Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ban thư ký kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII.
Ngày 19 tháng 06 năm 2010, các Đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu về Dự án đường sắt cao tốc BắcNam .
Là một công dân yêu nước, tôi luôn hy vọng các vị Đại biểu Quốc hội sẽ có quyết định đúng đắn trước vấn đề trọng đại này của đất nước.
Nhằm cung cấp thêm tư liệu cho các Đại biểu Quốc hội, chúng tôi kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Thư ký kỳ họp này chuyển đến các Đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá của chúng tôi về Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trong 2 bài viết dưới đây.
Xin chân thành cảm ơn Quý vị!
Trân trọng!
TS. Nguyễn Bách Phúc,
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam :
Chỉ cần 24 tỷ USD nhưng hoàn toàn thỏa mãn mục tiêu của đường sắt cao tốc 56 tỷ USD
TS. Nguyễn Bách Phúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON
Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/4/2010, Bộ dự báo nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2030 trên hành lang Bắc - Nam là 534.000 hành khách/ngày (khoảng 195 triệu hành khách/năm), trong khi tổng năng lực của các phương thức vận tải khác chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm, từ đó Bộ rút ra kết luận: cần đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam để bù vào chỗ “hụt” 57 triệu hành khách/năm. Kết luận này là phiến diện, thiếu tính khoa học.
Khi dự toán đầu tư một Công trình nào đó, người ta đưa ra nhiều phương án, tính toán, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu. Trường hợp này, người dân có thể đi lại bằng các phương thức: đường không, đường sắt, đường bộ hoặc đường thủy. Đúng ra, Bộ GTVT phải tính toán các phương thức đầu tư khác và so sánh với việc xây đường sắt cao tốc để lựa chọn phương án kinh tế nhất, hiệu quả nhất. Nhưng Bộ GTVT đã không đưa ra các tính toán so sánh, mà đưa ra kết luận vũ đoán của mình.
Nhằm đạt mục tiêu của Bộ GTVT “bù nhu cầu “hụt” của 57 triệu hành khách/năm vào năm 2030”, có thể thấy một phương án khác mà chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư cao ngất của phương án đường sắt cao tốc. Cụ thể, nếu xây dựng hai sân bay ở hai đầu Bắc – Nam, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cho 57 triệu lượt hành khách/năm, chi phí chỉ khoảng 24 tỷ USD, chưa đến phân nửa chi phí đầu tư đường sắt cao tốc.
Theo tư vấn của công ty Hansen Partnership (Úc), sân bay Long Thành, tại huyện Long Thành, Đồng Nai, cách TP.HCM 40km, Chủ đầu tư là Cụm cảng hàng không miền Nam, Tổng mức đầu tư xây dựng chỉ 12 tỷ USD, nhưng có công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tạm tính vận chuyển 1 tấn hàng hóa tương đương vận chuyển 3 hành khách, thì 5 triệu tấn hàng hóa tương đương 15 triệu hành khách. Công suất của sân bay Long Thành tương đương 100 triệu + 15 triệu = 115 triệu khách/năm, gấp hơn 2 lần 57 triệu hành khách /năm.
Như vậy, nếu đầu tư hai sân bay ở hai đầu Bắc - Nam thì tổng kinh phí xây dựng chỉ khoảng 24 tỷ USD. Vốn đầu tư cho phương tiện thiết bị phục vụ cho việc vận chuyển 115 triệu hành khách/năm, theo kinh nghiệm của các Nhà tư vấn, vào khoảng 24 tỷ USD, trong đó tiền mua máy bay khoảng 22 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình sẽ khoảng 24 + 24 = 48 tỷ USD, nhưng lại có thể đáp ứng nhu cầu đi lại nhiều gấp đôi so với phương án đường sắt cao tốc của Bộ GTVT.
Rõ ràng rằng phương án vận chuyển 57 triệu hành khách trên hành lang Bắc Nam bằng đường hàng không chỉ tốn 48 tỷ USD/2 = 24 tỷ USD, trong khi Bộ GTVT cần tới 55,85 tỷ USD để làm đường sắt cao tốc!
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam :
TỪ THÔNG TIN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT CÓ THỂ TÍNH RA:
TỈ SUẤT LỢI NHUẬN HÀNG NĂM TRÊN TỔNG VỐN ĐẦU TƯ CHỈ TỪ 0,87% ĐẾN 0,72%, THỜI GIAN HOÀN VỐN TỪ 114,8 ĐẾN 138 NĂM!
TS Nguyễn Bách Phúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON
Khi tính toán đầu tư một Dự án, Nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, là hiệu quả kinh tế của Dự án. Trong trường hợp Đường sắt cao tốc Bắc Nam, không chỉ là Nhà Đầu tư, mà mọi Công dân và các cấp Lãnh đạo đất nước đều hết sức quan tâm.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi đọc “Báo cáo đầu tư xây dựng” của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, dài 33 trang, chỉ nói vắn tắt không đầy 2 trang về hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án, nhất là phần hiệu quả kinh tế chỉ có mấy dòng kết luận sơ sài và không có một chút thuyết minh nào. Tương tự, trong “Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội” do Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký, phần thuyết minh hiệu quả kinh tế của Dự án còn sơ sài hơn nữa.
Ngày 17 tháng 4 năm 2010, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng báo cáo TVQH, Tổng vốn đầu tư toàn Dự án là 55,853 tỷ USD, trong đó phần vốn đầu tư cho Thiết bị là 9,587 tỷ USD. Khi trả lời câu hỏi về hiệu quả kinh tế của Dự án, ông Bộ trưởng nói đại ý: Vốn đầu tư cho Phần xây dựng công trình sẽ do Chính phủ chịu, không phải thu hồi, Nhà đầu tư chỉ đầu tư Phần thiết bị và tổ chức kinh doanh vận hành, nên chỉ dự kiến thu hồi vốn thiết bị, và Thời gian thu hồi vốn thiết bị nhanh nhất là từ 10 đến 12 năm. Trong “Báo cáo đầu tư xây dựng” và trong “Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội” cũng viết Thời gian thu hồi vốn thiết bị nhanh nhất là từ 10 đến 12 năm.
Từ văn bản cũng như từ câu trả lời của ông Bộ trưởng, tức là từ chính nguồn thông tin của chính ông Bộ trưởng, chúng tôi xin đưa ra một vài phân tích, để thấy rõ thực chất hiệu quả kinh tế của Dự án này.
Căn cứ vào Thời gian thu hồi vốn đầu tư, có thể tính được Lợi nhuận hàng năm của Dự án. Sẽ tính cho 2 trường hợp 10 năm và 12 năm của ông Bộ trưởng.
Với Thời gian thu hồi vốn đầu tư Thiết bị là 10 năm, thì Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án sẽ là 9,587 tỷ USD/10 năm = 0,958 tỷ USD/năm,
Tương tự, với Thời gian thu hồi vốn đầu tư Thiết bị là 12 năm, thì Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án sẽ là 9,587 tỷ USD/12 năm = 0,797 tỷ USD/năm.
Có thể tính Tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư bằng cách lấy Tổng đầu tư chia cho Lợi nhuận hàng năm.
Vấn đề ở đây là: Tổng vốn đầu tư của toàn Dự án có phải là 55,853 tỷ USD hay không? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng ở đây chúng tôi chỉ xét một yếu tố rất đơn giản và rất rõ ràng: Tuổi thọ của công trình xây dựng và Tuổi thọ của thiết bị.
“Báo cáo đầu tư” và “Tờ trình” không nói rõ Tuổi thọ của công trình xây dựng này là bao nhiêu năm. Nhưng chúng ta có thể ước tính tối đa là 100 năm. Điều này có thể minh chứng một cách trực quan. Ví dụ cầu Long Biên khánh thành năm 1904, đến nay hơn100 tuổi vẫn còn làm việc, tuy không còn giữ được vai trò ban đầu của mình nữa, hoặc như đường sắt Xuyên Việt khánh thành năm 1939, đến nay đã được 71 tuổi, vẫn là tuyến đường sắt trụ cột của Việt Nam.
“Báo cáo đầu tư” và “Tờ trình” cũng không nói rõ Tuổi thọ của Thiết bị là bao nhiêu năm. Tuổi thọ của Thiết bị trong ngành GTVT hiện nay là khoảng 10 đến 15 năm. Điều này cũng có thể thấy một cách trực quan, ví dụ một chiếc Ô tô “xịn” chỉ mới 10 tuổi đã trở thành “đồ cổ” lỗi thời lỗi mốt. Đặc biệt, các thiết bị điện tử tin học tự động hóa, chỉ 4, 5 năm hoặc vài ba năm đã buộc phải thay thế, vì không còn đáp ứng được những tiến bộ vũ bão của công nghệ. Trường hợp các thiết bị của đường sắt cao tốc, là loại thiết bị hiện đại, chắc chắn sử dựng nhiều công nghệ cao và trình độ tự động hóa rất cao, chúng ta khó xác định được chính xác tuổi thọ, nhưng ở đây có thể tạm tính với con số hết sức lạc quan là 15 năm.
Như vậy, vốn đầu tư cho thiết bị 9,583 tỷ USD chỉ có giá trị trong 15 năm. Sau 15 năm Chủ đầu tư lại phải sắm mới. Cứ tạm cho rằng, sau mỗi 15 năm, giá thiết bị không thay đổi, nghĩa là sau mỗi 15 năm chúng ta lại buộc phải bỏ ra 9,583 tỷ USD để sắm mới. Nếu không sắm mới thì Công trình Đường sắt cao tốc chỉ còn bỏ hoang.
Với tuổi thọ của công trình là 100 năm, số lần mua sắm thiết bị sẽ là 100/15 lần. Số lần mua sắm thiết bị sau lần sắm đầu tiên là (100/15 -1) lần. Tổng số tiền mua sắm thiết bị về sau, sau 15 năm đầu tiên, là: (100/15 – 1) x 9,583 tỷ USD = 54,304 tỷ USD.
Tóm lại, để Dự án vận hành trong suốt tuổi thọ, thì Tổng vốn đầu tư sẽ là:
55,853 tỷ USD + 54,304 tỷ USD = 110,157 tỷ USD.
Có thể tính được Tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư trong 2 trường hợp của Ông Bộ trưởng:
- Với Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án là 0,958 tỷ USD/năm, Tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư sẽ là: (0,958 tỷ USD/năm)/ 110,157 tỷ USD = 0,87%
- Với Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án là 0,797 tỷ USD/năm, Tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên Tổng vốn đầu tư sẽ là: (0,797 tỷ USD/năm)/ 110,157 tỷ USD = 0,72%
Cũng có thể tính được Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án:
- Với Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án là 0,958 tỷ USD/năm, Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án sẽ là: 110,157 tỷ USD/(0,958 tỷ USD/năm) = 114,8 năm
- Với Lợi nhuận hàng năm của toàn Dự án là 0,797 tỷ USD/năm, Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án sẽ là: 110,157 tỷ USD/(0,797 tỷ USD/năm) = 138 năm
Chúng tôi thấy những con số này rất ấn tượng, và đáng suy nghĩ. Chúng phản ánh rất rõ ràng và rất khách quan hiệu quả kinh tế của Dự án.
Xin lưu ý rằng trong điều kiện không có những thông tin đầy đủ và chi tiết về Dự án, những tính toán trên đây chỉ dựa trên những nguyên tắc cơ bản, cho nên độ chính xác của tính toán ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được. Còn nếu có đầy đủ thông tin về Dự án, để có thể tính toán chính xác hơn, chúng tôi nghĩ rằng kết quả tính toán sẽ còn ấn tượng hơn và đáng suy nghĩ hơn!
No comments:
Post a Comment