Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ tái cơ cấu đang được thực hiện như thế nào (Ảnh ND) |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng vào ngày 1/10.
Cho rằng tái cơ cấu còn thiếu cái gì đó, theo Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền, tái cơ cấu là đổi mới mô hình, liên quan đến toàn bộ thể chế. Về tái cơ cấu, việc đầu tiên ĐBQH muốn biết là vấn đề hoàn thiện về chính sách. Chẳng hạn như đổi mới mô hình về thành lập Công ty xử lý nợ xấu, vậy mô hình này được hoạch định, đi vào cuộc sống như thế nào?
ĐB Quyền cho rằng, báo cáo giám sát đã phản ánh sinh động thực trạng, nhưng đánh giá vào từng thể chế một được gì, mất gì, thiếu cái gì, trách nhiệm của từng cấp như thế nào…thì chưa thấy bóng dáng đâu.
“Điều đầu tiên mà ĐBQH quan tâm khi nghe báo cáo giám sát là trách nhiệm. Trách nhiệm từng cấp một đến đâu? Có thể không chỉ được trách nhiệm cụ thể thì cũng phải thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, Quốc, Bộ, ngành, địa phương đến đâu? Giám sát phải chỉ ra được cái đó” – ông Quyền nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2015 cơ bản phải xong nhưng không nên chạy theo chỉ tiêu mà phải đảm bảo chất lượng, tập trung vào vấn đề cốt lõi, xương sống của nền kinh tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì đề nghị phải khẳng định độ tin cậy của số liệu trong báo cáo, nhất là số liệu về kết quả xử lý nợ xấu.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, điều quan trọng là việc hoàn thiện thể chế cho đầu tư công như thế nào? Giai đoạn 2012-2013 có khoảng 262 dự án đầu tư không đúng mục tiêu với mấy nghìn tỷ đồng đã giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó việc quản lý điều hành cũng cần được thực hiện theo quy hoạch:
“Ông nào cũng quan trọng cả, cứ đến là đòi triển khai khiến quy hoạch bị phá vỡ”. Ông Ksor Phước cũng đề nghị chú trọng đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý các dự án, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Vì các công trình xây dựng cơ bản của địa phương số nợ hiện lên đến 83,8% trong tổng số nợ đọng của cả nước. Rồi đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm như thế nào?...
Đề cập đến kết quả xử lý nợ xấu khi VAMC đã mua 56 nghìn tỷ nhưng mới chỉ bán được 1,6 nghìn tỷ, đại biểu lưu ý không thể lấy tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu, mà phải gỡ dần bằng các biện pháp, công cụ tài chính khác như gỡ bỏ trần lãi suất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần đánh giá từng lĩnh vực cụ thể và tổng thể để tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp từ nay đến năm 2015, 2020. “Phải đánh giá rõ tái cơ cấu tổng thể đang ở đâu và tái cơ cấu các lĩnh vực cụ thể đang như thế nào?”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu báo cáo cần đi sâu vào chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình nền kinh tế. Trên cơ sở đó mô hình phát triển kinh tế phải “hiệu quả, bền vững, năng suất, chất lượng lao động cao, áp dụng KHCN, gắn với xã hội và môi trường”.
No comments:
Post a Comment