam – EU hơn là hội nhập trong AEC.
Nhà nước cũng rất lơ là
Theo Bộ Tài chính, với việc hình thành AEC vào cuối năm nay, nên năm 2015 là mốc thực hiện các cam kết sâu hơn, rõ nét hơn hẳn so với giai đoạn trước đó. Tỷ lệ xóa bỏ thuế giai đoạn 2015 của các hiệp định thương mại (FTA) tăng đáng kể.
Vào năm 2014, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu về 0% trong ASEAN là 72% so với khoảng 90% năm nay, cao nhất trong các FTAs. Năm nay, tỷ lệ thuế về 0% tính bình quân của bảy FTAs đã ký là 37%.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không biết về những cam kết này, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Có trường hợp Trung tâm WTO gửi công văn sang Bộ Công Thương đề nghị cung cấp cho doanh nghiệp thông tin kết quả đàm phán, nhưng câu trả lời từ Bộ mà Trung tâm thường nhận được là chưa thể cung cấp vì FTA chưa ký kết. Thậm chí, có FTA đã ký kết thì bộ cũng không công khai vì cho rằng, phải thêm thời gian để đồng bộ hóa mã tính thuế.
Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành bổ sung thêm: “Không chỉ doanh nghiệp thiếu hiểu biết về cộng đồng ASEAN, mà nhiều quan chức cũng hiểu rất lơ mơ”. Ông nhấn mạnh rằng khả năng phổ biến các cam kết FTAs của Việt Nam rất yếu.
Ông Thành nhận xét, trong AEC, về đầu tư, nếu nhìn vào độ mở của thị trường Việt Nam để nước ngoài đầu tư, thì Việt Nam không thua ai trong ASEAN. Nhưng xét hai góc độ khác là mức sở hữu và dịch chuyển lao động có kỹ năng thì Việt Nam không tự do nhiều như các nước khác. “Chúng ta vẫn còn tư tưởng là việc làm của Việt Nam phải dành cho người Việt”, ông nói.
Về dịch vụ, mức độ mở cửa không cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến và không cao hơn so với cam kết trong WTO.
Tư Hoàng
No comments:
Post a Comment