Thursday, October 2, 2014

Doanh nhân và Kinh tế Trí thức

(www.Dddn.com.vn, 19/02/2007)
Doanh nhân ngày nay không đơn thuần là những người buôn bán nhỏ lẻ mà họ đã thực sự trở thành một đội ngũ lớn mạnh. Những doanh nhân tài năng được xã hội coi là "những nhà khoa học kinh doanh".

Đánh giá về đội ngũ doanh nhân - lực lượng chủ công trong hội nhập, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng:
Hiện, ta có khoảng 260 ngàn DN. Đó là một con số còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, chúng ta đang phấn đấu đến năm 2010 sẽ đạt con số 500 ngàn DN. Theo quan điểm của tôi, đây là lần đầu tiên VN có được một đội ngũ doanh nhân thực sự. Mặc dù còn rất mỏng manh, nhưng trong không khí đổi mới và sự thay đổi về nhận thức, lực lượng này đã và đang phát triển nhanh chóng.
Trong những năm gần đây, có hai sự kiện có ý nghĩa quan trọng: Một là, trong cương lĩnh của Đảng và nhận thức xã hội đã xác nhận tầng lớp doanh nhân là một lực lượng xã hội quan trọng. Vậy là, chúng ta đã trở lại tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ sau Cách mạng tháng Tám thành công. Hai là, cương lĩnh của Đảng trong Đại hội X vừa qua cũng đã thừa nhận vai trò đảng viên làm kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, việc gia nhập WTO đã giúp cho kinh tế VN được hòa nhập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới. Đội ngũ doanh nhân vì vậy cũng được khẳng định vai trò của mình trong xã hội và có điều kiện để phát triển xứng với vai trò đó...
Theo quan điểm của tôi, sự hình thành của tầng lớp doanh nhân VN (theo đúng nghĩa của nó) là gắn liền với công cuộc đổi mới của đất nước, đang phát triển mạnh mẽ và tự khẳng định vị thế quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
- Bối cảnh lịch sử đất nước đã dẫn đến thực trạng: chúng ta từng có rất nhiều tài năng trong lĩnh vực quân sự, chính trị nhưng hầu như vắng bóng tài năng trong lĩnh vực kinh tế, thưa ông?
Những nhân vật tài năng chỉ có thể xuất hiện trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định và do nhu cầu phát triển của xã hội. Rõ ràng là trong thời gian dài, chúng ta không có nhu cầu này, không tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh phát triển thì đương nhiên không thể xuất hiện nhân vật ngoài những điều kiện cho phép. Trong một thời gian dài, chúng ta đã dành toàn bộ sức lực để phục vụ cuộc chiến nên việc xuất hiện nhiều nhân tài trong lĩnh vực quân sự là tất yếu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, đã có rất nhiều những mầm mống về kinh tế xuất hiện. Gần đây, báo chí cũng đăng lại một số các hoạt động kinh tế của chúng ta hỗ trợ thời chiến. Ví như trên lĩnh vực tài chính, đã có những sách lược, cách làm và những con người rất tài năng để xây dựng được một nền tài chính phục vụ kháng chiến. Trên một số lĩnh vực của các ngành kinh tế phục vụ chiến tranh, chúng ta cũng làm được rất nhiều, thể hiện những tiềm năng rất lớn. Không nên tuyệt đối hóa là chúng ta không có tài năng trong lĩnh vực kinh tế.
- Nói như ông thì, trong điều kiện thuận lợi hiện nay, chúng ta không thiếu nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh. Vậy, làm thế nào để thu hút, phát triển những tài năng đó, đặc biệt là trong giới trí thức kiều bào?
Thực tế lịch sử cho thấy, những người VN đầu tiên lao vào cuộc kinh doanh lại là những trí thức, nhà khoa học, đặc biệt là những trí thức hoạt động ở nước ngoài. Trước những biến động về chính trị, kinh tế của thế giới và ở các nước sở tại như Liên Xô và Đông Âu, tầng lớp này đã chuyển hướng rất nhanh. Với lượng vốn kiến thức được trang bị từ các trường đại học, cộng với điều kiện xã hội và ý chí làm giàu, việc thành đạt đó cũng là điều dễ hiểu. Ngay ở VN, trong số những doanh nhân trưởng thành có rất nhiều anh em được đào tạo bài bản về kinh tế. Để thu hút và phát triển những tài năng này, một mặt chúng ta phải chú trọng đến đào tạo, ở cả trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó là phải có một cơ chế thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ này.
- Cơ chế thích hợp đó, theo ông là gì?
Trên thực tế, chúng ta đã có những bài học rất cụ thể, cần phải tổng hợp lại để phát triển thành một đường hướng phát triển của Nhà nước, tạo những điều kiện thuận lợi tối đa. Tôi cho rằng, các doanh nhân VN đi vào nền kinh tế trí thức sẽ có điều kiện phát triển nhanh vì khởi nghiệp của nhiều người trong số họ lại ở chính những quốc gia phát triển. Họ cũng đã có nhiều điều kiện để tiếp cận với nhiều nền văn hóa, giáo dục... của nhiều quốc gia trên thế giới. .
- Một số doanh nhân - trí thức kiều bào cho rằng, để phát huy tối đa nguồn lực tài năng cho đất nước, những doanh nhân tiêu biểu trong số họ phải được tham gia điều hành kinh tế đất nước hay thậm chí phải "có chân" trong Quốc hội. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Điều đó đâu có xa lạ! Thời chiến tranh, trong điều kiện hết sức gian khổ, chúng ta đã thu hút được không ít Việt kiều về giúp đất nước. Chả có lý gì mà trong điều kiện phát triển đất nước hiện nay, chúng ta lại không thu hút được họ. Đó là một suy nghĩ nghiêm túc, chính đáng và phải có bước đi, được biểu hiện từ hai phía: Nhà nước phải thể hiện rõ chính sách, thái độ đối với kiều bào; bản thân đội ngũ Việt kiều cũng phải thể hiện quan điểm, chính kiến và chứng minh năng lực của mình.
- Ông từng nói, để tạo niềm tin cho các doanh nhân thì phải xem lại những vụ án kinh tế oan sai. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm đó?
Chúng ta đã nhấn mạnh, đề cao và tôn vinh doanh nhân là "những chiến sĩ trong thời bình". Đương nhiên, là "những chiến sĩ" thì phải có những anh hùng được tôn vinh, có những kẻ phản bội cần phải chịu hình phạt... Nhưng có một lực lượng mà tôi quan tâm đến, đó là những người làm ăn bị đổ vỡ, do sai lầm, do gặp rủi ro nhưng bên cạnh đó còn là do cơ chế, pháp luật của chúng ta chưa nhất quán, nay sai mai đúng. Quan điểm của tôi là, cần phải thận trọng và không áp dụng hình phạt nặng nhất trong những vụ án kinh tế thuần túy. Có những bản án tử hình, theo tôi, thật đáng tiếc, không bao giờ có cơ hội lấy lại sự công bằng được nữa. Hơn thế, sự đáng tiếc này tác động tiêu cực đến đội ngũ doanh nhân.
- Xin cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment