Cấm xe máy, ôtô lưu thông một số đường, thu phí ôtô ở những đường thường xuyên ùn tắc… Đó là một trong những nội dung của các nhóm giải pháp trong dự thảo kế hoạch khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM vừa được UBND TP trình thường trực HĐND TP góp ý.
Theo dự thảo kế hoạch, UBND TP.HCM giao Sở GTVT chủ trì xây dựng kế hoạch cấm môtô, xe máy, ôtô lưu thông trên các tuyến đường vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện của từng khu vực, báo cáo UBND TP trong quý 1-2009, trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện, loại phương tiện giao thông, thời gian cấm… Trước mắt, có thể áp dụng thí điểm một số tuyến trên địa bàn quận 1 như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
Cùng với giải pháp cấm ôtô, xe máy lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm, UBND TP giao các cơ quan tham mưu về chính sách tài chính cụ thể để hạn chế phát triển xe cá nhân, đề xuất Bộ Tài chính hoặc trình Chính phủ quy định phí, lệ phí liên quan đến phương tiện giao thông cá nhân. Quy định này sẽ được ban hành đầu năm 2009. Kế hoạch cũng nêu rõ: các đơn vị liên quan đề xuất nghiên cứu quy hoạch, bố trí hệ thống thu phí giao thông trên địa bàn TP, trong đó tính đến giải pháp áp dụng thu phí giao thông điện tử (ERP) đối với ôtô theo hướng: phải trả tiền khi lưu thông vào các tuyến đường thường ùn tắc giao thông, tiền phí tùy thuộc mức độ ùn tắc giao thông của tuyến đường đó.
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng
Bốn nhóm giải pháp chống ùn tắc giao thông * Giải pháp về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. * Thực hiện quy hoạch và di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện... ra ngoài khu vực trung tâm TP. * Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cuộc vận động xây dựng “nếp văn hóa giao thông” và “văn minh đô thị”, tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị. * Đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả. |
Một trong những giải pháp cơ bản được đặt ra trong kế hoạch vẫn là phát triển loại hình vận tải công cộng. Quý 4-2008 đến năm 2010 sẽ tổ chức 1-2 làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt lưu thông. Từ nay đến cuối năm tổ chức thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt trên tuyến Trường Chinh, Điện Biên Phủ, quốc lộ 52, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai trên các hành lang còn lại.
Đầu năm 2009, các sở ngành liên quan tổ chức loại xe buýt chuyên trách cho cán bộ, công nhân, học sinh… tiếp tục thực hiện quy định cấm học sinh dưới 18 tuổi tại các trường phổ thông sử dụng môtô hai bánh có dung tích xilanh trên 50cm3. Từ năm học 2009-2010, vận động học sinh không sử dụng các loại môtô hai bánh đi học và tổ chức đưa đón ít nhất 5% số học sinh các trường cấp I, II, III. Đối với công nhân, từ nay đến cuối năm 2008 tiếp tục vận động để năm tới có khoảng 8-10% đi làm bằng phương tiện công cộng (hiện nay là 3%). Khi đi xe buýt, công nhân chỉ trả phân nửa chi phí, phần còn lại doanh nghiệp đóng góp và Nhà nước trợ giá. Từ năm 2010 trở đi, tất cả doanh nghiệp có trên 100 công nhân đóng tại TP phải tự tổ chức hoặc hợp đồng xe đưa đón công nhân.
Tháo dỡ ngay “lô cốt”
“Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công tập trung thi công ba ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian chiếm dụng mặt đường”, giải pháp này đề ra cho các dự án có “lô cốt”. Khi kết thúc thời hạn thi công mà nhà thầu vẫn tiếp tục rào chắn thì kiên quyết tháo dỡ “lô cốt”. Cho phép Sở GTVT thực hiện cơ chế: 24 giờ sau khi tháo dỡ “lô cốt” nhưng đơn vị thi công không tái lập hoàn chỉnh mặt đường thì các khu quản lý giao thông đô thị sẽ tái lập, chi phí này chủ đầu tư phải thanh toán lại cho Khu quản lý giao thông đô thị.
Các đơn vị có trách nhiệm phải tăng cường kiểm tra các “lô cốt” và có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, nếu dự án nào để xảy ra ùn tắc giao thông phải đình chỉ thi công, trường hợp ùn tắc giao thông nghiêm trọng yêu cầu đơn vị thi công trả ngay mặt bằng để người dân lưu thông.
Một giải pháp khá mới lần này là có sự giám sát của cộng đồng trong quá trình thi công dự án. Sau một tuần kể từ ngày được bàn giao công trình thi công, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công phải liên hệ với chính quyền địa phương thành lập tổ giám sát cộng đồng. Tổ này họp một lần trong tuần và kết quả cuộc họp sẽ lập thành biên bản, báo cáo Sở GTVT.
