Wednesday, October 22, 2014

“Không Bộ trưởng nào có quyền răn đe, hạn chế Đại biểu QH”

Báo Mới, ngày 23/10/2014,        http://www.baomoi.com/Quyen-cua-DBQH-phai-duoc-ton-trong/121/15100556.epi,        - Xung quanh dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng: Vấn đề rất quan trọng là quyền hạn của ĐBQH phải được tôn trọng.

ĐBQH có quyền bày tỏ chính kiến, tuy nhiên khi có ĐBQH nói về vấn đề đấu thầu giá thuốc, và phí bôi trơn khi làm sổ đỏ ở Hà Nội lại bị đề nghị đưa ra chứng cứ. Theo ông, việc các cơ quan chức năng yêu cầu như vậy có vi phạm quyền của ĐBQH không?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Thực tế hiện nay nhiều ĐB làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ, bên cạnh nhiệm vụ ĐBQH, trong đó nhiều người là thành viên của hệ thống hành chính nhà nước hoặc trong tổ chức của Đảng, đoàn thể. Thực tế này khiến cho nhiều ĐBQH phải xử lý mối quan hệ giữa các nhiệm vụ và các yêu cầu đôi lúc là mâu thuẫn hoặc là xung đột lẫn nhau. ĐB nào cùng lúc gắn nhiều nhiệm vụ như vậy thì phải hết sức bản lĩnh và dũng khí.
Rõ ràng khi là ĐBQH anh phải làm tốt nhiệm vụ dân cử. Về thời gian, chí ít cũng phải dành 30% trở lên, nhưng thời gian chỉ là yếu tố có tính chất định lượng, quan trọng hơn là nội dung, phương pháp và nỗ lực, quyết tâm của người đó khi làm nhiệm vụ ĐBQH trong đó bao gồm việc xử lý các mối quan hệ khác nhau. Thế thì có lúc sẽ dẫn đến chuyện xung đột lợi ích. Khi ĐBQH hành xử không sai luật, đúng với chức trách và trách nhiệm của ĐBQH thì lãnh đạo bộ, ngành nào đó phải chấp nhận và tốt nhất là đối thoại trực tiếp để có một giải trình công khai minh bạch cho cử tri, đó là cách làm tốt nhất. Chúng ta xem lại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Quốc hội đang sửa đổi thì ĐBQH hoàn toàn có quyền chất vấn, yêu cầu cung cấp thông tin, có quyền yêu cầu giải quyết những vấn đề tồn tại và có quyền bày tỏ chính kiến.
Trường hợp ĐBQH đã phản ánh chất vấn công khai trước mặt cử tri nhưng lại bị phản ứng. Như vậy là can thiệp một cách không lành mạnh?
- Tôi tin rằng hiện nay các Bộ trưởng đều hiểu rõ mối quan hệ. Nếu trong ngành của mình có ĐBQH là ưu thế, thế mạnh của ngành. Do đó tốt nhất là các Bộ trưởng đối xử đối với các vị ĐBQH không nên thuần túy coi họ là cán bộ cấp dưới mà nên đối xử với cả hai cương vị của họ. Không phải vì họ là cấp dưới của mình mà không tôn trọng họ với tư cách là ĐBQH. Nếu có mối quan hệ được xây dựng tốt giữa các Bộ trưởng hay lãnh đạo chính quyền với những thuộc cấp của mình đang là ĐBQH thì có lợi cả cho xã hội, nhân dân và cho ngành.
Trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã xác định ĐBQH là trung tâm, là hạt nhân tạo thành sức mạnh của QH. Nhưng làm sao để ĐBQH thực sự trở thành trung tâm?
- Khi đã nói đến QH thì ĐBQH là những nhân tố hợp thành QH và hiệu quả của QH được quyết định bằng hiệu quả làm việc của ĐBQH. Nếu ĐBQH năng lực, đạo đức kém thì ảnh hưởng ngay đến hoạt động của toàn bộ QH. Do đó chúng ta trở lại chuyện như tôi nói vai trò và trách nhiệm quyền hạn của ĐBQH phải được tôn trọng, cho dù họ có là cấp dưới của mình thì cũng đừng quên họ là ĐBQH. Tốt nhất là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Nếu xây dựng mối quan hệ tốt đẹp thì khi có vấn đề ĐBQH đó nói thẳng với Bộ trưởng. Bộ trưởng khắc phục sửa chữa ngay thì như thế hai bên cùng được.

Trân trọng cảm ơn ông!
H.Vũ-M.Loan (ghi)

No comments:

Post a Comment