Liên hiệp hội tỉnh/thành
Chưa có dự án nào làm đến nơi đến chốn.
Tổng chiều dài cống thoát nước cấp 2-3 của thành phố (TP) hiện khoảng 944km, mới đáp ứng 30% nhu cầu thoát nước của TP. Hiện 30% chiều dài cống trên cần phải phục hồi - nâng cấp; 12% không đủ thoát nước, gây úng ngập; 40% cần sửa chữa lớn và 18% cần sửa chữa nhỏ...
Đô thị hoá đã “góp phần” biến 12.648ha đất nông nghiệp, ao hồ, kênh rạch thành đất xây dựng, làm mất nơi chứa nước mưa và nước triều dâng, nên hiện tượng ngập úng xảy ra triền miên. Có 68km kênh rạch hầu hết bị bồi lấp, có gần 30.000 căn nhà lấn chiếm ngăn dòng chảy...
TP. Hồ Chí Minh có nhiều dự án - với hàng ngàn tỉ đồng đã bỏ ra chống ngập - song vẫn không... bít hết các điểm ngập úng. Chỗ này hết ngập, thì lại... “xì” ra chỗ ngập khác. Năm 2006, TP vẫn còn tới 105 điểm ngập do mưa và triều cường gây ra. Trong đó, riêng nội thành có 40 điểm, tăng hơn trước tới 6 điểm. Và con số hiện nay, toàn TP. Hồ Chí Minh đã có 124 điểm ngập.
Kỹ sư Phan Khánh cho biết: Quy hoạch chống úng ngập của TP được Chính phủ phê duyệt năm 2001. Trong 650km2 quy hoạch, giá đầu tư khoảng 40.000 tỉ đồng (hiện nay là 60.000 tỉ đồng). Nhưng đến nay, mới thực hiện được 5.000 tỉ đồng, xấp xỉ 10%, lại không tập trung dứt điểm được một phần nào, khu vực nào của bài toán chống ngập. Theo GS.TS Nguyễn Ân Niên, các dự án nâng đường chống ngập, dự án giao thông được triển khai mà phần thoát nước lại chưa quan tâm đúng mức.
Thí dụ: Đại lộ Đông Tây, để tránh giải toả, người ta san lấp một phần kênh Tàu Hủ, thu hẹp dòng chảy. Nhiều đường giao thông nâng cấp, tôn cao làm các khu dân cư bị quây kín thành... túi chứa nước. Thậm chí, khi làm cụm giao thông Bình Triệu, lại quên làm cống thoát nước v.v... Chưa có một dự án chống ngập úng nào làm đến nơi đến chốn.
Đến 2020 mới hết ngập úng?
GS Nguyễn Sinh Huy cho rằng: “TP muốn phát triển ra biển, tức xuống vùng đầm lầy; như vậy, muốn chống ngập úng, chắc chắn phải làm cho được 3 nhiệm vụ: Kiểm soát lũ, kiểm soát triều và tiêu thoát nước mưa. Đó là bài toán thoát nước đô thị”. TS Nguyễn Hồng Bỉnh nói: “Phải tạo các hồ điều tiết ngập úng ở khu nam Sài Gòn.
Khu vực trung tâm TP hiện là nơi trũng nhất, thì dùng biện pháp chôn nước tại chỗ, tiêu nước cục bộ; kết hợp với cải tạo hệ thống cống, tạo thành hồ chứa bêtông dưới lòng đường hoặc các công viên, lợi dụng nguồn nước lắng đọng để tưới cây, phòng, chống cháy, rửa vệ sinh đường phố, tiết kiệm nước sạch sinh hoạt”. do muc may in tai nha quan tan binh
Trong lúc đó, PGS.TS Nguyễn Văn Điềm và TS Nguyễn Quang Cầu đề xuất phải giữ lại một phần đất ngập triều của lưu vực (không san lấp hết), mà còn xây dựng thêm hồ điều tiết triều để góp phần chống ngập. Với TS. Dương Văn Viện (Trường ĐH Thuỷ lợi), việc chống ngập úng ở TP. Hồ Chí Minh - nói nôm na - phải giải quyết tốt 3 giải pháp: Rải nước (dồn nước từ cao xuống thấp), chôn nước (có ao, hồ, vùng trũng trữ nước khi mưa) và tháo nước (tiêu nước ra sông rạch).
Gần đây, một lãnh đạo Sở Giao thông công chính TP. Hồ Chí Minh tiên lượng đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh mới hết ngập úng (?); đồng nghĩa hơn 1 thập kỷ nữa, TP. Hồ Chí Minh vẫn... ì ạch sống trong ngập úng.
No comments:
Post a Comment