Sunday, January 25, 2015

Báo Nga: Thị hiếu kiểu Tập Cận Bình

Báo Bizlive, ngày 26/01/2015,         http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/bao-nga-thi-hieu-kieu-tap-can-binh-759070.html,           Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành nhà quảng cáo thượng hạng hoàn toàn ngoài ý muốn, Tiếng nói nước Nga viết.

Báo Nga: Thị hiếu kiểu Tập Cận Bình
Ông Tập và vợ đón Tổng thống Nga Putin tại một sự kiện ở Trung Quốc.
Chỉ cần một chuyến thăm của ông Tập là hàng ăn trước đó ít ai quan tâm lập tức đông nghịt khách. Luồng khách du lịch từ Trung Quốc cũng nhanh chóng tăng tới các nước mà Chủ tịch Trung Quốc vừa đến thăm. Bỏ qua những cấm kỵ trước đây, giới kinh doanh Trung Quốc ngày nay tích cực khai thác hình ảnh "nhân vật số một" để quảng cáo các dịch vụ của họ.

Vào giai đoạn đầu ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, bà Bành Lệ Viện vợ ông trở thành một điển hình mẫu mực về thời trang. Sự xuất hiện của đệ nhất phu nhân Trung Quốc, người được tạp chí Vanity Fair đưa vào danh sách những nhân vật nổi tiếng có phong cách trang phục đẹp, lập tức làm tăng doanh số bán hàng của những thương hiệu nội địa được bà sử dụng.

"Hiện tượng Bành Lệ Viện" đã đột nhập cả Hàn Quốc, nơi bà tới thăm vào tháng Bảy năm 2014. Một trung tâm thương mại lớn mà phu nhân ông Tập Cận Bình ghé chơi đã đánh dấu các món mỹ phẩm được bà chọn mua. Kết quả như trang điện tử Hoàn cầu Thời báo cho biết, doanh thu những mặt hàng này đã tăng gấp ba lần.

Những chuyện tương tự cũng diễn ra với bản thân ông Tập - ông vô tình quảng cáo cho không ít thực đơn và quốc gia, làm tờ báo Hồng Kông Apple Daily phải gọi ông là Bộ hướng dẫn Michelin “sống”.

Một trong những cơ sở đầu tiên bỗng phất nhanh nhờ Chủ tịch Tập là quán Khánh Phong ở Bắc Kinh. Ông Tập ghé vào quán hồi tháng 12 năm 2013 (theo công bố chính thức hoàn toàn như một khách ăn bình thường không hề báo trước) và dùng bữa trưa hết 21 nhân dân tệ (3,4 USD).

Kể từ đó, trong thực đơn của cơ sở xuất hiện “xuất cơm Chủ tịch” bao gồm các món mà ông Tập đã nếm. Người ta xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ mua những chiếc bánh bao được báo chí tung hô. Vào dịp lễ tết, nhiều nhà hàng của mạng lưới Khánh Phong ở Bắc Kinh đã tăng doanh thu lên 90%. Có lúc quán phục vụ không xuể, phải ra tiêu chuẩn bán không quá 5 cân bánh cho mỗi khách.

Vận may bất ngờ cũng đến với một nhà hàng vốn là quán ăn rất khiêm tốn. Có lần ông Tập cho biết rất khoái mỳ Phúc Kiến truyền thống mà ông đã từng ăn cách đây hai chục năm. Các chủ quán hạnh phúc và kinh ngạc thấy ông Tập quay lại thăm vào năm 2014 và gọi món mỳ. Kể từ đó, quán mỳ này không lúc nào vắng khách.

Một thực đơn có tên “bữa Hồng quân” đã trở nên thịnh hành ở Trung Quốc. Đó là bữa ăn giản dị mà ông Tập đã cùng cộng sự dùng trong chuyến thăm trấn Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Theo Ta Kung Pao của Hồng Kông, sau đấy lượng du khách tới thăm địa danh này đã tăng hơn 80%.

Cũng như trường hợp đệ nhất phu nhân, "hiệu ứng ông Tập" đem lại lợi nhuận không chỉ cho người Trung Quốc. Ở những nước mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm mới đây cũng ghi nhận dòng du khách Trung Quốc gia tăng.
Ví dụ, các tour đến Maldives được người Trung Quốc mua nhiều gấp đôi sau chuyến thăm của ông Tập năm 2014. Năm qua, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc, Sri Lanka và New Zealand cũng tăng gấp hai lần.
THÚY HÀ

No comments:

Post a Comment