Ngành giao thông đang phải ra sức vay các ngân hàng thương mại cho các dự án làm đường. Ảnh: MINH KHUÊ
Đầu tuần này, Quốc hội đã dễ dàng thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 với mức bội chi đạt kỷ lục 226.000 tỉ đồng; nguồn thu ngày càng khó khăn do giá dầu thô giảm và sức ép hội nhập.
Lẽ ra Quốc hội đã có thể làm nhiều hơn là chỉ “bấm nút”, khi cơ cấu chi ngân sách đã bước vào thời kỳ lệch lạc, với tỷ lệ 72% dành cho chi thường xuyên để vận hành bộ máy. Bộ máy đó đã phình quá to, và đã trở thành gánh nặng cho phát triển. Ngoài ra, NSNN đang phải gánh vô số chi phí cho các cơ quan đoàn thể khác. Tổng cục Thống kê cho biết có 34.000 tổ chức như vậy.
Trong khi đó, bộ máy nhà nước vẫn không ngừng phình to. “Không phong tướng, anh em tâm tư”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định trước Quốc hội sau khi cho biết quân đội hiện đang có 489 tướng. Số tướng lĩnh bên quân đội, tuy vậy, vẫn “đuối” hơn so với bên công an. Bên cạnh đó, số lượng các ghế cấp phó đang nở rộ đến hồi khó kiểm soát ở gần như tất cả các cơ quan hành chính nhà nước trung ương và địa phương. Bộ Tài chính từng cho biết, có tổng cộng 8 triệu người đang hưởng lương, phụ cấp từ NSNN.
“Trước khi đi họp Quốc hội, có một lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông”, đại biểu Nguyễn Văn Hiến đã phát biểu như vậy tại buổi thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. “Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương ba cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”, đại biểu Trần Du Lịch nói trước đó. Lẽ ra, tất cả những điều đó cần phải được xem xét lại khi các đại biểu nhấn nút thông qua dự toán ngân sách.
“Ai chi sai, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm... Không thể vơ hết vào Bộ trưởng Bộ Tài chính được”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải thốt lên một cách bất bình trong một cuộc họp bàn về dự thảo Luật NSNN sửa đổi trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Tâm tư của ông có thể hiểu được, khi việc chi tiêu, đặc biệt là cho đầu tư phát triển đã khó kiểm soát. Theo số liệu của bộ này, các địa phương đến hết năm 2011 còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư với tổng số vốn 273.469 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa bố trí được vốn. Đặc biệt, một số địa phương phải mất nhiều năm mới đầu tư hết cho các dự án này như Hưng Yên gần 24 năm; Lâm Đồng gần 19 năm; Nghệ An gần chín năm...Đó mới chỉ là một phần của bức tranh ngân sách.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới gửi tới Quốc hội cho biết thêm, chi đầu tư xây dựng cơ bản ở rất nhiều tỉnh thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn về thông lệ tốt là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán.
Trong khi nhiều địa phương đang chi tiêu “mạnh tay” thì Chính phủ cũng vay mượn ngày càng nhiều để chi tiêu. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, số vốn trái phiếu chính phủ đang tăng nhanh qua các năm gần đây (năm 2011 vay 162.000 tỉ đồng; năm 2012 vay 250.000 tỉ đồng; năm 2013 khoảng 320.000 tỉ đồng; năm 2014 vay xấp xỉ 400.000 tỉ đồng). “Hơn 98% vốn vay là để phục vụ chi đầu tư phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lên tiếng trấn an. Song, ông chưa giải thích được vì sao chi cho phát triển ngày càng giảm, từ mức 20% chi ngân sách trước đây, xuống còn 16% năm 2014. Bên cạnh đó, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ, NSNN cũng chỉ có thể rót cho Bộ Giao thông Vận tải 2.000 tỉ đồng làm vốn đối ứng, trong khi nhu cầu của bộ này cần ít nhất gấp 10 lần trong năm nay. Có nghĩa, các dự án ODA đang rất bế tắc ở khâu giải ngân, và ngành giao thông đang phải ra sức vay các ngân hàng thương mại cho các dự án làm đường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng NSNN thâm hụt cao kéo dài trong nhiều năm qua là do tổng chi NSNN quá cao chứ không phải do tổng thu thấp. Theo thống kê của IMF, tổng chi chính phủ của Việt Nam ổn định ở mức xấp xỉ 31% GDP kể từ năm 2006 đến nay. Con số này cao gấp 1,4 lần của Trung Quốc và Thái Lan, 1,6 lần của Indonesia và Philippines. Ngoài ra, đáng lưu ý là Việt Nam hiện có những cách hạch toán chưa theo thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi từ nguồn trái phiếu chính phủ không được tính vào chi tiêu NSNN. Điều đó làm cho việc đánh giá và quản lý tài khóa và rủi ro nợ công của Việt Nam gặp khó khăn. Đó là chưa kể món nợ khổng lồ, lên tới hơn 1,6 triệu tỉ đồng, của các doanh nghiệp nhà nước và 42.000 tỉ đồng của chính quyền địa phương.
Những vướng mắc này có thể từng bước được tháo gỡ, nếu Quốc hội thực sự phát huy quyền làm luật và giám sát tối cao của mình.
Hiến pháp mới quy định: “Các khoản thu, chi phải được dự toán”. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị bổ sung quy định “không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền” vào điều 17 Luật NSNN sửa đổi về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN, đồng thời quy định chế tài cụ thể để bảo đảm thực hiện kỷ luật tài chính. Bên cạnh đó, các khoản dự toán thu, chi ngân sách phải được công khai và minh bạch; không áp dụng cơ chế báo cáo “Mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử.
Tư Giang
No comments:
Post a Comment