Tuy công cuộc chống tham nhũng của ông Tập đã gây nhiều ấn tượng nhưng vẫn đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Vì sao những quan chức này có thể chui sâu leo cao trong một thời gian dài như vậy, một số người thậm chí đã lên đến đỉnh cao quyền lực như Chu Vĩnh Khang mà đến khi “hạ cánh” mới bị phát hiện? Những sáng kiến và biện pháp hiện hành có đủ sức phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng ngay từ khi khởi phát hay không? Khi tham nhũng đã trở nên “thâm căn cố đế” thì việc chống tham nhũng đòi hỏi phải có những cải cách mang tính hệ thống, liệu Trung Quốc có cải cách được không?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ những hạn chế trong nỗ lực của họ. Chủ soái của công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, từng thừa nhận rằng, ông chỉ mới xử lý những triệu chứng của căn bệnh trong khi chờ thời điểm chín muồi để nhổ tận gốc những nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Thời điểm đó dường như đang đến gần. Hôm Chủ nhật 21-12-2014, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành một chính sách mới về nhà đất, quy định từ ngày 1-3-2015, tất cả chủ sở hữu bất động sản (bao gồm cả nhà, đất, cơ sở thương mại, đất rừng, trang trại, ao hồ...) trên cả nước đều phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan quản lý. Việc đăng ký không chỉ áp dụng với bất động sản mới tậu mà còn phải cập nhật sau mỗi lần chuyển nhượng, thay đổi hiện trạng. Điểm mới của chính sách này là Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về bất động sản thống nhất trong toàn quốc thay vì mỗi địa phương lại quản lý một bộ dữ liệu riêng rẽ và phân tán như hiện nay.
Báo chí Trung Quốc cho rằng, ngoài tác dụng tạo điều kiện cho việc tính thuế tài sản sau này, cơ sở dữ liệu thống nhất về bất động sản sẽ là “vũ khí hùng mạnh” để phát hiện và trừng trị những quan chức tham nhũng vì thực tế các quan tham thường đầu tư tiền của chiếm đoạt được vào bất động sản. Xưa nay việc đầu tư đó thường rất khó bị phát hiện vì các bất động sản nằm rải rác khắp nước, không do quan tham đứng tên, lại do nhiều quận huyện quản lý. Theo hồ sơ của cảnh sát, một phó chủ tịch ngân hàng ở Thiểm Tây chẳng hạn sở hữu 41 căn hộ cao cấp ở Bắc Kinh; một quan chức cấp quận ở Quảng Châu sở hữu 22 bất động sản; còn các “con hổ” như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu mỗi người có hàng chục biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng khắp cả nước.
Với hệ thống đăng ký bất động sản theo quy định mới, chính quyền sẽ dễ dàng truy xuất thông tin những ai đang sở hữu cái gì, ở đâu... Giáo sư Wang Yukai tại Học viện Hành chính Trung Quốc, nhận định: “Tài sản của mỗi người sẽ được phơi bày rõ ràng. Điều đó sẽ giúp chống lại nạn tham nhũng”, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Tuy nhiên, cũng trên báo SCMP, Giáo sư Mao Shulong, khoa hành chính công của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng hãy còn quá sớm để nói rằng hệ thống đăng ký bất động sản sẽ có hiệu quả lớn trong việc chống tham nhũng. Ông Mao lo ngại các nhóm lợi ích sẽ chống cự và gây trở ngại cho việc thực thi chính sách này.
Trở ngại cũng nằm ngay trong thể chế điều hành của Trung Quốc. Báo SCMP cho biết, cơ sở dữ liệu về bất động sản quốc gia nói trên - dự kiến sẽ hoàn thành sau bảy năm nữa - chỉ được dùng cho các cơ quan nhà nước, người dân và báo chí “không được phép” tìm kiếm thông tin từ cơ sở này. Trung Quốc vẫn cấm người dân và báo chí tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, không cho phép tra cứu ai đang góp vốn vào công ty nào, nắm bao nhiêu cổ phần... Cơ sở dữ liệu quốc gia về bất động sản rồi cũng sẽ có số phận y hệt hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp, có thể là công cụ tốt để các phe nhóm ở cấp cao tìm bằng chứng triệt hạ nhau nhưng chưa thể là vũ khí chống tham nhũng như báo chí Trung Quốc ca tụng.
Hội nghị trung ương lần thứ 4 đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra, thừa nhận rằng, tham nhũng lan tràn là do những khuyết tật của toàn bộ hệ thống thể chế; cách duy nhất có hiệu quả để kiểm soát tham nhũng là cải cách điều hành theo hướng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, những diễn tiến gần đây cho thấy, Bắc Kinh vẫn chần chừ trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền vì có thể làm suy giảm quyền lực vô biên của tầng lớp lãnh đạo chính trị. Và điều đó cũng có nghĩa là tham nhũng ở Trung Quốc vẫn còn cơ hội để sống sót.
Huỳnh Hoa
|
Wednesday, December 24, 2014
Trung Quốc: Kê khai nhà đất để ngừa tham nhũng?
Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 25/12/2014, http://www.thesaigontimes.vn/124497/Trung-Quoc-Ke-khai-nha-dat-de-ngua-tham-nhung.html, Với việc phát lệnh điều tra Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Trợ lý của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn chứng tỏ rằng chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông không nhằm tới riêng một phe nhóm nào, không loại trừ ai.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment