(Vietbao.vn, 12/03/2004)
Mục tiêu của phát triển nền kinh tế là đạt hiệu quả cao, tức năng suất cao và khả năng sinh lợi lớn. Muốn vậy phải tạo cho được nền sản xuất có sức cạnh tranh, phát triển bền vững, khai thác tối đa các lợi thế so sánh. Nói một cách cụ thể là phải có nhiều sản phẩm và dịch vụ bán được, giữ vững và mở rộng thị phần, nhất là những sản phẩm chủ lực quyết định cơ cấu là xương sống của nền kinh tế.
Trước thực tế nước ta đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, áp lực thị trường bắt đầu tác động mạnh, nên đặt các doanh nghiệp vào tình huống phải tự thân vận động, nhưng thực tế những điều kiện và môi trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi và phát triển theo hướng chất lượng còn ở trong tình trạng thấp kém. Một số doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận thức được sự cần thiết phải cạnh tranh bằng chất lượng theo cách tiếp cận mới. Hệ thống Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đóng góp nhất định vào quá trình đó.
Hiện nay, Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp quốc doanh và gần 80.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Có hơn 2,1 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể trong toàn quốc. Riêng TP HCM chỉ chiếm khoảng 3% diện tích, 10% dân số nhưng sản xuất ra số lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khá lớn, chiếm trên 30% GDP cả nước.
Các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực và thế giới đã có mặt tại VN từ nhiều năm nay đã minh chứng cho tiềm năng phát triển này. Kết quả trên là sự vận hành của một quần thể doanh nghiệp bao gồm: khoảng 700 đơn vị quốc doanh, trên 600 đơn vị liên doanh và đầu tư nước ngoài, 20.000 đơn vị sản xuất, 30.000 đơn vị thương mại dịch vụ… với hệ thống trên 50 ngân hàng trong và ngoài nước, trên 160 khách sạn lớn nhỏ… Đặc biệt, trong tương lai TP HCM sẽ phát triển lên tới 20 khu công nghiệp và 10 khu đô thị lớn. Sự phát triển một quần thể công nghệ lớn như vậy đòi hỏi phải tính đến phương án đảm bảo chất lượng trong quản lý để xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. Làm thế nào để vận hành ăn khớp cho quần thể công nghệ lớn ở TP HCM hoạt động có hiệu quả?
Có phải chăng áp dụng ISO 9000, cùng với những biến thể của nó đang là mô hình được người cung ứng, cũng như khách hàng quan tâm đòi hỏi. Hiện nay, số doanh nghiệp áp dụng và được chứng nhận ISO 9000 còn khiêm tốn, trong cả nước con số được chứng nhận là xấp xỉ 1.250 doanh nghiệp.
Thống kê các tổ chức Việt Nam nhận được chứng chỉ ISO (đến ngày 23/2/2004)
Tỉnh - Thành phố | Số tổ chức được cấp chứng chỉ | Số chứng chỉ đã nhận | Tỷ lệ so với cả nước (%) |
TP HCM | 580 | 638 | 46,5% |
Hà Nội | 245 | 265 | 19,6% |
Các tỉnh phía Nam còn lại | 242 | 274 | 19,4% |
Các tỉnh phía Bắc còn lại | 181 | 195 | 14,5% |
Tổng cộng | 1.248 | 1.372 | 100% |
Cùng với Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng các đơn vị tư vấn trong ngoài nước như: SGF, BVQI, DNV, APAVE,Quacert, Trung tâm chất lượng quốc tế… đang hoạt động tại Việt Nam. Với những bức bách đòi hỏi của cơ chế thị trường, thì hoạt động của các đơn vị này cần được khuyến khích nhiều hơn nữa tại TP HCM.
Tuy nhiên, hiện nay có một vài tổ chức tư vấn, chứng nhận thường đặt mục tiêu tài chánh là quan trọng chạy theo lợi nhuận. Cho nên, đã có nhiều trường hợp cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến tình trạng vội vàng trong khâu tư vấn, dễ dãi trong chứng nhận. Ngoài ra còn xuất hiện “cò ISO” chào giá đủ loại, giá tư vấn cho 1 doanh nghiệp từ 10.000 - 15.000 USD của những năm trước, thì nay được mời chào trên dưới 50 triệu đồng VN cũng nhận. Tiền nào của đấy! Dĩ nhiên, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động xây dựng chất lượng quản lý tại VN.
Về phía doanh nghiệp, việc áp dụng ISO 9000 có hạn chế thế nào? Chúng tôi nhận thấy DN, do chưa nắm được tính chất tiêu chuẩn, nên nghĩ rằng khi làm thì phải thay đổi cơ cấu tổ chức, thay đổi quy trình công nghệ, phải mua máy móc thiết bị hiện đại, bên cạnh đó còn ngại tốn kém chi phí, tốn thời gian v.v… Ngay đến khi DN đã nhận thức được bắt tay vào làm rồi thì cũng có trở ngại như phải thay đổi thói quen làm việc tùy tiện trước đây, phải có mục tiêu công việc rõ ràng, phải được sự tham gia của mọi thành viên, đương nhiên không loại trừ nguyên nhân trở ngại là thiếu sự quan tâm của lãnh đạo DN.
Về phía thị trường cũng có những nguyên nhân hạn chế khách quan như thị trường nội địa chưa đòi hỏi nhiều, người tiêu dùng chưa đặt tiêu chí “được chứng nhận ISO 9000” lên trên các tiêu chí khác khi mua sản phẩm (dịch vụ). Nhưng với thị trường nước ngoài như EU, Bắc Mỹ có yếu tố tích cực hơn đó là yêu cầu DN phải quản lý chất lượng hệ thống ISO 9000, SA 8000, HACCP, GMP, ISM code, FQF… mới mong có thị phần.
Trên thực tế không ít trường hợp các doanh nghiệp VN khi khăn gói ra nước ngoài đấu thầu nhưng cánh cửa gói thầu lại khép, bởi vì thiếu tiêu chuẩn đầu tiên là chứng chỉ ISO 9000 và không ít trường hợp hàng hóa VN khi xuất khẩu ra nước ngoài đã bị trả lại do thiếu tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi sinh, môi trường…
Trước sự thúc bách của nền kinh tế thị trường, CLB ISO VN đã được hình thành ngày 23 tháng 02 năm 2000. Hơn 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tiến hành thành lập Câu lạc bộ ISO Việt Nam (CLB ISO VN) nhân dịp ngày kỷ niệm 53 năm thành lập tổ chức ISO quốc tế (23/2/1947). Đến nay, CLB ISO VN đã tròn 04 năm hoạt động.
Qua 4 năm hình thành và phát triển, hiện nay CLB có 315 thành viên chính thức, nhiều chương trình Hội nghị, Hội thảo, Triển lãm Hội chợ về ISO… nhằm nâng cao hiểu biết của các hội viên về các hệ thống quản lý quốc tế đã được tổ chức chu đáo như: hội thảo về ISO 9000, ISO 14000, SA 8000 với chủ đề cập nhật thông tin cần thiết về quản trị chất lượng một cách đa dạng như: “ISO Việt Nam trước ngưỡng cửa AFTA 2003 - Hội nhập khu vực và toàn cầu” tại TP HCM và Hà Nội. CLB còn phát hành Bản tin Nội bộ (VIETNAM ISO CLUB BULLETIN) gửi biếu mỗi thành viên 03 tháng một lần để phổ biến các thông tin trong nước và thế giới liên quan đến các tiêu chuẩn hệ thống quản lý của ISO.
Trên thực tế, CLB ISO VN đã hoạt động trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoạt động và phải đối mặt không ít những vấn đề phát sinh vướng mắc trong lĩnh vực mới mẽ này, để cùng đồng hành với các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững. Những hoạt động của CLB đã góp phần bổ sung những khiếm khuyết mà nền chất lượng VN đang còn chổ trống.
Tạo cơ chế thị trường thích hợp, điều này cần có sự quan tâm của chánh quyền từ thành phố đến T.Ư, tạo cơ chế quản lý nhà nước ổn định thích hợp, có chính sách khuyến khích cho hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cung cách quản lý từ kiểm tra chất lượng sản phẩm sang quản trị chất lượng hệ thống cho sản phẩm, cho dịch vụ, tạo sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với cơ quan thông tin, với tổ chức chứng nhận, với tổ chức tư vấn, đào tạo… Sự đồng bộ này đòi hỏi phải có vai trò kết nối các doanh nghiệp với các tổ chức để định hình chiến lược cụ thể xây nền tảng cho ngôi nhà chất lượng VN. Tương lai Hiệp Hội ISO VN sẽ hình thành trên cơ sở tiền thân là Câu Lạc Bộ ISO VN để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong giai đọan hội nhập.
Trước hết, những đơn vị gọi là làm chất lượng cần phải cải tiến ngay nội bộ của mình hướng hoạt động về đúng đích giá trị của nó, phải hoạt động theo đúng triết lý bộ ISO 9000 nghiêm túc, chất lượng ngay từ hợp đồng, làm đúng ngay từ đầu để các doanh nghiệp còn được đi xa trên con đường phát triển sự nghiệp của họ. Có như thế việc cải tiến chất lượng VN mới có hiệu quả thật sự.
Tăng cường ý thức khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, sao cho khách hàng ý thức được dấu ISO 9000, là có giá trị chứng nhận cho sự kiểm soát quá trình, sự quan tâm khách hàng, khi đó khách hàng sẽ nhận được sản phẩm như mong muốn. Để tạo được ý thức này cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại các hội thảo đã đưa ra và hiện vẫn đang được tiếp tục duy trì.
Người cung ứng cần nắm bắt nhanh nhạy yêu cầu khách hàng, tạo cho khách hàng lòng tin khi DN áp dụng ISO 9000, tìm hiểu về quản lý chất lượng nhiều hơn nữa để chọn mô hình quản lý thích hợp có thể là từ dễ đến khó, lãnh đạo cụ thể là giám đốc DN phải là người dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong công tác này, cần thông hiểu để cung cấp nguồn lực một cách đầy đủ, kịp thời, cần kiên quyết và đủ quyền lực để yêu cầu thực thi một cách hiệu quả. Ngay tại thời điểm này, các nhà đầu tư tại VN đang hướng hầu hết những dự án của mình phải đón nhận thêm càng nhiều hàm lượng chất xám càng tốt để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, xây dựng tiếng tăm cho thương hiệu của họ. Do đó, sự đòi hỏi về chất lượng trong khâu quản lý là quy luật khách quan tất yếu.
Trong giai đoạn sắp tới những thành tựu tạo ra từ làn sóng thứ 3 của nền kinh tế trí thức (Knowledge Economy), nền kinh tế phần mềm (Soft - economy) với đặc điểm của một nền kinh tế hậu công nghiệp. Trong đó: trí thức là yếu tố hàng đầu của nền sản xuất, thông tin là tài nguyên quan trọng nhất, sáng tạo chính là động lực tạo ra sự phát triển của một xã hội văn minh… tất cả như thúc bách những nhà quản lý, những chuyên gia về chất lượng, những doanh nghiệp… bước qua cánh cửa tư duy, không ngừng cải tiến và hướng tâm, hướng sức vào nền chất lượng mới vừa phôi thai của VN, trong đó có một phần vai trò CLB ISO VN.
Thạc sỹ Lưu Hoàng Vân
(Phó chủ nhiệm CLB ISO VN)
No comments:
Post a Comment