LTS:Chịu trừng phạt, giá dầu giảm, đồng tiền mất giá nghiêm trọng đang tác động mạnh đến nước Nga. Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết đăng tải trên Tạp chí National Interest của Giáo sư về an ninh quốc gia Nikolas K. Gvosdev tại Đại học Chiến tranh Hải quân (Mỹ).
Các nhà bình luận phương Tây đưa tin về Nga hay có xu hướng được đẩy từ thái cực này sang thái cực khác. Bảy tháng trước, khi giá dầu còn cao và Kremlin sáp nhập Crưm, câu chuyện khi đó tô vẽ Vladimir Putin như thể ông là người mà không ai cản nổi và sẽ sớm tràn qua vùng Đông và Trung Âu. Nay, Putin lại bị coi như cá nằm trên thớt, với việc các ‘thầy bói’ dự đoán chính xác khi nào thì nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ.
Trong bối cảnh đó, sẽ là hữu ích khi lui lại một bước và nhìn ra bức tranh tổng thể. Giá năng lượng toàn cầu sụt giảm, tác động của các trừng phạt của phương Tây và đồng rúp mất giá quả thật là các vấn đề rất nghiêm trọng, đặt sức ép ghê gớm lên Chính phủ Nga.
Tác động nghiêm trọng
Đồng rúp mất giá bởi cả nhà đầu tư cũng như người dân Nga đang tìm cách níu giữ giá trị của đồng tiền tiết kiệm. Đồng rúp hiện nay không có vàng hay dầu đảm bảo và rơi tự do. Vì thế, trước lo ngại đồng rúp của năm 2013 sẽ mất giá gần một nửa vào năm 2015, không có gì ngạc nhiên khi mà mọi người cuống cuồng tìm cách giữ cho yên giá trị đồng tiền trong tay. Ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Nga tăng tỉ lệ lãi suất cũng không thể giúp giữ giá đồng rúp hiệu quả.
Rúp mất giá, các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, kể cả xa xỉ phẩm lẫn hàng tiêu dùng. Hoặc là người dân chịu đựng, điều mà về lâu dài có thể gây nên những bất bình, hoặc là Kremlin phải tìm cách tăng lương, và có khả năng xuất hiện vòng xoáy lạm phát. Đáng quan ngại hơn, các công ty của Nga đã vay tiền từ các quỹ bằng đồng đô-la và euro đang phải chứng kiến gánh nặng nợ nầng tăng gần gấp đôi chỉ trong chớp mắt.
Việc giá năng lượng giảm mạnh cũng là vấn đề rắc rối. Nó tác động trực tiếp lên các khoản hiện có trong ngân khố của Nga cho phần được gọi là “chi phí an toàn” – gồm các dự án phát triển lớn, các khoản chi phúc lợi cho các khu vực…
Khi giá dầu và khí còn cao, Kremlin có thể đề xuất một mức chi tiêu hào phóng cho quốc phòng. Giờ đây, với các khoản thu về eo hẹp hơn, một mâu thuẫn nảy sinh là, chương trình trang bị vũ khí nào hay khoản chi trợ cấp nào sẽ bị cắt để cân đối lại ngân sách.
Sau cùng, các trừng phạt có tác động thật sự, bởi đầu tư của phương Tây ở Nga đã bị ngưng lại một cách không rõ ràng. Thực tế, các công ty đang tạm dừng các giao dịch dù lúc này vẫn còn hợp pháp, do lo ngại chúng có thể bị tác động tiêu cực bởi các quyết định trừng phạt trong tương lai. Các thỏa thuận được miễn trừ (chẳng hạn như các hợp đồng khoan dầu ở biển Bắc cực) hoặc các dàn xếp như trả trước cho các lô dầu trong tương lai đã bị hủy hoặc hoãn lại khiến cho các DN Nga khan hiếm tiền đầu tư.
Nước Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Flickr/ National Interest
|
Quân bài chưa lật
Dù nền kinh tế Nga đang hứng đòn và chắc chắn là suy yếu đi, thì cũng không có chuyện nó sụp đổ. Nga có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu khác – trong lĩnh vực năng lượng, thiết bị điện hạt nhân và vũ khí – được trả bằng đô-la và euro. Ngay cả khi giá dầu và khí tự nhiên toàn cầu giảm hơn nữa, đồng rúp mất giá cũng đồng nghĩa với việc các khoản chi của các công ty này, như lương, chi mua sản phẩm và dịch vụ nội địa, v.v… sẽ cân bằng ảnh hưởng của đà giảm giá, bởi giờ họ sẽ cần mua thêm nhiều đồng rúp.
Nga cũng chưa hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên để khai thác. Nếu đồng rúp tiếp tục trượt giá hoặc bất ổn, họ có thể tăng cường khai thác vàng, kim cương và platinum và dùng các kho dự trữ này để duy trì và thậm chí còn mở rộng dự trữ ngoại tệ hiện tại.
Năng lượng cũng là một quân chủ bài Moscow chưa lật ra. Trong khi quan hệ EU-Nga đang ở mức xấu nhất, nỗ lực của châu Âu nhằm buộc Nga điều chỉnh giá bán năng lượng trong nước gần tương đương giá bán ra ngoài sẽ chẳng đi đến đâu. Trước kia, công nghiệp của Nga hưởng lợi từ việc mua năng lượng với giá thấp hơn rất nhiều, sau đó chuyển các khoản tiết kiệm được này cho khách hàng khắp thế giới.
Những nhân vật quanh ông Putin, chẳng hạn Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đang hy vọng biến cơn khủng hoảng này thành cơ hội. Bằng cách đẩy nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu lên mức giá đắt đỏ, họ hy vọng bắn một mũi tên trúng hai đích: một là vào các nỗ lực tái công nghiệp hóa trong nước và hai là gây tổn thương cho các nền kinh tế châu Âu vốn phụ thuộc vào nhu cầu mua sắm của Nga (cả tiêu dùng lẫn công nghiệp).
Họ tin rằng lời kêu gọi chủ nghĩa dân tộc sẽ tập hợp được lòng dân trong thời gian trước mắt để qua cơn bĩ cực thắt lưng buộc bụng, và rằng diễn biến của đồng rúp, Nga có thể bảo hộ cho các ngành công nghiệp trong nước mà không vi phạm các cam kết của WTO.
Canh bạc ở đây là quá trình khôi phục kinh tế của chính châu Âu sẽ chững lại, và tình hình kinh tế của Ukraina không thể trụ nổi, buộc Kiev và EU phải tính đến việc thỏa hiệp với Nga.
Những nhân tố khó đoán
Ngoài ra, còn hai nhân tố khó đoán khác. Thứ nhất là những gì có thể xảy ra với giá năng lượng trong năm 2015. Một cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông hay bất ổn nổ ra ở một quốc gia sản xuất chính gây thiếu hụt nguồn cung trên thị trường (như từng xảy ra tại Libya, Nigeria hay Venezuela) và giá dầu bật cao trở lại. Một thảm họa không ngờ khác (như thảm họa hạt nhân Fukushima) có thể sẽ cứu nguy thị trường của Nga. Thậm chí, giá năng lượng chỉ cần nhích hơn trong vài tháng cũng đủ xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thứ hai là những phản ứng của châu Á. Khủng hoảng kinh tế khiến Nga sẵn sàng nhượng bộ yêu cầu của họ hơn, đặc biệt là với TQ. Khi mà nhập khẩu đồ châu Âu đắt đỏ hơn, TQ có thể “đánh hơi” thấy cơ hội để đẩy tỉ giá hối đoái giữa đồng rúp – nhân dân tệ theo hướng có lợi, bởi vì với mức neo như hiện nay so với đồng đô-la, thậm chí xuất khẩu của TQ sang Nga có thể còn đắt hơn.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình có thể sẵn lòng hơn nữa mở rộng tuyến đường huyết mạch kinh tế tới Nga như một cách để bảo đảm các yêu sách của mình. Còn Nhật Bản vẫn không có vai trò gì ở đây. Chủ nghĩa dân tộc thể hiện trong cách mà Putin lấy Crưm có thể giúp cho ông chủ động bỏ thỏa thuận với Nhật Bản, và khiến Tokyo có thể phải nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp biển đảo, và đổi lại, khiến Nhật đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn vào nền kinh tế Nga.
Sau cùng, câu hỏi thật sự là: phải chăng các nhà phân tích phương Tây đã nhận định sai thỏa thuận chính trị căn bản tại Nga? Rất nhiều người nghĩ rằng Putin có thể tương đối tự do trong việc định hình đời sống chính trị trong nước là dựa trên hứa hẹn cải thiện mức sống của người dân. Tất nhiên, có một số bất mãn công khai trong tầng lớp trung lưu, nhưng điều đó có đủ dẫn tới thay đổi hay không thì vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.
Chúng ta đang chứng kiến một phép thử đối với nền tảng thực sự của vị thế chính quyền. Liệu người dân có sẵn sàng chấp nhận nghèo hơn để giữ chỗ đứng siêu cường cho nước Nga?
Lê Thu (dịch)
No comments:
Post a Comment