Công nhân - đối tượng chính của dịch vụ cho thuê phòng trọ - có thể phải chịu giá nhà cho
thuê tăng trong thời gian tới, do chủ nhà phải tăng giá đề bù vào mức thuế cao hơn. Ảnh: TUỆ DOANH
Cũng may là ngay sau khi báo chí, trong đó có TBKTSG đưa tin vào tuần trước, Bộ Tài chính đã lên tiếng, khẳng định từ ngày 1-1-2015, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế theo phương pháp thuế khoán vẫn được mua hóa đơn.
Ở đây, sở dĩ nói các đại biểu Quốc hội chắc chắn không hình dung sự cố này vì ngay chính lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nói, cách hiểu cá nhân, hộ kinh doanh không được mua hóa đơn là “nhận thức chưa đầy đủ” hay nói cách khác đó là do hiểu sai luật.
Luật không có chữ nào nói đến hóa đơn mà chỉ quy định: “Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh” và sau đó là các tỷ lệ thuế suất trên doanh thu. Luật cũng không có chữ nào về thuế khoán mà chỉ nói: “Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Phải nói, có lẽ các đại biểu Quốc hội khi thông qua luật đã không thể nào tưởng tượng quy mô của hệ lụy như thế, không thể nào lường trước việc thông qua một luật ngắn lại dẫn tới những thay đổi về mức thuế phải đóng của người dân đến như thế.Thế nhưng câu chuyện hệ lụy của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế chưa dừng ở đó. Báo chí tiếp tục phản ánh, theo luật mới, người cho thuê nhà, nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không nói làm gì vì luật mới, luật cũ đều không phải nộp thuế nhưng doanh thu trên mức đó thì có khả năng phải nộp thuế gấp nhiều lần so với trước đây. Không chỉ đối với cá nhân cho thuê nhà, những hộ kinh doanh các ngành nghề khác, từ bán lẻ tạp hóa đến gia công chế biến, từ dịch vụ ăn uống, sửa xe đến may mặc, sửa chữa đồ dùng gia đình đều bị ảnh hưởng theo hướng họ phải chịu thuế cao hơn nhiều so với trước.
Nói có lẽ là vì đọc lại bản thuyết minh chi tiết về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, cũng không hề có dòng nào phân tích mức thuế khác nhau người dân phải đóng. Mục đích của việc sửa đổi, theo bản thuyết minh, chỉ là nhằm “đơn giản hóa quy trình tính thuế” rất phức tạp hiện nay, “tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và giảm gánh nặng quản lý đối với cơ quan thuế”. “Tổng số thu từ nhóm hộ, cá nhân kinh doanh chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu (trừ dầu) nhưng tổng số nhân lực ngành thuế để quản lý đối tượng này lên đến 60%” - nghe rất thuyết phục.
Thực tế việc sửa đổi có khả năng buộc những người xây nhà cho công nhân thuê phải tăng giá thuê để bù đắp cho mức thuế cao hơn mà họ phải nộp như ví dụ nêu ở trên. Chưa hết, điều phi lý là doanh thu cho thuê nhà càng cao, trên ngưỡng 214 triệu đồng/tháng, người cho thuê càng có lợi về mặt thuế.
Như vậy rõ ràng gánh nặng tăng thuế chỉ rơi vào những người có doanh thu vừa phải trong khi những người cho thuê hàng loạt nhà hay nhà giá cao sẽ hưởng lợi nhờ thuế giảm!
Đây là một điều mà những người bấm nút thông qua các chính sách mới phải lường đến; họ phải có bộ máy giúp việc đo lường mọi hệ quả của chính sách trước khi phê chuẩn; không có bộ máy thì phải lắng nghe cử tri một cách thật sự để biết được mọi ngóc ngách của cuộc sống. Từng cá nhân người cho thuê nhà sẽ không đủ sức tìm hiểu để đề đạt nguyện vọng lên đại biểu của mình nhưng nếu họ tập hợp trong các hiệp hội ngành nghề đúng nghĩa, năng lực của họ sẽ được nâng lên một cách đáng kể và họ sẽ sớm có tiếng nói ngay khi chính sách còn ở dạng dự thảo.
Không lẽ Quốc hội đã nhiều lần thông qua quyết định giảm thuế cho người cam kết không tăng giá cho thuê nhà để hỗ trợ công nhân nay lại gián tiếp làm ngược chính sách cũ? Hy vọng chỉ là do “không lường hết được” như trả lời của một vị đại biểu Quốc hội khi được hỏi về chuyện thuế này.
Nguyễn Vạn Phú
No comments:
Post a Comment