Friday, December 26, 2014

Trung Quốc quốc tế hoá NDT: Việt Nam có cần lo ngại?

Báo Đất Việt, ngày 26/12/2014,       http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/trung-quoc-quoc-te-hoa-ndt-viet-nam-co-can-lo-ngai-3221785/,         Tác động của quốc tế hoá Nhân dân tệ lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hạn chế.

Đó là đánh giá của TS Lê Xuân Sang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi bàn về chiến lược quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
PV: - Nhiều năm qua, Trung Quốc đã trỗi dậy một cách mạnh mẽ, trở thành một cường quốc kinh tế và mang tham vọng quốc tế hoá đồng NDT. Cho đến nay, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu gì khi thực hiện chiến lược quốc tế hoá đồng nội tệ?
TS Lê Xuân Sang: - Trung Quốc bắt đầu quá trình quốc tế hóa NDT từ năm 2002, song xác định “trong nguy (hiểm) có cơ (hội)” nên vào chính đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009) đã chủ động thúc đẩy rất mạnh chiến lược của mình, nhờ đó, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong thời gian ngắn.
Kim ngạch thanh toán thương mại bằng NDT đã tăng lên nhanh chóng, năm 2009 là 3,58 tỷ NDT và đến tháng 12/2012 đã là 2.600 tỷ NDT. Xét theo tỷ trọng, thanh toán bằng NDT trong tổng giá trị thương mại quốc tế của Trung Quốc đã tăng nhanh, từ 3% năm 2010 lên 8,2% năm 2011 và 18% năm 2013; trong đó, các ngân hàng tại Hong Kong thực hiện thanh toán tới hơn 90% giao dịch thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, thanh toán ngoại thương bằng NDT của Trung Quốc chỉ chiếm 1,4% tổng giá trị giao dịch  thương mại toàn cầu năm tính đến tháng 1/2014. Riêng tỷ trọng giao dịch thương mại bằng NDT của Trung Quốc với các quốc gia châu Á là khoảng 13%. Theo Hiệp hội Tài chính viễn thông Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), tính đến tháng 4/2013, trong số 160 nước thanh toán ngoại thương bằng NDT với Hong Kong và đại lục, 47 nước có ít nhất 10% tổng kim ngạch thanh toán bằng NDT.
Đáng lưu ý là từ tháng 12 năm 2013, NDT đã trở thành đồng tiền thứ 2 cho vay thương mại quốc tế (năm 2013 chiếm 8,7% tổng các hợp đồng tín dụng thương mại toàn cầu so với mức 81% của USD, 6,64% của Euro và 1,36% của Yên Nhật) . Tuy vậy, tín dụng thương mại quốc tế vẫn chủ yếu được thực hiện tại Hong Kong và Singapore, nghĩa là vẫn còn mang tính khu vực.
Từ tháng 7/2013, NDT đã cải thiện mạnh mẽ thứ hạng trong đồng tiền thanh toán quốc tế, tăng lên vị trí thứ 9 so với vị trí thứ 21 năm 2010.
Đối với các chính phủ khác, nhằm cung cấp lượng thanh khoản bằng NDT và thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đến cuối năm 2013, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký Hiệp định hoán đối NDT – Bản tệ với 23 nước/vùng lãnh thổ với tổng giá trị hoán đổi lên tới 2.600 tỷ NDT.
Tuy vậy, tỷ trọng NDT trong danh mục dự trữ toàn cầu hiện rất nhỏ so với các đồng tiền chủ chốt khác (dưới 1%). Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy, thuyết phục IMF đưa NDT vào rổ quyền rút đặc biệt (SDR) và thương thuyết với một số nước riêng rẽ dùng NDT vào danh mục dự trữ ngoại hối của mình.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của SWIFT, tháng 5/2012, mặc dù tỷ trọng thanh toán bằng NDT trong tổng thanh toán toàn cầu còn nhỏ, chiếm 0,34%, song tỷ trọng tín dụng xuất nhập khẩu toàn cầu tăng nhanh, chiếm tới 4% tổng giá trị thư tín dụng toàn cầu. Điều này giúp NDT trở thành đồng tiền lớn thứ 3 trong tín dụng xuất nhập khẩu, sau USD và Euro.
Tuy mức độ quốc tế hoá còn thấp song tốc độ quốc tế hoá của NDT lại rất nhanh. Khảo sát hàng tháng từ năm 2010 đến nay của Ngân Hàng Standards Chartered cho thấy, Chỉ số Quốc tế hoá NDT RGI (Renminbin Globalization Index) đã tăng mạnh, vững chắc từ 100 điểm vào tháng 10/2010 (thời gian gốc) lên tới 1736 điểm vào tháng 3/2014, nghĩa là tăng hơn 17 lần trong vòng 41 tháng.
Chỉ số quốc tế hoá đồng NDT (RGI), 10/2010-3/2014
Chỉ số quốc tế hoá đồng NDT (RGI), 10/2010-3/2014
PV: - Một trong những biện pháp để Trung Quốc hiện thực hoá tham vọng quốc tế hoá đồng NDT  là cho vay hay viện trợ ODA bằng đồng nội tệ. Thưa ông, lợi ích và rủi ro Trung Quốc nhận được từ việc cho vay bằng đồng NDT  như thế nào? Xin ông phân tích cụ thể.
TS Lê Xuân Sang: - Nhìn chung, hoạt động tín dụng bằng NDT ngoài Trung Quốc đại lục được thực hiện tại Hong Kong (do nước này chưa tự do hoá hoàn toàn cán cân vốn). Mức tăng trưởng tín dụng tiền gửi bằng đồng NDT đã tăng mạnh, nhất là giai đoạn 2010-2012.
Tính tới cuối năm 2011, lượng tiền gửi của các khách hàng tại Hong Kong đã đạt 589 tỷ NDT, tăng 87% so với năm 2010. Tuy nhiên mức tăng này nhỏ hơn nhiều so với mức tăng 402% trong năm 2010 và đạt mức 720 tỷ trong năm 2012, thấp hơn mức dự đoán là 1.000 tỷ. Ngoài ra, thông qua kênh Hong Kong, tiền gửi NDT còn có ở London, đạt mức 35 tỷ NDT năm 2011 và 109 tỷ NDT vào tháng 4/2012.
Tổng giá trị cho vay ngân hàng bằng NDT nhìn chung còn nhỏ. Trong năm 2010, tổng giá trị tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng tại Hong Kong đạt 315 tỷ, trong khi đó, cho vay của các ngân hàng này chỉ đạt  2 tỷ NDT, nghĩa là tỷ lệ Cho vay/Tiền gửi chưa đến 1%.
Năm 2013, Trung Quốc thí điểm chương trình cho phép các doanh nghiệp Thanh Đảo (vùng thuộc Thẩm Quyến, giáp Hong Kong) vay bằng NDT từ các ngân hàng hoạt động tại Hong Kong để đầu tư phát triển vùng này.
Đối với cho vay thông qua phát hành trái phiếu, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp, ngân hàng nước ngoài và Trung Quốc phát hành trái phiếu bằng NDT tại Hong Kong. Giá trị trái phiếu đã tăng mạnh, từ khoảng 10 tỷ NDT năm 2007 đã tăng vọt lên tới 19 tỷ, 32 tỷ và 112,2 tỷ tương ứng trong các năm 2009, 2010 và 2012.  Năm 2013, mức phát hành giảm mạnh.
Tháng 8/2011, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu tổng giá trị 20 tỷ tại Hong Kong. Năm 2010, McDonald's trở thành công ty đa quốc gia đầu tiên phát hành trái phiếu doanh nghiệp quốc tế. Nhật Bản cũng ủng hộ doanh nghiệp nước này việc phát hành trái phiếu bằng NDT. Tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,1% giá trị trái phiếu toàn cầu.
Trung Quốc cho nhiều nước, chủ yếu các nước đang phát triển hay kém phát triển, chủ yếu châu Á và châu Phi vay ODA. Tuy nhiên, đến nay vẫn dường như chưa công khai thống kể chính thức về các khoản vay này tại từng nước.
Tại Việt Nam, các khoản cho vay được thực hiện bằng cả USD và NDT, song chủ yếu là USD. Chẳng hạn, ngành hóa chất với dự án đạm từ than cám Ninh Bình (do Tổng công ty Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư) (tổng giá trị 500 triệu USD theo Hiệp định Tín dụng xuất khẩu ký giữa hai nước. Ví dụ khác là Dự án sản xuất khuôn mẫu và trục in nhựa của Tổng công ty Nhựa Việt Nam cũng vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc trị giá 50 triệu NDT.
Lợi ích từ cho vay hay tài trợ ODA bằng NDT đối với Trung Quốc là rất lớn. Một mặt điều này song trùng với chiến lược quốc tế hoá đồng NDT, giúp Trung Quốc phổ quát hoá đồng NDT, đồng thời giúp giảm nhẹ áp lực tăng giá NDT do luồng vốn vào Trung Quốc (theo các kênh) là rất lớn và do áp lực từ Mỹ và EU. Quan trọng không kém, bất kể cho vay bằng đồng tiền nào, việc cho vay tạo ra lợi suất đầu tư cũng như có thể ảnh hưởng kinh tế - chính trị đến nước vay (thông qua các khoản vay ODA).
Rủi ro từ cho vay bằng NDT nói chung cũng giống như cho vay bằng các đồng tiền khác, nghĩa là rủi ro con nợ vỡ nợ và rủi ro tỷ giá.
PV: - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), hiện Trung Quốc có 1.082 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Quá trình quốc tế hoá NDT của Trung Quốc tác động lên nền kinh tế Việt Nam như thế nào? Hệ quả của nó là gì, thưa ông?
Việt Nam có cách nào để hạn chế những thua thiệt từ việc vay NDT của Trung Quốc trong bối cảnh đồng NDT  có xu hướng tăng giá?
TS Lê Xuân Sang: - Trung Quốc thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào và ra bằng đồng NDT thông qua các quỹ đầu tư thuộc Chương trình Các nhà đầu tư tổ chức giao dịch bằng NDT (the Renminbi Qualified Foreign Institutional Investors - RQFII) qua các hoạt động đầu tư, mở chi nhánh và sáp nhập, hợp nhất và mua lại (M&A).
Đối với đầu tư gián tiếp, nước này đã cấp quota cho 23 định chế RQFII với tổng giá trị tương đương 2,9 tỷ USD trong năm 2012, tăng 190% so với năm 2011.
Về các tác động của quốc tế hoá NDT lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hạn chế. Lý do là NDT có phạm vi sử dụng còn rất hẹp (chủ yếu là giao dịch biên mậu), với giá trị hạn chế ở Việt Nam, trong khi đó, đồng NDT chưa chuyển đổi hoàn toàn và cả hai nước chưa tự do hoá hoàn toàn cán cân vốn.
Tuy vậy, lợi ích rõ ràng có thể thấy là việc sử dụng rộng rãi hơn NDT ở Việt Nam, nhất là trong thanh toán xuất nhập khẩu như giảm rủi ro tỷ giá và chi phí chuyển sang đồng tiền thứ 3 (hầu hết là USD).
Bên cạnh đó, việc sử dụng NDT trong vay nợ giúp Chính phủ đa dạng hoá và giảm nhẹ rủi ro hối đoái, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, thay đổi bản chất hiện tượng đô la hoá (giảm “USD hoá” và tăng NDT hoá nền kinh tế).
Tuy vậy, các rủi ro trong quản lý, giám sát tiền tệ nói chung và NDT nói riêng có thể gia tăng nếu việc trao đổi, chu chuyển các luồng vốn bằng NDT tự do hơn, nhất là có thể bị thao túng các hoạt động giao dịch có liên quan tới NDT.
Trước mắt, trong giao dịch biên mậu, Việt Nam cần kiểm soát được một cách hữu hiệu các giao dịch (dung lượng, phạm vi giao dịch, người/doanh nghiệp giao dịch (danh tính) (cả Việt Nam và Trung Quốc, tuy rằng rất khó), và các thông tin cần thiết khác.
Việt Nam cũng phải tính đến những thua thiệt có thể có từ việc vay NDT của Trung Quốc trong bối cảnh đồng NDT có xu hướng tăng giá, tuy nhiên, nhìn chung là phải chấp nhận.
  • Thành Luân

No comments:

Post a Comment