Mới chỉ đào 77 tuyến đường nhưng sáu tháng đầu năm 2008 số vụ ùn tắc giao thông kéo dài từ 30 phút trở lên đã lên đến 22 vụ, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2007. Từ nay đến cuối năm 2008, Sở GTVT TP.HCM cho phép đào thêm 81 tuyến đường nữa, như vậy tình hình kẹt xe sẽ càng thêm nghiêm trọng...
Thực trạng giao thông sẽ nhức nhối hơn khi mùa tựu trường bắt đầu với lượng phương tiện tham gia lưu thông hoặc dừng chờ đón học sinh gia tăng, cùng hàng loạt "lô cốt" nhan nhản giữa lòng đường…
Kẹt xe sẽ tiếp tục "bủa vây" TP
"Có lưu thông từ các tuyến cửa ngõ vào trung tâm TP mới thấy hết nỗi cực khổ của người dân khi ngày nào cũng phải mất hàng chục phút cho việc dừng chờ kẹt xe" - đó là nỗi lòng của anh Nguyễn Văn Đẹp, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Làm việc tại khu vực công viên Lê Thị Riêng, anh Đẹp đi theo hướng quốc lộ 22 vào đường Trường Chinh và đến Cách Mạng Tháng Tám, theo anh Đẹp: "Tuyến cửa ngõ này hầu như ngày nào cũng ùn ứ lưu thông. Mỗi sáng, để đến cơ quan tôi phải qua điểm kẹt vòng xoay cầu vượt An Sương, giao lộ rẽ vào Khu công nghiệp Tân Bình, giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh…
Tình trạng nghẽn đường luôn chực chờ tại ngã tư Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh, khi đường Trường Chinh bị đào gần nửa đường để lắp đặt cống thoát. Nếu né đường Trường Chinh đi đến Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý cũng bị ùn tắc vì hai giao lộ này bị kẹt xe liên hoàn với nhau... Thậm chí kẹt xe còn kéo dài lên đến giao lộ Cộng Hòa - Núi Thành (gần tòa nhà văn phòng E.Town). Khi khai giảng năm học, việc lưu thông sẽ bi đát hơn vào giờ học sinh đến và tan trường".
Nhiều người lưu thông trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh đều cho rằng ba điểm kẹt xe luôn ám ảnh họ đó là "nút chặn Tân Kỳ Tân Quý”, vòng xoay Lăng Cha Cả (đường Cộng Hòa) và điểm đang triển khai quây "lô cốt" trước chợ Võ Thành Trang (đường Trường Chinh)… Dự báo tuyến đường này sẽ còn kẹt xe nhiều khi đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám và những đường giao cắt như Sao Mai, Phạm Văn Hai, Bành Văn Trân... có khoảng 20 trường tiểu học, trung học cơ sở.
Tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu thông ra quốc lộ 13 là tuyến cửa ngõ đi Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ kẹt xe rất lớn. Trên tuyến này, bất cứ giờ nào lượng ôtô và xe máy cũng xếp hàng rồng rắn vì hơn nửa mặt đường lưu thông bị đào. Nhắc đến thời điểm khai giảng năm học, anh Phan Trí Thắng (ngụ Kha Vạn Cân, Thủ Đức) ngao ngán: "Nếu học sinh bắt đầu đi học thì tuyến đường này sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng hơn". Tóm lại, mấy triệu người dân TP.HCM đều có tâm trạng như anh Đẹp, anh Thắng!
Đối phó kẹt xe bằng đài FM, biển báo, đường dây nóng…
"Người dân cũng cần tham gia phát hiện ùn tắc kẹt xe và thông báo về số điện thoại 9203333 và 8387521 để Phòng CSGT bố trí lực lượng giải tỏa ùn tắc kịp thời".
Thượng tá VÕ VĂN VÂN
|
Thời điểm khai giảng năm học gần kề, UBND TP.HCM đã nhìn thấy tình hình ùn tắc giao thông sẽ nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các ban ngành TP rà soát, phân công lực lượng vào những giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo ông Lê Hoàng Quân, trong tháng chín TP sẽ đón hơn 500.000 học sinh sinh viên, do đó lãnh đạo các quận huyện phải kiểm tra và xử lý kiên quyết các nhà thầu vi phạm an toàn giao thông…
Để đảm bảo lưu thông trên địa bàn TP vào thời điểm tựu trường, thượng tá Võ Văn Vân - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an TP.HCM, cho biết Phòng CSGT đã xác định 125 điểm là những khu vực giao lộ, trường học có nguy cơ kẹt xe cao để chủ động bố trí CSGT và có phương án giải quyết khi xảy ra sự cố ùn tắc. Theo đó, khi xảy ra ùn tắc giao thông, CSGT sẽ bố trí lực lượng cô lập khu vực (không cho thêm phương tiện vào), phân luồng lại giao thông và xác định nguyên nhân để giải quyết. Các đội CSGT phải ưu tiên tập trung và xử lý những điểm thường xuyên ùn tắc. Hiện nay để giải quyết ùn tắc giao thông, Phòng CSGT đã phối hợp với khoảng 350 dân quân tự vệ, 500 tình nguyện viên thanh niên xung phong đứng chốt điều tiết giao thông.
Quận, huyện cũng kiểm tra, xử phạt Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tường, phó trưởng ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP.HCM, cho biết: "Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện kiểm tra vi phạm về đào đường báo cáo cho Sở GTVT để có hướng xử lý. Chủ tịch UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn". |
Để nâng cao hiệu quả giải quyết ùn tắc kẹt xe, trong tháng chín Phòng CSGT sẽ lắp đặt 50 bục đứng cho CSGT điều tiết giao thông tại những giao lộ, khu vực có nguy cơ ùn tắc vào giờ cao điểm. "Đây là biện pháp để người điều khiển xe thấy được hình ảnh cũng như chỉ dẫn của CSGT và tuân theo. Đó cũng là biện pháp bảo đảm an toàn cho CSGT tham gia điều tiết giao thông khi kẹt xe" - thượng tá Vân khẳng định.
Thượng tá Võ Văn Vân cũng cho biết: "Phòng CSGT đã bố trí các biển báo điện tử ở các tuyến cửa ngõ để thông báo tình hình ùn tắc kẹt xe nếu có để các phương tiện tìm hướng khác lưu thông. Hiện nay, các biển báo điện tử này được đặt trên xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13, đường Kinh Dương Vương và một biển báo trên đường Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, các thông tin trên biển báo này vẫn chưa nhanh nên yêu cầu các tài xế ôtô thường xuyên tiếp cận thông tin về tình hình giao thông qua đài FM. Phòng CSGT đã phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM triển khai thông báo kẹt xe qua thông tin trên đài, tài xế ôtô nên chủ động theo dõi thông tin tìm hướng đi khác phù hợp để giảm kẹt xe".
NGỌC HẬU
No comments:
Post a Comment