Wednesday, October 1, 2014

Những giải pháp chống kẹt xe

Giao lưu trực tuyến với Giám đốc sở GTCC TPHCM Trần Quang Phượng
Mở đầu buổi giao lưu, Giám đốc Sở Giao thông – Công chính TPHCM Trần Quang Phượng, người đứng đầu cơ quan tham mưu cho UBNDTP về đề án chống ùn tắc giao thông bộc bạch: TPHCM đã xây dựng đề án chống kẹt xe và đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên một số mục tiêu đề ra chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

3.Hinh_1Tháng 1-2007, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đây là tiền đề để Sở GTCC triển khai thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tại diễn đàn này, ngoài những giải pháp do Sở GTCC đề ra, chúng tôi mong muốn bạn đọc báo SGGP góp ý, hiến kế những giải pháp chống ùn tắc giao thông tại TPHCM. 


Bùi Đình Linh - Nam - quận Gò Vấp

- Quy hoạch giao thông TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở GTCC sẽ triển khai thực hiện như thế nào? Khâu nào là khâu đột phá?
- “Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020” được phê duyệt với mục tiêu làm cơ sở để xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hoá mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 nhằm đảm bảo cho thành phố phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, lâu dài, góp phần đưa thành phố trở thành một đô thị trung tâm cấp quốc gia, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Quy hoạch được nghiên cứu không chỉ trong phạm vi hành chính riêng của thành phố Hồ Chí Minh mà được nghiên cứu trong bán kính ảnh hưởng từ 30-50km bao gồm các đô thị xung quanh như Dĩ An, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai); Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu); Đức Hòa, Bến Lức, Tân An (Long An).
Vì vậy, việc thực hiện quy hoạch nhất là thực hiện các dự án đường vành đai 3, 4; các dự án đường cao tốc; các dự án đường sắt quốc gia phải gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp đồng bộ, phân công trách nhiệm giữa thành phố Hồ Chí Minh với Bộ GTVT và các tỉnh trong vùng.
 3.Hinh_2

Tuy nhiên, TPHCM có vai trò chủ yếu trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch này. Sở Giao thông - Công chính thành phố là ngành chủ lực, sẽ cùng với các sở, ngành khác và UBND các quận, huyện tham mưu cho lãnh đạo thành phố đề ra các biện pháp thích hợp để thực hiện thắng lợi quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Trong giai đoạn từ nay đến 2010, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố phải phấn đấu tăng bình quân 12% trở lên để tạo tiền đề cần thiết phát triển bền vững và giữ tốc độ tăng trưởng ổn định cho những năm tiếp theo. Như vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế, dự báo dân số thành phố sẽ gia tăng, cộng với việc gia tăng nhanh phương tiện giao thông cá nhân sẽ làm cho tình hình giao thông đô thị của thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Khâu đột phá thực hiện ở đây là phải tiếp tục và tập trung để thực hiện các dự án ưu tiên giai đoạn từ nay đến năm 2010 đã được xác định trong quy hoạch để thu hút được các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và hạn chế ùn tắc giao thông đô thị.
Cụ thể là phải tập trung đầu tư phát triển nhanh, mạnh công trình và mạng lưới giao thông đối ngoại để tiến dần tách giao thông đối ngoại với giao thông nội thị như các dự án trên tuyến đường vành đai số 2; tập trung sức xây dựng mở rộng các tuyến đường cửa ngõ thành phố; các đường nối các tỉnh và khu vực kinh tế trong vùng; các đường liên kết các cảng, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất; đường xuyên tâm, đường nội đô chính; tiến hành các bước chuẩn bị để xây dựng các đường cao tốc và đường đô thị trên cao; hoàn thành phê duyệt dự án và tổ chức lập thiết kế kỹ thuật một số tuyến metro, xe điện mặt đất; khởi công xây dựng một số bãi đậu xe ngầm trong khu vực trung tâm thành phố.
Hoàng Mùi - Nam 30 tuổi - quận Bình Tân

- Có ý kiến cho rằng mạng lưới xe buýt hiện nay tại TP là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe, ông nghĩ thế nào?
- Thoạt nhìn thì cảm giác đó có thể đúng vì về số lượng chuyến xe buýt trong ngày, so với cách đây 5 năm, đã tăng lên 16 lần: từ 1.000 chuyến /ngày(năm 2002), tăng lên 16.000 chuyến /ngày(năm 2006).
Thêm vào đó,  thời gian giãn cách giữa các chuyến đã rút ngắn xuống còn bình quân 7phút/chuyến (trong giờ cao điểm ) và 10phút/chuyến (trong giờ thấp điểm);  thậm chí có tuyến nay chỉ có 2-3phút/chuyến nên chúng ta có thể thấy trước mặt, sau lưng đều có xe buýt. Từ đó, dễ cho rằng xe buýt chính là nguyên nhân gây kẹt xe.
Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ lại thì sẽ thấy khá rõ: Một hành khách đi xe buýt chỉ chiếm tối đa một diện tích 1,5m2   trong khi một xe gắn máy chiếm diện tích gấp 6-7 lần (10-11m2) nên nói xe buýt gây ra kẹt xe là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự phát triển xe cá nhân. 5 năm qua xe buýt phát triển lên 3.282 xe, chỉ tăng 1.000 xe so với cách đây 3 năm, nhưng cùng trong thời gian này TP  tăng thêm gần 800.000 xe gắn máy, trên 100.000 ô tô các loại, đó là chưa kể khoảng 500.000 xe gắn máy của cư dân các tỉnh đến làm việc tại TP.
Vì vậy, hình ảnh kẹt xe là xe gắn máy bao quanh xe buýt. Với tốc độ đăng ký gần 1.000 xe/ngày như hiện nay thì không có diện tích mặt đường nào có thể đáp ứng nổi. Đây là thông tin để chúng ta cùng suy gẫm.
Nguyễn Long - Nam - quận Phú Nhuận

- Tiền trợ giá cho xe buýt tăng đều đặn mỗi năm. Tại sao không tìm thêm nguồn thu để đỡ gánh nặng này. Ví dụ:như cho đăng quảng cáo trên xe buýt?
-  Tiền trợ giá cho xe buýt mỗi năm một tăng là phù hợp với qui luật phục hồi và phát triển của bất cứ hệ thống VTHKCC nào vì ban đầu bắt buộc phải tạo niềm tin, tạo một thói quen và tăng về số lượng xe, tuyến để mở rộng mạng lưới cho nhân dân đi lại thuận lợi.
Vấn đề là phải xem xét về mặt hiệu quả kinh tế. Kết quả đạt được mấy năm qua đã đáp ứng làm chủ đầu tư. Ngày 2/11/2006 Sở Giao thông - Công chính đã có công văn số 2616/SGTCC-GT chấp thuận cho đơn vị tư vấn cũ tiếp tục khảo sát và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình này. Bên cạnh đó để đảm bảo giao thông cho người dân, Sở Giao thông - Công chính đã có công văn số 340/SGTCC-KH ngày 2/11/2006 về việc giao nhiệm vụ cho Khu quản lý giao thông đô thị số 01 sửa chữa đảm bảo giao thông tuyến đường này.
- Tuyến đường Bình Long: Dự án này do Sở Giao thông - Công chính quản lý. Dự án này nằm trên trục đường Bình Long, đường Phan Anh và đường An Dương Vương. Sở Giao thông - Công chính đang phối hợp với 3 quận (quận 6, Bình Tân, Tân Phú) đề triển khai dự án này.
Cao Thị Nga - Nam - phường Thạnh Lộc, quận 12

- Gần đây báo chí cảnh báo rất nhiều về các cầu cũ, cầu yếu trong đó có cầu Phú Long chỗ tôi ở. Mặc dù cách đây rất lâu chúng tôi đã nghe Sở GTCC triển khai xây dựng cầu mới, thế nhưng cho đến nay, khi cầu xuống cấp rất nghiêm trọng chúng tôi vẫn chưa thấy triển khai xây dựng cầu mới?
3.Hinh_3
- Dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Long đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thống nhất chủ trương đầu tư tại cuộc họp ngày 29/12/2005.
Trên cơ sở nội dung chỉ đạo thống nhất giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Sở Giao thông - Công chính thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải nhanh chóng triển khai công tác lập dự án; đồng thời Sở Giao thông - Công chính thành phố Hồ Chí Minh cũng đã báo cáo xin ý kiến và được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chấp thuận về vị trí, quy mô và một số yếu tố kỹ thuật chính của dự án.

Đến nay, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác lập dự án và thiết kế cơ sở của dự án đang được Sở Giao thông - Công chính tổ chức thẩm định. Dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Long mới có chiều dài khoảng 1,5km, với quy mô mặt cắt ngang gồm 06 làn xe, chiều rộng mặt cắt ngang từ 26m÷48,5m; tổng kinh phí hoàn thành dự kiến khoảng 650 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Phú Long mới sẽ bắt đầu từ đường Hà Huy Giáp (quận 12) tại điểm giữa ngã ba Chợ Đường và cầu Ông Đụng (cách ngã ba Chợ Đường khoảng 420m và cách cầu Ông Đụng khoảng 350m) và kết thúc tại khu vực ngã 3 Mũi Tàu thuộc địa bàn huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Long sẽ được phê duyệt trong quý 2/2007; triển khai và hoàn thành công tác lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán trong quý 3/2007; dự án sẽ bắt đầu được triển khai thi công vào  đầu năm 2008 (sau khi thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng) và hoàn thành sau 2 năm.
Thanh Hùng - Nam - Cần Thạnh, Cần Giờ

Tôi ở Cần Giờ, rất vui khi thấy thành phố quyết tâm nâng cấp mở rộng tuyến đường Rừng Sác, nhưng sau một thời gian thi công, đến nay lại đào đất đá đi để trồng cây lại rất lãng phí, xin Sở GTCC hãy giải thích lý do tại sao và bao giờ tuyến đường này hoàn thành?
1. Về việc đào bỏ cát nền đường :
Công trình Cải tạo, mở rộng và nâng cấp đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ (giai đoạn 1: hoàn chỉnh nền hạ) được đầu tư với mặt cắt ngang rộng 6 làn xe, cụ thể như sau:
Đoạn 1: qua trung tâm xã Bình Khánh (Km+00 - Km+300): dài 300m, lộ giới 30m
Đoạn 2: ngoài trung tâm xã Bình Khánh đến ngã tư Nhơn Trạch (Km0+300 - Km1+500): dài 1200m, lộ giới 30m
Đoạn 3: từ ngã tư Nhơn Trạch đến cầu An Nghĩa (Km1+500 - Km10+775): dài 8.365,5m, lộ giới 120m
Đoạn 4: từ cầu An Nghĩa đến cầu Dần Xây (Km10+775 - Km23+0): dài 8.563,75m, lộ giới: 120m
Đoạn 5: từ cầu Dần Xây đến cầu Hà Thanh (Km23+0 -Km35+494,5): dài 11.732,5m, lộ giới 60m, hiện đã giải tỏa 42m
Đoạn 6: từ cầu Hà Thanh đến ngã ba Long Hoà (Km35+494,5 - Km36+029,25): dài 534,75m, lộ giới 60m, hiện đã giải tỏa 60m
Đoạn 7: từ ngã ba Long Hoà đến ngã tư đường đi khu du lịch 30/4 (Km36+029,25 + Km36 + 550,4): dài 521,15m, lộ giới 40m.

Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã được thực hiện hoàn thành hơn 80% khối lượng.
Do có sự thay đổi mặt cắt ngang công trình theo hướng tăng mật độ cây xanh trên toàn tuyến nhằm phù hợp với cảnh quan thiên nhiên (đường đi trong rừng) và phục vụ mục đích du lịch nên ở một số đoạn phải điều chỉnh mở rộng dãy phân cách giữa. Tại các vị trí này, khối lượng cát nền đường thực hiện ở giai đoạn 1 sẽ phải thay thế bằng đất hữu cơ phù hợp cho việc trồng cây xanh.
2. Về tiến độ thực hiện

Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã được thực hiện hơn 80% khối lượng. Giai đoạn 2 của dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ và sẽ triển khai tiếp theo ngay sau khi giai đoạn 1 được thi công xong.
Hồng Hoa - Nam - (Quận 10)

- Hình như Sở GTCC đã bỏ “Ngày đi xe buýt vào thứ tư” hàng tuần? Sở không gương mẫu thì vận đông ai?
-  Thực ra chủ trương này vẫn tồn tại, chúng tôi chỉ chuyển đổi hình thức thực hiện: “Thay vì đồng loạt đi vào ngày thứ tư, nay đi vào các ngày trong tuần tuỳ theo lịch công tác của mỗi người”. Cụ thể là hàng tháng, chúng tôi vẫn còn cho tổ chức bốc thăm trúng thưởng vé tập đối với những người sử dụng xe buýt để đi lại làm việc nhiều ngày (xác xuất trúng thưởng cao hơn).
Biện pháp này còn thể hiện ý thức tự nguyện của anh em, không có tính chất bắt buộc, dễ được anh em chấp nhận hơn.
Đình Tiến - Nam - Quận 9

- Sử dụng xe Mercedes 80 chỗ ngồi để chở công nhân viên rồi đợi ở đó tới chiều mới đón về. Như thế có lãng phí?
3.Hinh_4

- Hiệu quả kinh tế do đơn vị vận tải tính toán và điều phương tiện.Tuy nhiên,  định mức thanh toán cho DN, nhà nước không  tính ở mức năng suất này. Mặt khác, Sở GTCC đang áp dụng hình thức đưa đón công nhân theo hợp đồng có đóng góp của Doanh nghiệp và mức trợ giá Nhà nước không quá  30-40% chi phí chuyến đi.
Phạm Trọng Thi - Nam - Thanh Đa

- Thiết nghĩ Thành phố chưa nên đầu tư công trình chống ngập hàng trăm tỷ đồng trong khi chỉ tốn chưa tới 200 triệu là khu vực Lô chữ và chợ Thanh Đa đã hết ngập. Khi xây dựng nên tham khảo ý kiến người dân sở tại. Xin ông Giám đốc cho ý kiến về sự lãng phí trên và công trình chống ngập bán đảo Thanh Đa bao giờ hoàn thành?
- Việc giải quyết triệt để tình trạng ngập nước tại khu cư xá Thanh Đa phường 27 quận Bình Thạnh được thực hiện bởi gói thầu B thuộc dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố lưu vực Tân Hoá - Bến Nghé. Trong gói thầu này có hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước bằng bơm khu vực Thanh Đa bao gồm xây dựng 780 mét cống có đường kính từ D800 đến D1200, làm 9 van một chiều để ngăn triều, xây dựng kè bê tông cốt thép ngăn triều tại vị trí chưa có kè, xây dựng trạm bơm có công suất 2500 m3/giờ.
Khi hạng mục này hoàn thành sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa và cả do triều tại khu vực cư xá Thanh Đa có diện tích 15,4 ha. Kinh phí thực hiện hạng mục này là 15,8 tỷ bằng nguồn vốn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đơn vị thi công là nhà thầu TOA của Nhật Bản. Thời gian thi công 28 tháng, đến tháng 7/2008 là hoàn thành.
- Do thời gian thi công gói thầu B nói trên kéo dài, để giải quyết phần nào tình trạng ngập nước gây bức xúc cho cư dân trong khu vực. Vừa qua, Sở GTCC đã cho phục hồi lại các van ngăn triều để giảm ngập do triều cho khu cư xá Thanh Đa. Giải pháp tạm thời này chỉ mới giải quyết được tình trạng ngập nước do triều, còn việc giải quyết ngập do mưa thì phải đợi đến khi gói thầu B hoàn thành thì mới giải quyết được.
- Việc triển khai thực hiện các dự án GTCC đều phải theo quy hoạch và kế hoạch phát triển của Thành phố. Đối với các dự án trực tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như nâng đường cao hơn  nhà dân, Sở GTCC đều tham khảo ý kiến của cư dân sinh sống 2 bên tuyến đường, nếu nhận được sự đồng tình của dân thì Sở GTCC mới triển khai thực hiện.
Cũng nên lưu ý rằng, mục tiêu chung của dự án là mang lại hiệu quả lớn lao cho xã hội nhưng có thể cũng sẽ gây phiền hà phần nào đó cho một số cư dân trong khu vực dự án, nhưng vì lợi ích chung, rất mong bà con ủng hộ.
Lang Thanh - Nam - < orantino@gmail.com>

- Quy hoạch đường trục Bắc – Nam có ảnh hưởng như thế nào đến đường CMT8? Hệ thống tàu điện ngầm đi ngang qua tuyến số 2 có ảnh hưởng đến các con đường bên trên không?
- Theo Quy hoạch được duyệt, trục Bắc – Nam của thành phố sẽ là đường đô thị cấp II, với điểm đầu là nút giao An Sương, điểm cuối là KCN Hiệp Phước. Theo đó, toàn bộ đường CMT8 hiện nay sẽ nằm trên trục Bắc – Nam của thành phố. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch với lộ giới 35m có vỉa hè mỗi bên rộng 5m, lòng đường rộng 23m (6 làn xe), dải phân cách giữa rộng 2m.
Tuyến metro số 2 (đoạn Bến Thành – Tham Lương) có chiều dài 10,18km; đi theo lộ trình Hàm Nghi -CMT8 -Trường Chinh - Tham Lương trong đó chủ yếu là đi ngầm (dài 8,455km từ Bến Thành đến qua nút giao  Trường Chinh - Cộng Hòa) và đi trên cao (dài 1,130km). Đoạn đi trên mặt đất dài 0,595km trên đường Trường Chinh chạy dọc tường rào sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ tuyến metro được thiết kế sẽ không ảnh hưởng gì đến các con đường bên trên.
Bá Dũng - Nam - Quận 12

- Sử dụng đèn giao thông lệch pha là một việc hay ở những giao lộ có nhiều ngã rẽ. Tại sao Sở Giao thông-Công chính không áp dụng đại trà?
- Việc sử dụng đèn giao thông lệch pha chỉ hiệu quả khi tại giao lộ có tỷ lệ xe rẽ trái lớn (>30%), chiều rộng đường đảm bảo được việc bố trí làn xe rẽ trái riêng biệt (ít nhất 3 làn xe vào nút để bố trí 1 làn rẽ trái riêng) vì nếu không sẽ không phát huy được tác dụng mà còn làm gia tăng thời gian chu kỳ đèn (xe muốn rẽ trái nhưng bị xe đi thẳng dừng đèn chờ đèn đỏ chắn đường). Trường hợp lệch pha giữa 2 hướng chỉ hiệu quả khi tại giao lộ đó chỉ có 1 dòng xe rẽ trái lớn (chiều ngược lại lượng xe rẽ trái ít hoặc không có).

Việc bố trí làn xe rẽ trái đôi lúc không phát huy hiệu quả do thói quen của người lái xe. Cụ thể là vào năm 2003, Sở Giao thông - Công chính đã tổ chức giao thông khu vực ngã tư Phú Nhuận với pha đèn rẽ trái riêng (từ Phan Đăng Lưu vào Phan Đình Phùng), tuy nhiên do không giải quyết được ùn tắc giao thông nên phải quay lại phương án 2 pha đèn như cũ.

Hầu hết các giao lộ trong nội đô khi áp dụng lệch pha (pha rẽ trái riêng) đều phải tốn rất nhiều nhân lực để điều tiết giao thông trong các tháng đầu tiên áp dụng (do người dân thấy chiều ngược lại được phép đi là họ cũng đi theo - không nhìn đèn của hướng họ di chuyển).              
      3.Hinh_5
Sở Giao thông - Công chính đã nhận thấy được sử dụng đèn giao thông lệch pha sẽ góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông tại các nút giao thông. Vừa qua tại Thành phố đã có một số giao lộ có hệ thống đèn tín hiệu rẽ trái riêng với làn xe đi thẳng như các giao lộ trên tuyến Quốc lộ 22, đường Cộng Hòa, tại giao lộ Điện Biên Phủ - đường D1, giao lộ Hoàng Diệu - đường đầu cầu Ông Lãnh đã có bố trí pha đèn rẽ trái riêng biệt với pha đi thẳng.
Tuy nhiên tình hình giao thông tại giao lộ Điện Biên Phủ - đường D1 vẫn còn khá phức tạp do người dân vẫn còn chưa quen với hệ thống đèn tín hiệu có pha rẽ trái.
Việc áp dụng đại trà đèn tín hiệu giao thông lệch pha hiện nay vẫn chưa áp dụng được vì còn phải theo dõi diễn biến của các giao lộ đang thí điểm, từ đó mới rút ra được kinh nghiệm nên áp dụng đèn tín hiệu giao thông lệch pha tại giao lộ nào là hợp lý.
Trần Kiến Quốc - Nam -  kienquoc@vietvuong.com.vn - Cty Việt Vương Q12

- Là người dân thường qua lại ngã sáu Gò Vấp, tôi thấy đây là một điểm ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm. Theo tôi, nên quy hoạch 1 chiều vào nội đô cho tất cả các loại xe trên đường Nguyễn Kiệm (kể cả xe bus) và 1 chiều hướng ra ngoại thành cho đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão.. Xin hỏi ông Giám đốc có giải pháp nào khác?
- Đường Nguyễn Thái Sơn và Phạm Ngũ Lão đang tổ chức lưu thông một chiều cho xe 4 bánh, đây là bước 1 của việc tổ chức giao thông 1 chiều cho đường Nguyễn Kiệm. Bước 2 để tổ chức 1 chiều hoàn toàn cho đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Kiệm (đoạn từ ngã sáu Gò Vấp về ngã năm Nguyễn Thái Sơn).
Việc tổ chức giao thông như trên sẽ giảm ách tắc giao thông tại ngã sáu Gò Vấp. Hiện nay Sở GTCC đang theo dõi tình hình tổ chức giao thông tại khu vực trên và sẽ tổ chức thực hiện bước 2 khi thấy cần thiết. Trong năm 2007 sẽ tổ chức, nghiên cứu và theo dõi để quyềt định. Xin cảm ơn bạn.
Nguyễn Thị Oanh - Nam - phường 13 quận Tân Bình

- Gần đây, đường Cộng Hòa thường xuyên diễn ra ùn tắc giao thông mặc dù đường rất rộng, trong thời gian tới Sở đã có giải pháp nào để giảm lưu lượng xe cho tuyến đường này hay chưa?
- Đường Cộng Hòa chủ yếu ùn tắc giao thông tại các giao lộ Cộng Hòa - Út Tịch, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám... Để giảm ùn tắc giao thông tại các giao lộ này, trước mắt Sở đã điều chỉnh pha đèn giao thông tách riêng pha rẽ trái từ đường Cộng Hòa vào các đường nhánh, cho đi cùng pha với các đường nhánh rẽ trái ra đường Cộng Hòa.
Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh lại thời lượng chu kỳ đèn cho phù hợp với lưu lượng xe thực tế. Tổ chức cho lực lượng thanh niên xung phong giữ gìn trật tự tại các giao lộ.
nguyen duc dung - Nam 48 tuổi -  ngddung@hcm.vnn.vn - TPHCM
- Hiện nay có nhiều các giao lộ và các tuyến đuờng không sơn kẻ các vạch đuờng và nếu có lại không quy định rõ xe đi cho các lằn đuờng, do vậy có các tuyến đuờng rất rộng nhưng có lằn đuờng thì xe xếp hàng , có lằn đường không có xe đi. Tại một số giao lộ như ngã tư Phú Nhuận thuờng xuyên bị kẹt do xe sau phải chờ xe truớc quẹo trái lý do đơn giản là không có quy định rõ tại giao lộ này. Đồng chí có biết không và có trách nhiệm giải quyết khắc phục như thế nào?.
- Hiện nay tại tất cả các giao lộ có đều có kẻ, vạch dừng và vạch đi bộ. Trên các tuyến đường có bề rộng trên 7 mét đều được kẻ vạch sơn phân làn. Các tuyến đường lưu thông 1 chiều có 3 làn xe trở lên hoặc đường lưu thông 2 chiều có 6 làn xe trở lên đều có biển hướng dẫn phân làn và loại phương tiện lưu thông. Ví dụ đường Điện Biên Phủ, Cộng Hòa, Võ Thị Sáu...
Người điều khiển phương tiện giao thông, phải tuân theo Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, xe và tốc độ cao đi làn bên trái ngoài cùng, xe có tốc độ thấp nhất đi làn bên phải sát lề. Đối với các tuyến đường có 3 làn xe trở lên, để giảm chiều dài dòng chờ tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, Sở đã cho lắp đặt  biển cho phép ô tô con đi vào làn xe tải. Tùy vào lượng xe rẽ trái, Sở sẽ tổ chức làn xe rẽ trái riêng, đồng thời tách xe rẽ trái đi riêng như giao lộ D1 - Điện Biên Phủ, Cộng Hòa - Út Tịch.
Bùi Thị Hoa - Nữ - Gò Vấp

- Tôi cho rằng, sự lộn xộn của xe buýt là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe hiện nay. Cụ thể là cho xe chạy vào làn đường xe 2 bánh, chạy vào đường hẹp, dừng đỗ tùy tiện, luồng tuyến chưa phù hợp... Với vai trò là Giám đốc Sở, ông có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Về việc xe buýt gây kẹt xe chúng tôi đã trả lời trong phần giao lưu với bạn Hoàng Mùi (Bình Tân).
Những điều bạn phản ánh về hoạt động không tốt của xe buýt như dừng, đỗ không trật tự, chạy vào làn xe 2 bánh... là đúng. Sở GTCC đang tiến hành điều chỉnh lại mạng lưới tuyến theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động của xe nhằm lập lại trật tự.
Tran Ly - Nam -  trandinhlytd@yahoo.com

- Chúng tôi rất hoan nghênh giao lưu chủ đề này của Báo SGGP và Sở GTCC TPHCM! Rất thiết thực, rất hữu ích và rất nên duy trì thường xuyên! Tôi lấy thí dụ thế này: Riêng chuyện đào đường cũng đã cho thấy hình như các sở, ban ngành không có phối hợp nào cả. Hôm nay điện lực đào, ngày mai cấp, thoát nước đào, ngày kia điện thoại đào... cứ thế, con đường bị "băm vằm", kẹt triền miên... Với cương vị là người đứng đầu ngành GTCC, ông Giám đốc suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên?

- Đầu tiên Sở GTCC xin chân thành cám ơn ý kiến đóng góp của bạn. Đúng như bạn nhận định hiện nay tình hình phối hợp trong đào đường chưa được các ngành quan tâm đúng mức và còn chưa đồng bộ. Hàng năm trước khi thực hiện xây dựng hoặc sửa chữa mới một tuyến đường, Sở GTCC đều thông báo cho các đơn vị có công trình ngầm như cấp nước, thoát nước, bưu điện, điện lực.
Tuy nhiên, một số ngành mà điển hình là cấp nước đã không chuẩn bị được vốn và kế hoạch đầu tư, do vậy rất đáng tiếc là đã không phối hợp được giữa việc làm đường và đặt công trình ngầm.
Về vấn đề lắp đặt đèn tín hiện giao thông tại Trường ĐH Nông Lâm. Sở GTCC đã có kế hoạch giao Khu QLGTĐT số 2 nghiên cứu lắp đặt trong năm 2007. Hiện nay Khu QLGTĐT số 2 đã khảo sát lưu lượng phương tiện giao thông để đề xuất phương án lắp đặt hợp lý.

- Để chống ùn tắc giao thông tôi có 2 ý kiến (có thể không phải là mới): -Phải thực thi các biện pháp chống tăng dân số.. -Học sinh phải học theo địa bàn cư trú. Ông nghĩ thế nào?
- Theo tôi, đây là hai biện pháp hoàn toàn đúng. Xin chân thành cảm ơn bạn đã góp ý.

- Chương trình vận động doanh nghiệp hỗ trợ công nhân đi làm bằng xe buýt hiệu quả đến đâu? Hiện nay có bao nhiêu công nhân đi làm bằng xe buýt theo chương trình này?
- Chương trình này đã có từ năm 2002 và đến năm 2004 đã có những chuyển biến tích cực nhờ có dự án 200 xe buýt mới có máy lạnh và trợ giá của Nhà nước. Đến nay, theo số liệu năm 2006 đã có 16.500 lượt công nhân đi lại bằng xe buýt. Trên các tuyến đường vận chuyển công nhân và một số doanh nghiệp ký hợp đồng thuê xe vận chuyển công nhân.
Kết quả này chưa đáp ứng theo nhu cầu, nhưng đây là đối tượng khách tiềm năng (ổn định). Chúng tôi hy vọng ngày càng được cải thiện trên cơ sở có một chính sách phù hợp bao gồm có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp sử dụng lao động và của công nhân.
Truc Nguyen Tan Thanh - Nam -  trucntt@gmail.com

- Hiện tại việc ùn tắc giao thông, đặc biệt vào những giờ cao điểm vẫn gây khó khăn cho người dân thành phố. Một trong những nguyên nhân là việc đưa con cháu đến trường cũng trùng vào giờ đi làm của các cơ quan công ty xí nghiệp. Đặc biệt tình trạng chiếm lòng lề đường đang xảy ra khá phổ biến ở trước cổng các trường quốc tế và các trung tâm ngoại ngữ quốc tế, do phụ huynh đưa đón con cái đi học bằng xe hơi hay taxi khá phổ biến. Không biết Sở GTCC đã nhận được báo cáo về hiện trạng này và có biện pháp giải quyết thế nào.
- Đây là một trong các biện pháp mà Sở GTCC đã đề ra trong kế hoạch chống kẹt xe nội thị năm 2007. Cụ thể là chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Sở GD-ĐT để bố trí đưa đón đối với học sinh trên địa bàn TP.
Ngoài ra, Sở GTCC sẽ nghiên cứu thêm một số biện pháp khác như lắp đặt biển báo cấm dừng, đậu trước khu vực cổng trường và phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương... để đảm bảo thực hiện trước cổng trường. Đồng thời, Sở GTCC khuyến khích các trung tâm ngoại ngữ sử dụng xe buýt đưa rước học viên.
Nguyễn Văn Luận, 60 tuổi - Nam - Quận 3

- Tôi thấy việc cho xe buýt chạy vào làn xe 2 bánh rất nguy hiểm. Xe buýt thường lợi dụng điểm này để lách sang phần đường xe 2 bánh. Tôi đã từng nghe các tài xe nói rằng, xe buýt chạy vào làn xe 2 bánh không bị phạt và phạt cũng không được vì nếu thấy CSGT thì bật xi-nhan xin đường giống như vừa trả khách xong, làm sao để xóa tình trạng "xe vua" này?
- Xe buýt phải chạy vào làn xe 2 bánh (sát vỉa hè) để đón và trả khách là điều không thể nào khác trừ trường hợp có làn dành riêng cho xe buýt (chúng tôi đang nghiên cứu).
Do nguyên tắc này cho nên để tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt phục vụ khách, trước đây là liên Sở GTCC - CA TP, nay đã được UBND TP cho phép, xe buýt chỉ được phép tiếp tục chạy vào làn xe 2 bánh khi trước mặt xe buýt bị tắc xe ô tô khoảng 50-100m.
Trên thực tế, có một số lái xe buýt lạm dụng việc này. Chúng tôi sẽ đề xuất CA TP phạt nghiêm những tài xế này.
Bá Lộc - Nam - P.3 quận Tân Bình

- Đào đường để thực hiện công trình, người dân đồng tình, tuy nhiên cách làm của đơn vị thi công làm bức xúc cho người dân. Ví dụ như công trình thi công ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè rào chắn choán hết lối đi của các phương tiện, nhưng có khi cả tuần bên trong không có công nhân mà cũng chẳng thấy thi công? Tôi mong Sở phải nghiêm khắc trong trường hợp này, thậm chí rút giấy phép ngay?
- Theo phương án tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công Dự án vệ sinh môi trường trên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở GTCC đã chấp thuận phạm vi rào chắc phục vụ thi công và phần đường còn lại 1m phải kết hợp với cải tạo vỉa hè để các phương tiện 2 bánh lưu thông dễ dàng (đã cấm ô tô lưu thông trên 2 bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).
Tuy nhiên, đơn vị thi công đã không thực hiện đúng theo phương án được duyệt, cụ thể không cải tạo vỉa hè. Sở GTCC đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở, yêu cầu Thanh tra GTCC xử phạt nghiêm và chỉ đạo Khu quản lý GTĐT số 1 dùng vốn duy tuy dặm vá phần đường cho xe 2 bánh, đơn vị thi công phải trả chi phí này.
Đinh Văn Lĩnh - Nam - quận 1

- Xin hỏi ông giám đốc Sở GTCC một vấn đề cụ thể: Tại ngã tư đường Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng liên tục ùn tắc giao thông mặc dù thường xuyên có mặt CSGT và TNXP điều tiết? Sở GTCC đã có kế hoạch phân luồng hay mở rộng nút giao thông này chưa? Theo tôi nên có cầu vượt cho ngã tư này? Câu tiếp theo là đã bao giờ Sở đặt vấn đề xây dựng những nút giao thông không đồng mức để hạn chế ùn tắc giao thông tại các giao lộ có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn như ở Hàng Xanh, ngã tư Phú Nhuận, ngã tư Bảy Hiền… hay chưa?

 3.Hinh_6
- Giao lộ Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng là nơi giao của 2 trục đường chính thành phố. Trong đó tuyến Võ Thị Sáu có chức năng là tuyến giao thông xuyên tâm nên lưu lượng xe rất cao. Các trục đường này đều đã vượt quá năng lực thông xe cho phép nên dễ gây ra ùn tắc giao thông tại giao lộ.
Sở cũng đã nghiên cứu các phương án như: mở rộng hình học nút, làm cầu vượt nhưng các phương án này đều đòi hỏi kinh phí giải tỏa quá lớn nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thời điểm đầu tư trong giai đoạn hiện nay là không khả thi. Từ nay đến 2010 một phần tuyến vành đai 1 và 2 sẽ hoàn chỉnh thì lưu lượng xe có khuynh hướng xuyên tâm qua khu vực này sẽ giảm đi đáng kể trong đó có trục đường Võ Thị Sáu.
Việc nghiên cứu xây dựng các nút giao thông khác mức có lưu lượng giao thông lớn trong nội đô như nút giao Hàng Xanh, Phú Nhuận, Bảy Hiền, Trường Chinh - Cộng Hòa, Công trường Dân Chủ... đã được sở đặt ra từ nhiều năm trước. Từ năm 2003, việc lập nghiên cứu khả thi tại các nút này đã được tiến hành.
Tuy nhiên do đây là nút giao thông xây dựng trong nội đô nên kinh phí đền bù giải tỏa rất lớn. Mặt khác trong thời gian vừa qua việc tổ chức lại giao thông, cấm xe tải lưu thông trong nội thành và đưa xe tải lưu thông tại các trục đường chính như Trường Chinh, Cộng Hòa; đường vành đai 2 (đoạn An Sương - An Lạc) đã giảm bớt được áp lực giao thông trên các nút này. Trong giai đoạn từ nay đến 2010, Sở GTCC sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng xây dựng nút giao khác mức tại các nút giao này.
Đỗ Thị Hương - Nam - quận 7

- Bao giờ tuyến đường vành đai phía Đông triển khai thực hiện, lộ giới bao nhiêu mét? Qua báo chí tôi được biết tuyến đường này sẽ nối liền quận 2 với quận 7, nhưng đến nay cầu Phú Mỹ chưa triển khai thì có thể dự báo bao giờ hoàn thành được không?
- Đường vành đai phía đông do Khu quản lý giao thông đô thị số 02 làm chủ đầu tư. Lộ giới 67m. Dự án đang ở bước thiết kế kỹ thuật.
Minh Nguyệt - Nam - phường Thảo Điền, quận 2
- Việc phát triển vận tải hành khách công cộng số lượng lớn như thế nào? Cách đây 2 năm, UBNDTP rất tự tin khi tuyên bố đến năm 2008-2009 sẽ có 2 tuyến tàu điện ngầm metro nhưng đến nay 2007 rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì?
- Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 được duyệt, đường sắt đô thị TPHCM sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm (metro) và 3 tuyến monorail hoặc xe điện chạy trên mặt đất, kết hợp sử dụng các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm cho chạy tàu ngoại ô và xây dựng 2 tuyến đường sắt nhẹ.
Hiện nay, UBNDTP đang tích cực cho triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt đô thị gồm: (1) Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km với tổng mức đầu tư 1.091 triệu USD; (2) Dự án 2 tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 3 gồm 2 tuyến: Bến Thành - Tham Lương dài 10,18km, Bến Thành – Bến xe Miền Tây dài 10,41km; (3) Dự án tuyến đường sắt đô thị số 4 (đoạn Ngã sáu Gò Vấp - Khánh Hội) dài 11,7 km và (4) Dự án xe điện mặt đất là tuyến Sài Gòn- Chợ Lớn- Bến xe miền Tây (dọc theo đại lộ Đông - Tây) dài 12,5km.
Ngoài dự án tuyến số 1 hiện đang tổ chức thẩm định dự án đầu tư và đã xác định được nguồn vốn đầu tư với 85% tổng mức đầu tư là vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, 15% còn lại là vốn đối ứng trong nước; 03 dự án còn lại đều đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
Theo đó khả quan nhất hiện nay là tuyến số 1 với tiến độ từ 2007-2008 sẽ triển khai thiết kế chi tiết, từ 2008 - 2013 xây dựng và đưa vào khai thác chính thức vào đầu năm 2014. Ngoài ra, tuyến xe điện chạy trên mặt đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây cũng sẽ được khởi công xây dựng từ nay đến 2010.
Năm 2003, thành phố đã phối hợp tập đoàn Siemens để lập nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cho 2 tuyến metro ưu tiên (Dự án 2 tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 3 gồm 2 tuyến: Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành – Bến xe Miền Tây). Tháng 10/2004, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông qua nội dung chủ yếu của nghiên cứu tiền khả thi này.
Nhưng do nguồn vốn đầu tư cho dự án này đặc biệt lớn (khoảng 965 triệu USD) và phương án tài chính của dự án có nhiều thay đổi so với dự tính ban đầu, nhất là chưa tìm được các nguồn vốn vay để đầu tư nên dự án đã bị chậm so với yêu cầu. Hiện nay, các bước chuẩn bị cho dự án vẫn đang được tích cực thực hiện như hoàn chỉnh dự án đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn, thực hiện hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án (với tổng chi phí khoảng 2,2 triệu USD do Ngân hàng ADB viện trợ không hoàn lại 1,7 triệu USD và ngân sách TP cấp 500.000 USD).
Đồng thời, công tác đền bù giải tỏa đất tại khu vực depot Tham Lương (quận 12) và depot Tân Kiên (huyện Bình Chánh) cũng đã được triển khai từ năm 2005 với phương án bồi thường, tái định cư hiện đã được phê duyệt, đang tiến hành áp giá từng hộ để hiệp thương chi trả đền bù; đang triển khai công tác quy hoạch, lập dự án chi tiết xây dựng hai depot.
Nguyễn Giang Hạnh - Nam - Hóc Môn

- Phân luồng và đặt dải phân cách bất hợp lý cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Tôi lấy ví dụ đường Trường Chinh (nói rông ra là tuyến QL 22) làn đường dành cho ô tô rộng thênh thang còn phần đường dành cho xe máy quá hẹp, dân đến tình trạng người dân chấp nhận sai luật để chạy lấn sang đường ô tô. Sao khi xây dựng dự án sở không lưu ý điều này?
- Nhận xét của bạn rất chính xác. Đường Trường Chinh có lộ giới 60m, được thiết kế có 6 làn xe ô tô, 4 làn xe hỗn hợp. Theo tính toán đáp ứng được nhu cầu đi lại đến năm 2020. Tuy nhiên do sự phát triển quá nhanh của phương tiện xe gắn máy 2 bánh cá nhân và việc cho phép xe buýt đi vào làn xe hỗn hợp để đón trả khách đã gây ùn tắc xe trong làn xe hỗn hợp (chủ yếu trong giờ cao điểm).
Để giải quyết vấn đề trên Sở GTCC đã nghiên cứu và sẽ áp dụng thí điểm trạm dừng chờ trên dải phân cách giữa làn xe ô tô và làn xe hỗn hợp; điều chỉnh không cho xe buýt đi vào làn xe hỗn hợp. Giải pháp này chắc chắn sẽ giải quyết được vấn nạn trên.
Riêng đối với Quốc lộ 22 những đoạn đường đi qua khu vực đông người (chợ, trường học, KCN), Sở GTCC cũng đã phối hợp với địa phương vận động người dân không buôn bán, lấn chiếm lòng đường gây cản trở lưu thông. Mặt khác cũng đang nghiên cứu xây dựng cầu vượt bộ hành để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến.
Ngân - Nữ 25 tuổi - Gò Vấp
- Cho xe buýt đón khách ở dải phân cách giữa làn xe ô tô và xe hỗn hợp liệu có an toàn?
- Hiện nay các tuyến đường có dải phân cách tách riêng làn xe ô tô và xe 2 bánh, nếu cho xe buýt được phép lưu thông vào làn xe 2 bánh dễ gây tai nạn giao thông. Để khắc phục tình trạng này, Sở GTCC đã nghiên cứu thiết kế trạm dừng xe buýt trên dải phân cách giữa làn xe ô tô và xe 2 bánh.
Để an toàn cho khách đi bộ băng qua đường tại các vị trí trạm dừng xe buýt, dải phân cách được mở rộng trong phạm vi lớn hơn hoặc bằng 80m nhằm hạn chế tốc độ lưu thông đồng thời lắp đặt đèn đi bộ băng đường và vạch sơn giảm tốc trước vị trí vạch đi bộ. Dự kiến sẽ thí điểm thiết kế này trên đường Trường Chinh, Quốc lộ 52.
Trần Ngọc Minh - Nam - 750A/20 Nguyễn Kiệm
- Trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) đến quận 1 thường bị kẹt xe tại một số điểm. Lý do là việc dừng xe của người tham gia giao thông lấn sang phần đường dành cho hướng giao thông ngược chiều khi đèn đỏ. Tôi xin lấy ví dụ, nhưng chắc rằng đó cũng là tình hình chung tại rất nhiều điểm trong thành phố: cụ thể là trên đường Nguyễn Kiệm tại ngã năm Nguyễn Thái Sơn hướng về Gò Vấp, cũng trên đường này tại ngã tư Phú Nhuận hướng về trung tâm TP. Trên đường Trần Quốc Toản tại ngã tư Trần Quốc Toản – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (hướng từ đường Trần Quốc Thảo đến), rồi trên đường Trần Huy Liệu trước khi vào điểm giao cắt với đường Hoàng Văn Thụ. Rõ ràng nhất và luôn là nỗi kinh sợ của người lưu thông trên đường Nguyễn Kiệm, Lê Văn Sỹ… là tại giao điểm với đường sắt mỗi khi có tàu hỏa chạy qua.. Theo tôi, việc dừng xe lấn sang phần đường dành cho hướng giao thông ngược chiều khi đèn đỏ hay khi xe lửa chạy qua gây rất nhiều ách tắc và chậm dòng lưu thông sau khi tiếp tục được phép di chuyển, cần được phát hiện nhắc nhở, phạt nặng mang tính răn đe. Trong trường hợp đó nếu không được dùng CSGT "chìm" như một số người đề nghị, hoặc phạt qua hình ảnh thì cũng nên cho CSGT cơ động bắt quả tang và phạt nặng ngay tại chỗ. Tôi tin rằng chỉ một vài lần cả đám đông được chứng kiến việc đó mọi người sẽ có ý thức hơn, tránh ý nghĩ dây chuyền “anh lấn qua được, tôi cũng lấn qua”.. Vậy tại sao chúng ta không tăng việc đào tạo, tăng số lượng CSGT? Nếu các anh CSGT sợ thất nghiệp vì mọi người đều tuân thủ Luật Giao thông tốt cả, không còn phạt được ai thì đó là niềm hạnh phúc lớn của toàn dân, nhưng chắc điều đó chỉ có thể xảy ra sau hàng chục năm nữa..
- Xin chân thành cảm ơn bạn đọc Trần Ngọc Minh, nhận xét và đề nghị của bạn hoàn toàn xác đáng. Sở GTCC sẽ tiếp tục làm việc với CA TPHCM để giải quyết vấn đề này.
Trần Quang Quý - Nam - Thủ Đức
- Theo kế hoạch sẽ phải có hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện quy hoạch, TPHCM có những biện pháp nào để thu hút khối tiền khổng lồ này để phát triển giao thông trong bối cảnh nhiều dự án không có nhà thầu?
3.Hinh_7 

Theo quy hoạch được duyệt, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020 là đặc biệt lớn. Ước tính trên toàn khu vực cần khoảng 410.000 tỷ đồng, trên địa bàn thành phố là 224.000 tỷ đồng (trung bình mỗi năm cần khoảng 17.000 tỷ đồng).
Số vốn đầu tư khổng lồ này cần phải có nhiều chính sách đột phá mới có thể huy động được. Nhận thức được thách thức này, TPHCM đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các chủ trương, chính sách quan trọng như: Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị thành một trong những loại hình giao thông công cộng chủ lực ở TPHCM; các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, vận hành đường sắt đô thị được hưởng các chính sách ưu đãi, phát triển đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật; cho phép TPHCM huy động các nguồn vốn để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố theo quy hoạch được duyệt, trong đó có nguồn phát hành trái phiếu đầu tư.
Mặt khác, thành phố sẽ tiếp tục có chính sách để thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông từ một kênh rất quan trọng thông qua sự tham gia của các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân bằng các hình thức như BOT, BTO, BT, liên doanh. TPHCM cũng ý thức được việc triển khai dự án không thể để một mình nhà đầu tư tư nhân gánh vác nên TP sẽ có những nghiên cứu về dự án trước khi kêu gọi đầu tư, nhượng quyền hoặc ký kết hợp đồng với nhà đầu tư; xây dựng một cơ chế đấu thầu mở và công bằng, bảo đảm tính ổn định, lâu dài của hợp đồng; hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác thu hồi đất trước khi dự án được triển khai…
Trong thời gian tới, Sở GTCC cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Kinh tế TP và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo vốn, đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư và bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông-công chính.
Nguyễn Văn Hải - Nam - P4 Tân Bình
- Các giải pháp chống ùn tắc giao thông của Sở GTCC trong thời gian tới là gì? Ông có thể cho biết vài nét chính được không?
- Nhằm kéo giảm tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM, trong thời gian tới, Sở GTCC, Ban ATGT TP đã và đang phối hợp với các ban, ngành có liên quan, xây dựng các kế hoạch ngắn và dài hạn như sau:
1/ Kế hoạch ngắn hạn 2007-2010:
- Kết hợp với Ban ATGT TP tăng cường các biện pháp giáo dục nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, UBATGT Quốc gia bổ sung, nâng cao các hình thức xử phạt cho phù hợp với đặc điểm của đô thị có quy mô lớn như TPHCM.
- Tập trung nghiên cứu, tổ chức lại giao thông khu vực trung tâm TP và các khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông theo hướng một chiều hóa luồng tuyến giao thông và tiến hành thí điểm tách riêng các loại xe 02 bánh và ô tô.
- Tăng cường áp dụng các biện pháp lắp đặt dải phân cách bê tông, thép, rà soát điều chỉnh lại hệ thống biển báo giao thông đường bộ cho phù hợp.
- Kiên quyết loại bỏ các phương tiện giao thông đã quá niên hạn sử dụng lưu thông trên địa bàn thành phố.
- Kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các UBND các quận - huyện, sở -ban- ngành tập trung chấn chỉnh trật tự giao thông đô thị, tổ chức sắp xếp lại hệ thống bãi đậu xe trên địa bàn các quận trung tâm.
-  Nghiên cứu bố trí các vị trí hợp lý cho người đi bộ qua đường, chấm dứt tình trạng băng ngang đường bừa bãi, nghiên cứu bố trí các hầm chui, cầu vượt tại các giao lộ có mật độ giao thông cao và các tiện ích trên đường phục vụ cho người đi bộ (thí điểm ở khu vực trung tâm thành phố).
- Tập trung giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, gây cản trở giao thông. Các sở - ban - ngành trước khi cấp phép xây dựng các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng ăn uống,…cần quan tâm đến cơ sở  hạ tầng và thực trạng giao thông tại khu vực,
- Bố trí lực lượng Thanh niên Xung phong điều tiết và lập lại trật tự giao thông tại các cổng trường vào giờ tan học; các siêu thị, chợ, bệnh viện, các giao lộ có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.
- Kiên quyết thực hiện việc cấm xe 3 bánh, xe bán hàng rong lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.
- Rà soát lại các tuyến xe buýt, chấn chỉnh kịp thời các tuyến xe buýt trùng lắp. Đánh giá lại hiệu quả hoạt động các tuyến xe buýt để lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp.
- Phối hợp cơ quan địa phương tổ chức kiểm tra vận động ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong nhân dân tại từng địa bàn (từ quận huyện đến phường xã).
- Về công tác giáo dục ý thức an toàn giao thông, Ban ATGT TP sẽ tăng cường phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai giáo dục học sinh các cấp về Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, Sở GTCC sẽ phối hợp với các trường học tăng cường triển khai các phương án đưa rước học sinh bằng xe buýt.
2/ Kế hoạch dài hạn:
- Sớm hoàn chỉnh hệ thống trục giao thông chính đô thị, trục xuyên tâm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007nhằm phân bổ đều lại lưu lượng phương tiện giao thông.
- Sớm xây dựng hoàn thành các tuyến đường vành đai, hệ thống đường trên cao, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 2 nhằm tiến tới không cho các loại xe tải trên 2.5T hoặc có tổng tải trọng trên 5T vào nội đô.
- Có biện pháp hạn chế số lượng các loại phương tiện giao thông cá nhân tham gia lưu thông, khuyến khích sử dụng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng.
- Kiến nghị UBND TPHCM có biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ di dời nhóm các cảng biển thuộc khu vực TPHCM trước năm 2010 theo đúng dự kiến.
- Kiến nghị UBND Thành phố cần có chính sách phân bố lại dân cư, các hoạt động thương mại dịch vụ ra các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh để hạn chế bớt nhu cầu đi lại vào khu vực trung tâm thành phố.
Một bạn đọc ở Gò Vấp
- Hàng ngày tới trường phải mất tới 45 phút, khi kẹt xe phải mất đến 2 tiếng đồng hồ! Đường sá ở quận Gò Vấp rất thiếu và hẹp, quận đang trên đà đô thị hóa nhanh nhưng cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp. Người dân Gò Vấp và một phần quận 12 vào trung tâm thành phố gần như chỉ lưu thông trên đường Nguyễn Kiệm gây tình trạng quá tải và kẹt xe thường xuyên. Vậy thành phố có quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông quận Gò Vấp như thế nào ?
- Mạng lưới giao thông trục chính của khu vực Q12 và Gò Vấp hiện nay còn thiếu và yếu. Trong quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020, mạng lưới giao thông trục chính và vận tải hành khách khối lượng lớn đi qua địa bàn Gò Vấp bao gồm: 
1- Đường Vành đai 1.

2- Nâng cấp trục đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh.
3- Mở rộng đường Phan Văn Trị.
4- Mở rộng đường Lê Đức Thọ.
5- Tuyến Metro số 4 (Bến Cát - đường Thống Nhất - đường 26-3 - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Bến Thành - Nguyễn Thái Học - Khánh Hội - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh).
6- Tuyến xe điện mặt đất số 3 từ Ngã sáu Gò Vấp đi Công viên Phần mềm Quang Trung.
7- Tuyến đường sắt trên cao Hòa Hưng - Bình Triệu.
Với mạng lưới giao thông trục chính đi qua địa bàn Gò Vấp đã được quy hoạch sẽ khắc phục được tình trạng giao thông quá tải tại khu vực này.
Nguyễn Dương Vĩnh Nam - Nam 35 tuổi -  vinhnam@hcm.fpt.vn - TPHCM

- Việc bố trí các trạm xe buýt tại các ngã tư chưa hợp lý. Ví dụ như các trạm tại đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình thường xuyên gây kẹt xe tại giờ cao điểm. Xin hỏi Sở GTCC có sắp xếp lại không ?
- Đúng như bạn phản ánh, hiện nay có 1 số trạm xe buýt ở ngã tư chưa hợp lý, thường là do các trạm này có từ trước, nay lại có những thay đổi như mở đường, trổ hẻm, xây nhà mặt tiền... Trên nguyên tắc, việc bố trí trạm dừng phải quy chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT (cách giao lộ 50m, đường lớn trên 4,5m có thể khoét lề...).
Riêng, trên đường Lý Thường Kiệt chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý giao thông, Phòng Quản lý vận tải và Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng giải quyết vấn đề này trong năm nay theo hướng dỡ bỏ hoặc di dời những trạm dừng không đảm bảo quy chuẩn; cho phép khoét vịnh đối với lề rộng 4,5m để xe buýt ra vào an toàn và tránh kẹt xe vào giờ cao điểm.
Bạch Dương - Nam - - Bến Vân Đồn - quận 4

- Hệ thống tín hiệu giao thông chập chờn, không phù hợp với lưu lượng, mật độ xe thực tế trên từng tuyến đường. Bên cạnh đó rất nhiều ngã 3 chỉ lắp đèn cho có, rất lãng phí đôi lúc lại góp phần làm cho ùn tắc giao thông hơn. Như vậy trước khi lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, Sở GTCC có khảo sát, nghiên cứu kỹ không hay chỗ nào thiếu thì lắp?
- Việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dựa vào các tiêu chí sau:
1/ Lưu lượng xe mỗi nhánh phải lớn hơn hoặc bằng 700 CPU (tương đương 700 xe ô tô du lịch/giờ).
2/ Các giao lộ được xác định là điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. 
Vì vậy, trước khi lắp đặt đèn, sở đều cử chuyên viên đi khảo sát cụ thể vào các giờ cao điểm và trong nhiều này.

Một số giao lộ hiện nay đang để chế độ chớp vàng chứ không phải chập chờn nhằm cảnh báo các phương tiện giảm tốc độ khi lưu thông qua giao lộ. Chế độ chớp vàng này là một trong những chương trình được cài đặt chủ yếu sử dụng ngoài giờ cao điểm. Trong giờ cao điểm đèn tín hiện giao thông tại một số giao lộ được chuyển sang chế độ hoạt động xanh-đỏ-vàng để giảm ùn tắc giao thông.
Nhung Nguyễn - Nữ -  kittynhung@yahoo.com
- Thưa Giám đốc Sở, thường ngày ông đi làm bằng xe gì? Và ngoài giờ làm việc ông lưu thông bằng phương tiện gì? Xin ông vui lòng cho biết cảm giác của ông khi lưu thông trên đường phố Sài Gòn?
- Hàng ngày tôi đi làm bằng xe 2 bánh và có khi đi bằng xe buýt. Khi đi công tác tôi sử dụng xe cơ quan. Trên đường phố hiện nay mật độ xe phương tiện giao rất cao, trong đó có xe 2 bánh, tôi mong rằng cùng với việc phát triển mạng lưới xe buýt sẽ giảm lượng xe cá nhân và như vậy giao thông TP sẽ thông thoáng.
Trần Kiến Quốc - Nam - Ngã tư Ga
- Những năm qua, thành phố chúng ta có nhiều thay đổi trong quy hoạch giao thông đô thị. Nhưng cũng có những thay đổi chưa đáp ứng với quy hoạch này. Điển hình là ngã tư Ga. Theo ông có đúng như vậy? Và Sở GTCC đã có những biện pháp như thế nào để giải quyết việc này?
- Cầu vượt ngã tư Ga là một hạng mục trên đường Xuyên á do PMU Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, được Bộ GTVT phê duyệt từ 1996. Theo thiết kế được phê duyệt, cầu vượt hướng Nguyễn Oanh - Hà Huy Giáp có 2 nhánh rẽ phải từ Quốc lộ 1A lên cầu; tại vị trí giao nhau ở dốc cầu được điều tiết bằng đèn tín hiệu giao thông.
Hiện tại, thời hạn kết thúc dự án của ADB mà PMU Mỹ Thuận vẫn chưa hoàn tất dự án, nên TP đang có chủ trương sử dụng ngân sách để hoàn thiện các hạng mục còn dở dang như: bù lún, thảm nhựa mặt đường, chỉnh sửa, bó vỉa, xây dựng hệ thống đèn giao thông tại 2 đầu cầu. TP đang rất nỗ lực hỗ trợ vốn và đôn đốc PMU Mỹ Thuận sớm hoàn thành hạng mục này.
Hiện tại đã có biển hướng dẫn tại cầu cả 4 hướng đi về trung tâm TP; đường chui dưới gầm cầu cho xe rộng 3m, trong giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên 2 làn xe. 
Nguyễn Thị Ngân - Nam - Quận 9

- Việc để chợ xuống đường bày bán gây kẹt xe trách nhiệm thuộc về chính quyền sở tại, công an hay thanh tra giao thông công chính? Đây cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại sao không kiên quyết làm?
- Trong chương trình chống kẹt xe nội thị tăng cường ATGT năm 2007 đã đặt biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo quy định vấn đề trên được chính quyền sở tại, cụ thể là UBND phường, xã, thị trấn quản lý. Chủ trương của TP là trong năm 2007 kiên quyết phải đạt được tiến bộ rõ nét trong việc này, trước mắt là ở khu vực nội đô.
Xuân La - Nam -  hidetoshindk@yahoo.com - Đường Hàm Nghi, quận 1

- Tại sao cứ đến cuối năm lại rộ lên đào đường? Dư luận bức xúc và không ít lần những người có trách nhiệm đã trả lời, đã "hứa" sẽ khắc phục triệt để tình trạng này. Nhưng rồi chuyện vẫn đâu vào đó. Ông Giám đốc nghĩ sao về việc này?
- Thật ra không phải vào cuối năm mới rộ lên đào đường. Việc triển khai các công trình giao thông công chính sẽ đạt được kết quả cao nhất nếu được thực hiện vào cuối mùa mưa đầu mùa nắng. Tuy nhiên Sở GTCC vẫn có các quy định về việc cấm triển khai các công trình mới kể từ ngày 15 tháng Chạp hàng năm và đối với các công trình đang thực hiện phải trả lại tình trạng mặt đường tốt, vệ sinh an toàn chậm nhất vào ngày 23 tháng Chạp, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết và chỉ được phép thực hiện sau ngày mùng 8 Tết.
Tuy nhiên cũng có những dự án lớn đặc biệt là dự án ODA sau khi thi công xong công trình ở tuyến đường này phải tiếp tục chuyển sang thi công ở một số tuyến đường khác (như dự án Đại lộ Đông Tây, môi trường nước, dự án vệ sinh môi trường TP...)
Các dự án này được thực hiện theo lộ trình đã được cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và các quốc gia tài trợ. Đây là việc chúng ta không muốn nhưng cần thiết để có một đô thị hiện đại. Qua đây tôi muốn bày tỏ lòng mong muốn, thông cảm với hoàn cảnh của chúng ta.
Nguyễn Thị Đào - Nữ - phuờng 14, Tân Bình
- Khu vực Bà Quẹo thường xuyên ủn tắc do lượng xe buýt qua dày đặc, vì sao trên tuyến đường này chỉ thấy xe buýt không vậy? Theo tôi nên hạn chế xe buýt tập trung vào một tuyến đường, vừa lãng phí, vừa ùn tắc giao thông (Nguyễn Thị Đào, phường 14, quận Tân Bình)
- Khu vực Bà Quẹo thuộc trục tuyến đường xương sống Bắc - Nam chỉ riêng lượng khách đi xe buýt trên 2 tuyến Sài Gòn - Hóc Môn - Củ Chi và Chợ Lớn - Hóc Môn - Củ Chi bình quân mỗi ngày có 60-80 ngàn lượt người, lễ tết lên đến 100 ngàn lượt người ngày.
Lẽ ra từ lâu trục tuyến này phải có phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như metro hoặc xe điện. Nhưng hiện nay ta chỉ có xe buýt nên vào giờ cao điểm trục tuyến này khoảng 1 - 2 phút thi đã có 1 chuyến xe buýt.
Việc kẹt xe ở khu vực Bà Quẹo là do đây là khu vực "thắt cổ chai", ít đường ngang. Các tuyến xe buýt đã được phân bổ trên cả 3 hướng: Bảy Hiền, Cộng Hòa và Âu Cơ - Lũy Bán Bích nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu điều chỉnh hoạt động của xe buýt tại khu vực này, kết hợp với việc tổ chức giao thông nhằm giải quyết việc ùn tắc tại đây.
Việc tăng tỷ lệ phương tiện giao thông bằng xe đạp từ 3,4% (năm 2002) lên 6% (năm 2010) và giữ nguyên tỷ lệ này đến năm 2020 đã được nghiên cứu kỹ trong quy hoạch. Điều này phù hợp với quy luật phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam và trên thế giới.
Khi đời sống vật chất tinh thần nâng cao một bộ phận người dân sẽ có nhu cầu chuyển sang sử dụng xe đạp vì đây là phương tiện rất có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ này được giữ nguyên là phù hợp với cơ cấu chung của các phương tiện vận tải hành khách. Trong tổng thể tỷ lệ đi lại bằng xe cá nhân (bao gồm cả xe đạp) đến năm 2020 được giảm xuống dưới 46% (hiện nay khoảng 89%).
Đúng là việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Hàng Xanh được nghiên cứu từ năm 2003. Tuy nhiên trong những năm vừa qua với việc tổ chức lại giao thông của xe tải và hệ thống đường đối ngoại từng bước được hoàn thiện để tách bạch giữa giao thông đối ngoại và giao thông nội đô đã giảm bớt được áp lực lên nút giao thông Hàng Xanh nên thời điểm xây dựng cầu vượt đang được nghiên cứu kỹ trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 để tránh lãng phí. Nếu xây dựng phương án lựa chọn sẽ là ít phải giải tỏa nhất.
Võ Phước Hướng - Nam 40 tuổi -  vophuochuong@yahoo.com
- Tôi mạnh dạn đề xuất vài ý kiến nhằm khắc phục nạn kẹt xe hiện nay: - Tạm ngưng 1 vài năm không cho đăng ký mới xe 2 bánh (xe mô tô, xe honda...). sau đó nếu thành công thì cho ngưng hẳn. - Tăng cường thêm nhiều tuyến xe buýt, tăng thời gian hoạt động xe buýt. Bước đầu thực hiện khó khăn nhưng dần dần người dân thành phố sẽ quen đi xe buýt, xe công cộng. Ông thấy thế nào?.
- Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đóng góp của ông và sự đề xuất áp dụng vào thời điểm phù hợp.
Lê Quang Vương - Nam - Quận 3
- Việc cấm xe ba gác lưu thông trong nội thành hình như đã bị bỏ ngỏ? Có phải đây là một giải pháp "đầu voi đuôi chuột"?
- Hiện nay, việc cấm xe 3 bánh lưu thông trong nội thành vẫn còn hiệu lực. Sắp tới Sở sẽ phối hợp với Công an TP để chấn chỉnh lại tình trạng một số xe 3 bánh lưu thông vào các đường cấm trong nội thành.
Bùi Thị Phương Hà - Nam -  vanphuongha@yahoo.com
- Hiện nay ở nhiều KCN, KCX khi tăng ca, công nhân đỗ ra đường làm ùn tắc giao thông. Sở có biết và đã làm việc với Ban quản lý KCN, KCX để giải quyết vấn đề này chưa?
- Tình hình TNGT, ùn tắc giao thông trước các khu công nghiệp - khu chế xuất (HEPZA) đang là thực trạng cần phải giải quyềt của ngành GTCC TP. Trước tình hình đó, từ nhiều năm nay Sở GTCC đã phối hợp cùng Ban quản lý HEPZA xây dựng quy chế phối hợp nhằm đảm bảo an toàn và ùn tắc giao thông tại cổng ra - vào HEPZA.
Trong năm 2007, Sở GTCC sẽ phối hợp cùng HEPZA tổ chức đưa đón công nhân bằng xe buýt, lắp đặt các đèn tín hiệu giao thông (bằng gỗ) phục vụ cho việc băng đường trước cổng HEPZA, xây dựng hầm chui dành cho người đi bộ. Trước các khu CN Tân Tạo, Linh Trung 1...
Về lâu dài, Sở GTCC sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai xây dựng các hầm chui, cầu vượt bộ hành trước khu vực cổng của các khu chế xuất khu công nghiệp.

No comments:

Post a Comment