(Vietnamnet, 23/01/2006 )
Ngày nay, trào lưu kinh tế thế giới dần dần chuyển sang kinh tế tri thức, giá trị sản phẩm không còn dựa trên vật liệu căn bản của sản phẩm mà dựa trên giá trị sáng chế của sản phẩm đó. Giá trị sáng chế của sản phẩm trở thành điểm trọng yếu trong việc cạnh tranh lâu dài.
Hiện nay, ở Việt Nam các khu công nghiệp được phát triển mạnh mẽ, những công ty trong các khu công nghiệp phần lớn tập trung vào các ngành sản xuất, tận dụng nhân công rẻ, không có khả năng nghiên cứu, phát triển và chế tạo những sản phẩm mới mà dựa vào những công nghệ đã hoàn chỉnh để tồn tại.
Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, chi phí nhân công tăng lên sẽ không còn hấp dẫn những công ty này và họ sẽ tìm những nơi khác trên thế giới với giá nhân công rẻ hơn.
Ngày nay, trào lưu kinh tế thế giới dần dần chuyển sang kinh tế tri thức, giá trị sản phẩm không còn dựa trên vật liệu căn bản của sản phẩm mà là dựa trên giá trị sáng chế của sản phẩm đó. Giá trị sáng chế của sản phẩm trở thành điểm trọng yếu trong việc cạnh tranh lâu dài.
Ngược lại, với những khu công nghiệp sản xuất, những khu công nghệ kỹ thuật cao lại là nơi hội tụ của những công ty với khả năng nghiên cứu, phát triển và chế tạo những sản phẩm, kỹ thuật mới. Thường những công ty này được trang bị thiết bị và kỹ thuật tân tiến với nguồn nhân lực phần lớn là nhà khoa học và những người làm kỹ thuật.
Khác với những công ty tập trung trong những khu công nghiệp sản xuất là chính yếu, những công ty trong những khu công nghệ kỹ thuật cao sẽ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, đồng thời quảng bá và tự kinh doanh sản phẩm của họ nên những công ty này có khả năng làm thay đổi thị trường và phát triển vượt bậc cũng như định hướng được lối đi riêng của họ.
Khoa học kỹ thuật có tiềm năng vô cùng to lớn và có khả năng đưa nền kinh tế của đất nước phát triển vượt trội. Chẳng hạn như Silicon Valley, USA từng là một vùng nông nghiệp đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới trong vòng vài chục năm và là nơi xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật ra thế giới đứng đầu nước Mỹ.
Để phát triển những khu công nghệ kỹ thuật cao này, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích và đầu tư thỏa đáng.
Về nhân sự, hiện nay có hàng trăm ngàn nhân viên, cán bộ khoa học kỹ thuật đang làm việc trong các ngành trong cả nước nhưng chưa được phát huy và tận dụng khả năng của họ một cách đúng mức. Ngoài ra, Việt Nam còn có hàng trăm ngàn người Việt được đào tạo, rèn luyện và làm việc trong các ngành khoa học, kỹ thuật tiên tiến đang sống tại hải ngoại, đây là tiềm năng không nhỏ trong việc chấn hưng và kiến thiết đất nước. Nhưng để khuyến khích người Việt hải ngoại mang tri thức từ nước ngoài về kết hợp với đội ngũ khoa học kỹ thuật trong nước, Việt Nam cần có chính sách và đầu tư hợp lý hơn.
Chính phủ cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho những khu công nghệ kỹ thuật cao này cũng như tiện nghi và môi trường làm việc, cung cấp vốn đầu tư ban đầu và khích lệ những công ty này phát triển bằng cách giảm thuế, ưu đãi, giảm giá thuê văn phòng, nhà máy, kho bãi trong thời gian ban đầu, đơn giản hóa thủ tục hành chính và luật lệ, cũng như làm cầu nối cho sự hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu quốc gia và các công ty.
Không những vậy, Chính phủ cần cải thiện môi trường sống, thiết lập trường học tối thiểu đến lớp 12 cho con em của những Việt kiều về nước sinh sống và làm việc, xây dựng nhà cửa, khu dân cư, căn hộ cũng như khu giải trí tiêu khiển, siêu thị, trạm xá, an ninh… trong những khu công nghệ này.
Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích sinh viên học sinh theo học các ngành khoa học, kỹ thuật nhằm mục đích đào tạo và cung cấp nhân sự cũng như tăng cường đầu tư và hỗ trợ các công trình nghiên cứu tại các trường đại học và các viện nghiên cứu quốc gia.
Bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sống, điều kiện làm việc, và các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ từ phía Chính phủ, người Việt hải ngoại và trong nước sẽ cùng chung sức xây dựng và kiến thiết đất nước. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có khả năng phát triển vượt trội về kinh tế và tương lai tươi sáng hơn.
Duc Pham, phamducphd@yahoo.com
No comments:
Post a Comment