Hạn chế xây mới ở khu trung tâm
TP xác định từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư các trục đường chính theo hướng hạn chế giải phóng mặt bằng khu vực trung tâm TP, mở rộng từ ngoài vào trong nội ô, kết hợp chỉnh trang đô thị dọc tuyến... Để giải quyết tình trạng “ì ạch” ở các công trình trọng điểm, dự thảo kế hoạch đề xuất giao Sở Nội vụ nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo, tái định cư thuộc các dự án giao thông cấp TP. Đồng thời UBND TP có kế hoạch xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo quỹ nhà tái định cư phục vụ các công trình trên.
Nội dung của dự thảo kế hoạch cho biết trụ sở các cơ quan hành chính của TP tại khu vực trung tâm hiện nay được bố trí tương đối hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại của người dân cũng như việc phối hợp công tác giữa các cơ quan. Tuy nhiên vẫn có một số trụ sở chưa thuận tiện. Do vậy Sở Quy hoạch - kiến trúc nghiên cứu sắp xếp lại các trụ sở tại khu trung tâm. Riêng các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện… hướng sắp tới không xây dựng mới mà từng bước chuyển thành các trung tâm, cơ sở nghiên cứu đào tạo chuyên sâu, cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, chỉ xây dựng mới tại các quận mới, huyện ngoại thành, các cửa ngõ của TP.
Do việc xây dựng các cao ốc ở khu trung tâm TP quá nhanh khiến kết cấu hạ tầng khu vực này không theo kịp, sắp tới TP sẽ dãn việc xây dựng các cao ốc, đẩy nhanh việc chuẩn bị đầu tư các khu đô thị vệ tinh như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc, khu An Phú Hưng, Bình Quới - Thanh Đa, khu công nghệ cao… để dãn dân, giảm áp lực giao thông lên hệ thống nội ô.
Trong giải pháp chống ùn tắc giao thông, TP cũng đề xuất điều chỉnh lệch giờ làm việc, giờ học, di dời các cảng trong khu vực nội thành đúng tiến độ, góp phần hạn chế ách tắc giao thông khu vực nội thành…
Thận trọng khi hạn chế xe máy Theo các chuyên gia, thời điểm tốt nhất thực hiện việc hạn chế xe cá nhân ở TP.HCM là khi đã có hệ thống xe buýt thật tốt, đã hình thành các tuyến metro, monorail, các bãi đậu xe ngầm… ở khu trung tâm TP. Một số ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta chưa đủ điều kiện như vậy nên cần thận trọng khi đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân, phải tính toán khoa học nhằm tránh gây xáo trộn đời sống người dân cũng như không ảnh hưởng tới giao thông đô thị. Chuẩn bị chưa kỹ đừng nên làm Ông Trần Xuân Dũng - phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh: “Không nên thu phí giao thông người sử dụng xe máy vì sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người lao động. Vấn đề cơ bản nhất hiện nay là TP phải xây dựng hệ thống xe buýt phát triển thật tốt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và phải bảo đảm thời gian đi lại của người dân. Từ đó, người dân mới có thể từ bỏ xe máy để đi xe buýt”. Đồng tình với ý kiến này, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - cho rằng hạn chế xe máy bằng cách thu phí giao thông trong khi xe buýt vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thì người dân không cảm thấy hài lòng. Chủ trương hạn chế xe máy chỉ nên thực hiện khi TP phát triển vận tải hành khách công cộng thật tốt. Vài năm nữa mới có bãi đậu xe Hiện nay chỉ có dự án bãi đậu xe ở công viên Lê Văn Tám (Q.1) có khả năng khởi công sớm nhất là sau Tết Nguyên đán 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2011, trong khi nhiều bãi đậu xe khác ở khu vực trung tâm TP vẫn còn trên giấy. Ông Trần Luân Ngô - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) - cho biết như vậy. Mới đây UBND TP.HCM đồng ý giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cùng các sở ngành nghiên cứu lập dự án khu phố đi bộ có khai thác tầng hầm kinh doanh thương mại tại khu vực đường Nguyễn Huệ. Đồng thời nghiên cứu đường Tôn Đức Thắng - dọc bờ tây sông Sài Gòn - để khai thác hầm để xe và kinh doanh thương mại dịch vụ, nhằm đưa khu vực này vào phục vụ người dân TP và du khách đến vui chơi, mua sắm. Trong khi đó, một dự án xây dựng hầm ngầm đậu xe sau Nhà hát TP đã bị đình chỉ để tìm vị trí xây dựng khác. Như vậy, phải mất nhiều năm nữa tại khu vực được quy hoạch khu phố đi bộ mới có bãi đậu xe ngầm. NGỌC ẨN |
Nguồn: PHÚC HUY - Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment